Năm Mậu Tuất (1418) tại vùng rừng núi Lam Sơn xứ Thanh Hóa, người anh hùng Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa nhằm mục đích lật đổ ách đô hộ của giặc Minh xâm lược, chấm dứt những tội ác bạo tàn, dã man của chúng, mà như trong bài Bình Ngô đại cáo có đoạn viết:
Giặc Minh rình hở, thừa dịp để hại ta,
Đảng ngụy ngầm mưu, theo hùa mà bán nước.
Nướng dân đen trên lò họa,
Hãm con đỏ vào hố tai.
Dối trời lừa người, kế độc đủ muôn nghìn khóe,
Lùa binh gây hấn, ác chứa hàng hai chục năm…
Người đẹp Hoa Nương, một “hồng nhan bạc mệnh”
Thời gian đầu, nghĩa quân của Lê Lợi chủ yếu hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa, với rất nhiều khó khăn, gian khổ. Trong hoàn cảnh đó, tướng Nguyễn Chích đề nghị thay đổi địa bàn, đưa quân vào đánh chiếm Nghệ An “làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực tài lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Quan thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ”.
Theo kế đó, nhằm mục đích đánh lạc hướng sự chú ý của quân Minh, Lê Lợi cho quân tập kích đồn Đa Căng (nay thuộc xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Giáp Thìn (1424), mùa thu tháng 9, ngày 20, vua [tức Lê Lợi] chỉ huy quân và voi đánh úp đồn Đa Căng, phá được đồn này.
Tham chính nhà Minh là Lương Nhữ Hốt chỉ chạy thoát được thân mình, ta thu hết khí giới, đốt phá đồn giặc. Đô chỉ huy sứ nhà Minh là Nguyễn Suất Anh đem quân đến cứu viện nhưng đồn đã mất. Anh chưng hửng, không chỗ bấu víu, vua lại đánh bại chúng... Vua chọn đinh tráng, sửa khí giới, rèn bộ ngũ, chứa sẵn lương khô, tiến thẳng vào Nghệ An”.
Nhà vua làm lễ tế người hồng nhan (Tranh minh họa).
Trận đánh đồn Đa Căng có ý nghĩa rất quan trọng mở thông đường tiến vào đất Nghệ An. Thắng lợi này nhờ sự giúp đỡ tích cực nhân dân địa phương, trong đó có cô gái tên là Lê Thị Hoa Nương (có tài liệu ghi là Đinh Thị Ngọc Hoa).
Thông thạo địa bàn, Hoa Nương đã chủ động đến xin dẫn đường cho nghĩa quân tấn công đồn giặc. Khi quân Minh ở nơi khác đến cứu đồn Đa Căng, nàng đã lập kế đánh lừa khiến chúng sa vào trận địa phục kích và bị nghĩa quân đánh bại.
Khâm phục tài trí và sự dũng cảm của cô gái, Lê Lợi đem lòng yêu mến, sau trận Đa Căng ông về khao quân tại làng Hội Hiền (nay thuộc xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) và cùng Hoa Nương hứa hẹn mối duyên chồng vợ.
Vì tình thế gấp gáp, việc lớn còn dang dở nên hôn lễ giữa hai người chưa được tổ chức thì Lê Lợi đã phải lên đường, ông đành lưu luyến từ biệt người đẹp, hẹn ngày trở lại đón nàng.
Tại quê nhà, Hoa Nương cùng dân làng tích cực rèn đúc vũ khí, tích góp thóc gạo để hỗ trợ nghĩa quân Lam Sơn nhưng phần vì làm việc quá sức, phần vì thương nhớ người chồng chưa cưới, không lâu sau nàng lâm bệnh rồi mất.
Sau khi đánh bại giặc Minh xâm lược, giành lại nền độc lập cho đất nước, Lê Lợi lên ngôi vua (tức Lê Thái Tổ); trong lần trở về quê thăm đất tổ, ông đã ghé qua làng Hội Hiền, nhớ đến Hoa Nương, nhà vua vô cùng thương xót đã lập đàn tế theo nghi lễ tế Hoàng hậu và sắc phong là: “Khai quốc công thần, Quốc mẫu Trinh liệt, Hoàng phi Lê Thị, hiệu Ngọc Ân”, lại sai lập đền thờ phụng, dân chúng quen gọi là đền Bà Am.
Sách Thanh Hóa chư thần lục chép về tục thờ vị thần của làng Hội Hiền như sau: “Thần là người thôn này, tên là Hoa Nương, khi vua Lê Thái Tổ đi đánh giặc Ngô qua đây nghỉ lại, thấy nàng nhan sắc, nết na, đức hạnh, vua muốn lấy làm phi mà chưa thành thì nàng đã thoát hoa.
Đêm vua mộng thấy có người con gái quỳ tâu là trước đây có mối lương duyên chưa hợp, nay nghe vua đánh giặc, xin giúp nhà vua thành công. Hôm sau, vua đánh giặc quả nhiên thắng trận. Khi Thái tổ khải hoàn đã lấy lễ hoàng hậu tế nàng và sai nhân dân lập đền thờ có nhiều linh ứng”.
Vua Lê Thái Tổ còn cấp ruộng đất, bổng lộc cho làng Hội Hiền quê nội và làng Bàn Thạch quê ngoại của Hoa Nương dùng làm hoa lợi hàng năm cúng giỗ bà vào ngày 27 tháng 9 âm lịch. Đến đời Lê Trung Hưng, triều đình lại sắc phong cho Hoa Nương mỹ hiệu là “Tá Thái Tổ Cao Hoàng đế, khai quốc công thần, Hoàng phi trinh liệt tôn thần”.
Trong sách sử, không có dòng nào nhắc đến chuyện vua Lê Thái Tổ nhận con nuôi nhưng dã sử cho biết ông có một người con gái nuôi anh dũng kiệt liệt. Từ một thôn nữ, cô gái này đã trở thành nữ tướng tài ba, luôn đi đầu trong đoàn quân tiên phong đánh đuổi giặc Minh xâm lược.
Người con gái đó tên là Lê Thị Ngọc Dung, quê ở làng Bao Ngạn ở tả ngạn sông Diêm Hộ lại ngay sát vùng biển xứ Sơn Nam Hạ (nay là làng Bao Hàm, xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Xuất thân từ gia đình có cha là một võ sư nhưng yêu thích văn chương nên từ nhỏ nàng không chỉ được học thơ văn mà còn được cha dạy võ, bắn cung, phóng lao... Nhờ sự kèm cặp của cha và bản tính thông minh đĩnh ngộ, đến tuổi trưởng thành Ngọc Dung trở thành là một thiếu nữ xinh đẹp văn hay, giỏi võ, nhất là sử dụng kiếm.
Bấy giờ, trong cảnh lầm than đầy thống khổ dưới ách đô hộ của giặc Minh, người dân Bao Ngạn đã âm thầm phản kháng, họ rủ nhau luyện tập võ nghệ với mục đích chờ thời cơ nổi dậy. Khi nghe nói đất Lam Sơn xứ Thanh, có người anh hùng Lê Lợi giương cao ngọn cờ nghĩa với uy danh lừng lẫy, Ngọc Dung liền đứng ra tổ chức đội dân binh chuẩn bị vũ khí, lương thảo để tìm đường vào xứ Thanh tụ nghĩa.
Nàng lại tìm đến kết thân với hai anh em Lê Hựu và Lê Thị Phương (còn gọi là Phương Nương ) ở trang Vị Dương (nay thuộc xã Thái Hồng, huyện Thái Thụy, Thái Bình) cũng là người hào kiệt để thống nhất lực lượng rồi tuyển chọn được đội quân hơn 500 người, bí mật dùng thuyền theo đường biển đi vào xứ Thanh tụ nghĩa với quân Lam Sơn.
