Một xã ở Thanh Hóa là "đất thang mộc, địa linh nhân kiệt", dân cuốc đất đụng mộ cổ của 3 vua nhà Hậu Lê

Thứ hai, ngày 04/12/2023 18:50 PM (GMT+7)
Trên vùng đất "địa linh nhân kiệt" và "thang mộc" của 2 vương triều Tiền Lê, vương triều Hậu Lê, (nay là xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) không chỉ có đền thờ Lê Hoàn-vua Lê Đại Hành, có kinh đô tưởng niệm Lam Kinh, mà còn có kinh đô kháng chiến Vạn Lại - Yên Trường...
Bình luận 0

 Kinh đô kháng chiến Vạn Lại - Yên Trường (nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) nơi hào kiệt bốn phương trông về với lòng ngưỡng mộ và mong muốn giương cao ngọn cờ trung hưng, phù Lê, chống Mạc. Ở đó, mỗi di tích chứa đựng cả hàng trăm câu chuyện, hàng nghìn hiện vật.

Đền thờ các vua thời Lê Trung hưng

Ngày nay, nhắc lại những câu chuyện về giai đoạn Lê Trung hưng trên đất xứ Thanh, ngoài những dấu tích ít ỏi còn lại ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường, khu di tích miếu Điện Càn Long... thì còn rất ít di tích liên quan đến thời kỳ này. 

Để nói về điều này, một số nhà nghiên cứu cho rằng, “Cuộc nội chiến của tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh và nhà Mạc đã để lại một vết đau thương tang tóc trong lịch sử, nên các nhà sử học ghi chép rất ít”.

Cũng bởi, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa nơi nào có đền thờ các vị vua thời Lê Trung hưng, nên năm 2010 cùng với sự đầu tư của các cấp, ngành và bà con trong dòng tộc mà đền thờ các vị vua thời Lê Trung hưng nằm ở trang Bàn Thạch xưa, nay thuộc xã Xuân Sinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã được khởi dựng.

Ngược dòng lịch sử, địa danh hành chính của vùng đất này đã trải qua không ít biến động. Thời các vua Hùng, Giáp Yên thuộc trang La Đá của bộ Cửu Chân. 

Cái tên Bàn Thạch lần đầu tiên xuất hiện là năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), khi vua Lê Thái tổ lên ngôi chia cả nước thành 5 đạo, Giáp Yên thuộc xã Bàn Thạch, huyện Lôi Dương, đạo Hải Tây. Bàn Thạch xưa (nay thuộc xã Xuân Sinh) vốn là vùng đất cổ bán sơn địa xen đầm lầy thoải dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam với bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa. 

Một xã ở Thanh Hóa là "đất thang mộc, địa linh nhân kiệt", dân cuốc đất đụng mộ cổ của 3 vua nhà Hậu Lê - Ảnh 1.

Các làng xưa và nay của xã Xuân Sinh nằm trên doi đất hình con dơi khổng lồ đang vỗ cánh bay về hướng Nam. Qua hàng nghìn năm dân cư sinh sống, cải tạo đến nay đã trở thành đồng bằng, nhưng tính chất bán sơn địa xen đầm lầy vẫn còn khá đậm nét.

Sau thời kỳ Lê sơ, nhà Lê Trung hưng (1533-1789) là giai đoạn tiếp theo của triều đại quân chủ nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. 

Một vương triều tồn tại 256 năm với 16 vị vua bao gồm: Lê Trang tông, Lê Trung tông, Lê Anh tông, Lê Thế tông, Lê Kính tông, Lê Thần tông, Lê Chân tông, Lê Huyền tông, Lê Gia tông, Lê Hy tông, Lê Dụ tông, Lê Đế Duy Phương, Lê Thuần tông, Lê Ý tông, Lê Hiển tông và Lê Mẫn Đế, để lại cho hậu thế niềm tự hào về thời kỳ lãnh thổ Việt Nam được mở rộng nhiều lần nhất nhưng cũng là giai đoạn chứng kiến các cuộc nồi da nấu thịt đau thương nhất. Trong hoàn cảnh loạn lạc ấy, việc chôn cất các vị vua ở đâu, vị trí nào luôn là một bí ẩn.

Phong cảnh hồ Bàn Thạch xã Xuân Sinh

Tháng 2/1958, trên một quả đồi nhỏ xưa kia cây cối um tùm, dân làng thường gọi là “rừng cấm” một nông dân làng Bái Trạch, huyện Thọ Xuân, khi phát hoang cuốc đất làm vườn, cuốc phải quách mộ và thấy ở bên trong có một quan tài sơn son. Sau khi tiến hành khai quật và khảo cổ đã khẳng định đây là mộ vua Lê Dụ tông (Duy Đường, 1705-1729).

Đến năm 1976, cũng trên dải đất này, người dân khi đào trong vườn nhà, chạm vào làm vỡ một mảng quách bên trong có quan tài cũng được sơn son thếp vàng. Đó là phần mộ vua Lê Mẫn Đế (Chiêu Thống, 1786-1788).

