Chiều 2/5, tại TP.Cần Thơ, Bộ NNPTNT tổ chức họp triển khai 5 mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL (gọi tắt là đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).
TP.Cần Thơ đăng ký tham gia 50ha, do Hợp tác xã Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) triển khai thực hiện trong vụ hè thu năm 2024, đông xuân năm 2024-2025, hè thu năm 2025.
Tỉnh Kiên Giang đăng ký tham gia 340ha, do Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp) và Hợp tác xã tôm-cua-lúa Thạnh An (xã Đông Thạnh, huyện An Minh) triển khai thực hiện trong vụ hè thu năm 2024, đông xuân năm 2024-2025, hè thu năm 2025 (Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã yêu cầu Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang điều chỉnh diện tích theo hướng giảm).
Tỉnh Sóc Trăng đăng ký tham gia 50 ha, do Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú) triển khai thực hiện vụ hè thu năm 2024, đông xuân năm 2024-2025, hè thu năm 2025.
Tỉnh Trà Vinh đăng ký tham gia 50ha, do Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo (ấp Hòa Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành) triển khai thực hiện vụ hè thu năm 2024, đông xuân năm 2024-2025, hè thu năm 2025.
Tỉnh Đồng Tháp đăng ký tham gia 50 ha, do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ (ấp Phú Lợi, xã An Long, huyện Tam Nông) triển khai thực hiện vụ hè thu năm 2024, đông xuân năm 2024-2025, hè thu năm 2025.
Phần lớn Sở NNPTNT các địa phương cho biết, đã tổ chức họp dân, thống nhất một số nội dung cơ bản về việc triển khai thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các địa phương cùng những đơn vị có liên quan tập trung tập huấn nâng cao năng lực cho hợp tác xã, khuyến nông cộng đồng, cán bộ cấp xã, huyện, tỉnh về thực hiện thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao (riêng đối với nông dân trong hợp tác xã thì thời gian tập huấn không quá ngày 15/5/2024).
Song song đó là triển khai cơ giới hóa đồng bộ, tổ chức quy trình canh tác bền vững, lắp đặt hệ thống đo giảm phát thải (MRV), thu gom rơm rạ và bình đẳng giới trong sinh kế của người dân, xây dựng thiết kế mẫu về thủy lợi nội đồng phù hợp với thổ nhưỡng và nguồn nước của từng vùng, tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải.
Về nguồn vốn thực hiện thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, địa phương tham gia và Trung ương sẽ cùng bỏ ra. Trong đó, Trung ương sẽ chi trả về mặt kỹ thuật mô hình, còn địa phương sẽ chi trả về vật tư và hạ tầng.
Từ nguồn vốn trên cùng với sự hỗ trợ, tài trợ từ IRRI và doanh nghiệp, ông Nam nhấn mạnh, nông dân tham gia thực hiện thí điểm sẽ "không bỏ ra đồng nào". "Trong 5 mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân sẽ không bỏ ra đồng nào trong 3 vụ liên tiếp. Chúng ta hỗ trợ tất cả để nông dân phấn khởi làm" - ông Nam nói.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT đã giao Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện 5 mô hình điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Đồng thời, hy vọng từ tháng 8 hoặc tháng 9 tới đây sẽ có kết quả bước đầu.