Khi ba người tìm đến yết kiến, Lê Lợi rất mừng, ông đặc biệt ấn tượng với Ngọc Dung, tuy tuổi còn trẻ mà có tài thơ văn, tinh tường binh pháp, qua tỷ thí cùng các võ tướng Lam Sơn, thấy côn quyền, cung kiếm đều giỏi, dung nhan xinh đẹp lại mang họ Lê nên đã nhận nàng làm con gái nuôi.
Sau đó Lê Lợi phong cho Lê Hựu chức Chỉ huy sứ tướng quân, Phương Nương và Ngọc Dung làm tả hữu tỳ tướng, giao cho trọng trách lập căn cứ đánh giặc ở vùng ven biển Sơn Nam Hạ.
Bị đánh thua đau nhiều trận, sợ nghĩa quân Lam Sơn sẽ khống chế vùng ven biển miền Đông, quân Minh tập trung lực lượng lớn tấn công vào đại bản doanh của nghĩa quân ở trang Vị Dương. Thế giặc quá mạnh, Ngọc Dung bàn với anh em Lê Hựu đem binh lính theo đường biển rút về Thanh Hoá.
Lúc này, tại Thanh Hóa, nghĩa quân Lam Sơn gặp muôn vàn khó khăn trước những đợt tấn công liên tục của quân Minh, có những lúc bị bao vây, thiếu lương thực, nước uống, lại bị tổn thất nhân lực.
Theo sách Đại Việt thông sử, cuối tháng 4 năm Kỷ Hợi (1419), Lê Lợi bị quân Minh vây chặt ở đất Trịnh Cao, tướng Lê Lai tình nguyện đổi áo, xưng giả xưng danh hiệu để thu hút sự chú ý của giặc.
Sau đó Lê Lai xưng là chúa Lam Sơn cùng hai anh em Lê Hựu, Phương Nương dẫn theo 2 thớt voi và 500 quân cảm tử xông ra. Quân Minh dồn tới đánh, cuối cùng Lê Lai và 500 quân cảm tử đều anh dũng hi sinh, hôm ấy là ngày 29 tháng 4 năm Kỷ Hợi (1419). Lê Lợi nhân đó cùng bộ chỉ huy của nghĩa quân phá được vòng vây thoát nạn.
Về Ngọc Dung, khi tướng Lê Lai dẫn đội quân cảm tử xông ra, nàng cũng xin theo nhưng Lê Lợi không đồng ý, ông nói rằng đã có chủ ý cho nàng trở về vùng biển Sơn Nam Hạ để thỏa sức “vẫy vùng” đánh giặc.
Đến năm Ất Tị (1425) nghĩa quân Lam Sơn ngày càng lớn mạnh, Lê Lợi sai con gái nuôi của mình cùng tướng Ngô Tiệp dùng thuyền đi đường biển trở lại vùng ven biển Sơn Nam Hạ lập căn cứ và tổ chức tấn công, đánh phá các đồn giặc ở quanh vùng với các trận nổi tiếng tại cửa Trần, cửa Hộ... làm lòng dân phấn chấn, nô nức cho con em đi theo, quyên góp lương thực, rèn đúc vũ khí ủng hộ.
Ngày 5 tháng 12 năm Bính Ngọ (1426) trong trận quyết chiến với quân thù tại cửa Đại Toàn (cửa biển Diêm Điền ngày nay), thấy quân giặc quá mạnh, tướng Ngô Tiệp đề nghị tạm lui quân để bảo toàn lực lượng nhưng Ngọc Dung không nghe, vẫn quyết đánh rồi tử trận, thi hài được nghĩa quân đưa về an táng tại quê hương nàng.
Khi đất nước được giải phóng, Lê Lợi lên ngôi vua, nghĩ đến công trạng của người con gái nuôi, vua truy phong cho nàng mỹ tự là “Biển thức đoan trang, trinh thục từ hòa, đoan chính Phương Nương đại vương”, lại cấp cho dân địa phương tiền bạc, ruộng đất để lập đền thờ phụng. Người dân đã tôn nàng làm Thành hoàng với duệ hiệu là “Thánh mẫu, đương cảnh Thành hoàng Ngọc Dung công chúa”.