Trạng nguyên nhà Lê Sơ là một nhà sư quê gốc Thanh Hóa, sinh ra trên đất Hải Phòng
Trạng nguyên nhà Lê Sơ là một nhà sư quê gốc Thanh Hóa, sinh ra trên đất Hải Phòng
Chủ nhật, ngày 26/11/2023 08:28 AM (GMT+7)
Trạng nguyên Lê Ích Mộc là nhà trí thức lớn đương thời và là người tiếp tục phát triển tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”, “Cư trần lạc đạo” của Thiền phái Trúc Lâm. Lê Ích Mộc sinh tại làng Ráng, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng), bậc khởi tổ quê Thanh Hóa...
Theo sách “Đại việt sử ký toàn thư”, Lê Ích Mộc sinh ngày 2-2-1458, tại làng Ráng, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng).
Bậc khởi tổ là cụ Lê Văn Hợi từ đất Tây Kinh Thanh Hóa đến đây sinh cơ lập nghiệp. Đến đời thứ 3, kết quả mối tình giữa cụ Lê Văn Quang và bà Nguyễn Thị Lệ sinh thành ra Lê Ích Mộc.
Tục truyền rằng, thuở nhỏ Lê Ích Mộc là cậu bé thông minh, ham học và ngoan ngoãn, được bà con làng trên xóm dưới yêu quý.
Hằng ngày, sau những buổi phụ giúp cha mẹ, cậu bé Mộc thường hay tới chùa Ráng giúp đỡ các vị tăng, ni quét dọn nhà, xới đất trồng cây và chăm chỉ học hành, nghe nhờ văn sách. Cảm động trước tấm lòng say mê hiếu học, nhà chùa đã nhận Lê Ích Mộc vào làm đệ tử.
Một hôm, Ích Mộc đang đi ở ngoài đường, gặp một vị sư già, một vị cao tăng trụ trì tại chùa Yên Lãng (tức chùa Ráng), nhà sư thấy Lê Ích Mộc có tướng và cơ duyên của một vị cao tăng nên theo Lê Ích Mộc về nhà.
Ông Lê Văn Quang thấy khách quý lại chơi, xiết bao mừng rỡ, ân cần mời làm thượng khách. Nhà sư chỉ Lê Ích Mộc nói rằng: Ông là người từ thiện nên cậu bé này có quý tướng làm lên sự nghiệp lớn, rạng danh gia phong.
Nếu cho cậu ấy xuất gia đầu phật, tương lai phong đỗ cao làm vinh hiển gia đình, tiền đồ không thể hạn lượng được.
Ông Lê Văn Quang bèn hỏi ý kiến con thế nào? Lê Ích Mộc nhận lời. Từ đó, Lê Ích Mộc xuất gia học đạo gánh sách theo thầy. Sau 3 năm đã thông hiểu đầy đủ giáo lý, giáo pháp của bộ kinh kim cương. Khoảng 5 năm, Lê Ích Mộc đủ thông hiểu các pho kinh phật tiếng tăm của ông lừng lẫy khắp làng.
Ngày ngày ăn chay niệm phật, chăm chỉ sách đèn, ông gần gũi dân làng chỉ bảo họ cách làm ăn, làm thuốc chữa bệnh cho dân, hướng dẫn từ công việc cấy cày đồng áng đến cắm đăng đan lưới cho dân bắt tôm, cá.
Sau những kỳ đi giảng kinh ở vùng xa trở về, ông thường đem về nhiều giống cây lạ phân phát cho dân làng trồng. Đặc biệt là giống lim ông mang về được dân làng trồng, đã cung cấp nguồn gỗ chủ yếu để dựng chùa, làm nhà ở.
Sống nơi cửa thiền đất phật, Lê Ích Mộc luôn thông cảm sâu sắc với những khó khăn của dân làng, ông khuyên mọi người hướng về cửa phật với lòng thành tâm của chính mình chứ không phải bằng những nghi lễ tốn kém.
Không chỉ là một vị tăng sư chuyên tâm hằng dương phật pháp mà ông còn là một người am hiểu sâu sắc giáo lý Khổng Tử, Mạnh Tử, tỏ tường sâu trình các phép thần thông huyền bí của Đạo giáo, Lão, Trung.
Ông kế thừa được truyền thống “nhập thế gia trụ phật pháp” của các thiền sư nổi tiếng như: Vạn Hạnh, Đạo Hạnh, Minh Không... chính nhờ các phương thuật huyền bí kết hợp với sự am hiểu về y học, thiên văn, chiêm tinh, lý số.... của Lê Ích Mộc mà ngôi chùa Ráng đã trở thành một sơn môn lừng lẫy.
Dưới Triều Lê Thánh Tông, ông đi thi mấy lần mà không đỗ. Ông trở về quê nhà trụ trì tại chùa Ráng và chuyên nghiên cứu kinh tam tạng nhà phật. Sách “Đại việt sử ký toàn thư” chép rằng: Tháng 2 năm Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5, năm 1502 đời vua Lê Hiến Tông trị vì, triều đình mở hội thi kén người tài.
Một lần nữa, Lê Ích Mộc quyết tâm dùi mài kinh sử, ứng thi những mong đem trí tài giúp nước. Khoa thi năm ấy sĩ tử đi ứng thi có tới mấy mươi ngàn người, triều đình chọn lấy đỗ 61 người có bài thi xuất sắc nhất, trong đó có bài của Lê Ích Mộc.
Đề thi Hội năm ấy, vua Lê Hiến Tông đích thân ra đầu văn sách hỏi về đế vương trị thiên hạ nhưng vào thi Đình lại hỏi về Phật pháp.
Đây là điều bất ngờ lớn đối với sĩ tử nhưng lại là duyên kỳ ngộ đối với Lê Ích Mộc. Với các nho sinh suốt ngày đắm mình trong sách thánh hiền với “Tứ thư, ngũ kinh”, “tam cương, ngũ thường”... gặp phải đề thi này chẳng khác nào sự đánh đố, còn với Lê Ích Mộc thì lại là dịp may hiếm có. Ông thỏa sức trình bày những hiểu biết sâu rộng của mình về Phật pháp.
Lời bàn:
Trong bài thi Đình của mình, Lê Ích Mộc cho rằng mọi chúng sinh đều có phật tính trong mình, con người chẳng qua bị lục căn, lục dục che mất phật tính cho nên cứ phải đọa vào kiếp khổ luân hồi.
Khổ là do mình tạo ra, cho nên muốn diệt được khổ thì chỉ có bản thân mình tự giải thoát cho mình mà thôi. Hơn thế nữa, người đương thời càng khâm phục và ngạc nhiên hơn về cách trả lời cứng cỏi, đanh thép, thẳng thắn, đầy sức thuyết phục, không né tránh bất kỳ câu hỏi nào của Lê Ích Mộc.
Điều đó chứng tỏ nhân cách chân chính, kiến thức Phật pháp sâu rộng của Lê Ích Mộc. Và điều đó đã khiến vua Lê Hiến Tông tỉnh ngộ, nhận ra chân thực giá trị của bài văn và rất hài lòng lấy ông đỗ cao nhất “Đệ nhất giáp tiến sĩ đệ nhất danh” - Trạng nguyên.
Trạng nguyên Lê Ích Mộc là nhà trí thức lớn đương thời và là người tiếp tục phát triển tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”, “Cư trần lạc đạo” của Thiền phái Trúc Lâm.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho các thế hệ khác nối tiếp nhau phấn đấu học tập. Bởi ông chính là hiện thân của tinh thần vượt khó ham học hỏi để vươn tới đỉnh cao của trí tuệ. Ông là niềm tự hào, là biểu tượng truyền thống hiếu học của quê hương Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.