Và cách nay đúng 35 năm, tức là vào năm 1988 tình cờ học sinh đào trong vườn trường cấp II (vị trí nằm ở cổ con Dơi) phát hiện được ngôi mộ, quan tài dày 20cm bằng gỗ thơm (đàn gương hoặc the mốc), bên trong có quan tài sơn son liền báo với chính quyền. Đó là mộ vua Lê Hiển tông (Cảnh Thống, 1497-1504).

Thế đất ấy, nối từ cồn cánh Rơi (có tài liệu ghi là cồn cánh Dơi), qua cồn Mả Lăng không khác gì một đàn dơi đang bay. 

Theo các cụ bô lão và dân làng truyền lại rằng, trang Bàn Thạch xưa, vốn là chốn núi sông tươi đẹp lại có vượng khí phong thủy, được người xưa chọn để an táng ba vị vua thời Lê Trung hưng.

Ngôi mộ của vua Lê Dụ tông đã được hoàn táng vào đầu năm 2010 trên đất làng Bái Trạch, xã Xuân Giang để tiếp tục an giấc muôn đời với tiên tổ...

Ngoài ra, ở cồn Cánh Dơi, có lăng mộ của vua Lê Mẫn Đế; ở cồn Nẫn (khu đền thờ hiện tại) là nơi phát hiện lăng mộ của vua Lê Hiển tông. 

Vì thế làng Ba lăng vua theo cách gọi quen thuộc của người dân địa phương, đến nay, vừa bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống vừa phát triển đời sống bà con nhân dân.

Một xã ở Thanh Hóa là "đất thang mộc, địa linh nhân kiệt", dân cuốc đất đụng mộ cổ của 3 vua nhà Hậu Lê - Ảnh 2.

Phong cảnh hồ Bàn Thạch xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Hồ Bàn Thạch là hồ nước ngọt trải dài trên 3km, với diện tích khoảng 20 ha, bốn mùa nước trong xanh, rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái.

Mặc dù mới được khởi dựng từ năm 2010, nhưng chỉ cần bước chân vào không gian rộng rãi với những hàng cây cổ thụ, hẳn mọi người đều có cảm giác thật linh thiêng, tôn kính. 

Đền thờ ba vị vua: Lê Dụ tông, Lê Hiển tông và Lê Mẫn Đế được xây dựng trên khu di tích có diện tích là 18.725m2. 

Đền có mặt bằng hình chữ Nhị và nằm trên thềm cao 9 bậc. Tòa tiền tế 3 gian 2 dĩ, mặt nhìn về phía Tây Nam, bên trong có hương án thờ long ngai với tượng của hai vị vua Lê Dụ tông, Lê Hiển tông, riêng ngai của Lê Mẫn Đế tức Lê Chiêu Thống chỉ bày áo mũ. 

Tòa hậu đường 3 gian nằm song song với tiền tế theo hình chữ Nhị, cả hai đều xây kiểu 2 tầng 8 mái. Bên hữu đền chính còn có ngôi đền thờ Mẫu hậu, hoàng hậu, phi tần của các vua thời Lê Trung hưng.

Ông Vũ Văn Giang, công chức văn hóa xã cho biết: Hàng năm, vào ngày 20 tháng Giêng và 17 tháng 7 âm lịch, địa phương tổ chức Lễ Kỳ phúc, thu hút đông đảo Nhân dân trong xã và du khách thập phương đến tham quan, dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn các vị vua và trọng thần thời Lê Trung hưng, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đầu năm 2020, di tích này đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định công nhận là điểm du lịch của tỉnh.

Ngoài ra, đến Xuân Sinh không thể không nhắc đến hồ Bàn Thạch, một cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình. 

Hồ trải dài trên 3km, với diện tích khoảng 20 ha, bốn mùa nước trong xanh, rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái. 

Ngoài ra, cách đền thờ các vị vua thời Lê Trung hưng khoảng 300m, đền thờ thần Cao Sơn - vị Nhân thần được vua Lý trọng dụng, được Nhân dân làng Bàn Thạch suy tôn làm Thành hoàng làng vẫn lặng lẽ và được bà con nhang khói quanh năm.

"Là địa phương có nhiều di tích văn hóa lịch sử, lễ hội truyền thống và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân đã xác định đây là tài nguyên quý giá để đẩy mạnh phát triển du lịch, coi phát triển du lịch là 1 trong 3 khâu đột phá trong giai đoạn 2020-2025. Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có, xã Xuân Sinh đang tập trung công tác quy hoạch, đẩy mạnh quảng bá và thu hút đầu tư, đồng thời kết nối với các khu, điểm du lịch trong huyện, trong tỉnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân địa phương", ông Lê Đức Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh, khẳng định.

Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (NXB Thanh Hóa, 2021); Vương triều Tiền Lê - Hậu Lê (NXB Thanh Hóa, 2014).

Bảo Anh (Báo Thanh Hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem