Dân Việt

Người nông dân là trung tâm, động lực số hóa trong nông nghiệp, hơn 2 triệu hộ được đào tạo kỹ năng số

Bình Minh 14/05/2024 18:51 GMT+7
Hiện nay, hàng chục vạn nông dân trên cả nước đã và đang ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp... Đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Chiều 14/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị chuyên đề "Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp". Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng dự và chủ trì.

Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số, đồng thời hội nghị kết nối trực tuyến đến điểm cầu UBND thuộc 63 tỉnh, thành phố.

Lấy người nông dân là trung tâm và động lực phát triển

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có nông nghiệp và nông dân.

Tiếp cận và làm chủ công nghệ số sẽ là "chìa khóa" quan trọng để người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào toàn bộ quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Người nông dân là trung tâm, động lực số hóa trong nông nghiệp, hơn 2 triệu hộ được đào tạo kỹ năng số
- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham quan gian trưng bày giới thiệu không gian số về các mô hình ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, chiều 14/5. Ảnh: Bình Minh

Hiện nay, hàng chục vạn nông dân trên cả nước đã và đang ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và sự mạnh dạn, quyết đoán của những "nông dân 4.0", việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp... mang lại những kết quả hết sức khả quan.

Trong sản xuất trồng trọt: một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân sản xuất đã áp dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng… góp phần tiết kiệm chi phí nhân công, nguồn nước, tăng năng suất cây trồng.

Trong sản xuất chăn nuôi và thú y: một số cơ sở chăn nuôi, trang trại chăn nuôi đã áp dụng hệ thống cảm biến điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, cho ăn và cấp nước uống tự động; quản lý, theo dõi chăn nuôi, xuất xứ động vật nuôi bằng phần mềm; bán hàng trên mạng thông qua các giao dịch điện tử; Công nghệ IoT, Big Data được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như MimosaTEK, hoặc hệ thống phần mềm SmartAgri của công ty Global CyberSoft Việt Nam. 

Các phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy suất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực; công nghệ IoT, Blockchain, tin sinh học đã được ứng dụng tại trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn. Hiện tại, ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất, với mô hình nổi bật là ứng dụng trong các trang trại hiện đại của Tập đoàn TH TrueMilk và Công ty Vinamilk.

Người nông dân là trung tâm, động lực số hóa trong nông nghiệp, hơn 2 triệu hộ được đào tạo kỹ năng số
- Ảnh 2.

Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng chuyển đổi số tại Nông trại Thiên Nông (Bình Phước) do anh Đặng Dương Minh Hoàng quản lý.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ DND mã mạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; tự động hóa, robot, IoT kết nối thiết bị, máy móc trong nhà máy chế biến gỗ có quy mô lớn; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng.

Trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đã xây dựng, đưa vào sử dụng App thuốc Bảo vệ thực vật trên Smartphone (IOS, Android) hỗ trợ nông dân trong việc tìm thông tin về thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp phòng trừ cần thiết; Ứng dụng nhận diện sinh vật gây hại cây trồng đang được triển khai thí điểm tại An Giang vào tháng 01/2022.

Triển khai mạng nhà nông tại một số tỉnh ĐBSCL để hỗ trợ HTX, doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch tài chính, theo dõi thị trường, diễn biến thiên tai, sâu bệnh và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Tính đến tháng 12/2023 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.

Khảo sát của Hiệp hội Crop Life châu Á, gần 50% nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau của Việt Nam được hỏi cho biết họ muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp. So với 3 quốc gia ASEAN trong cùng khảo sát, Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất. Điều đó cho thấy nông dân Việt Nam quan tâm đến số hóa nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trong khu vực.

Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đánh giá thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời cũng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn và đề xuất giải pháp về số hóa nông nghiệp chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

"Giải quyết vấn đề ly nông, ly hương"

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thời gian qua Bộ NNPTNT đã có các buổi làm việc, hoạt động chuyên đề với các Bộ: Công an, TT&TT, Khoa học và Công nghệ về "Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp".

Đồng thời làm việc với các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, trong đó, giới thiệu, trao đổi về các yêu cầu, quy chuẩn mới liên quan đến chuyển đổi số gắn bó mật thiết với chuyển đổi xanh; tổng hợp nhu cầu, thí điểm các cách làm hay, mô hình hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng về quy mô, cấp độ và điều kiện thực tế.

Đặc biệt, với hợp tác xã, bà con nông dân, đây sẽ là các giải pháp đa dạng, đa kênh, đa tương tác về "tri thức hóa nông dân"; giới thiệu các nền tảng số, các kênh thương mại điện tử, các ứng dụng mạng xã hội, kết nối tiêu thụ nông sản: "đưa chợ về vườn", đưa thị trường về đến tận ao cá, vườn cây, thửa ruộng.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chuyển đổi số, số hóa trong nông nghiệp giúp "giải quyết vấn đề ly nông, ly hương. Người dân có thể không làm nông nghiệp nữa, nhưng trên mảnh đất quê hương mình, vẫn có những cách thức mới, công cụ mới để làm giàu, thoát nghèo. Nhờ vào sức mạnh của công nghệ, người dân đã không còn cần di chuyển về các thành phố lớn nữa, mà vẫn tìm ra con đường cho riêng mình. Phát triển dựa trên công nghệ là hướng đi phát triển bền vững, phát triển xanh tại Việt Nam".

Người nông dân là trung tâm, động lực số hóa trong nông nghiệp, hơn 2 triệu hộ được đào tạo kỹ năng số
- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: TTXVN

Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả bước đầu về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT tập trung cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu ngành nông nghiệp (bao gồm cơ sở dữ liệu các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi)...

Đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ số hóa tại các vùng nông thôn; ưu tiên phát triển hạ tầng cho các vùng trồng, chăn nuôi tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp với các doanh nghiệp công nghệ, startup về lĩnh vực số hóa, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản thông minh, hiện đại. Tăng cường kết nối, hợp tác với các tổ chức, hiệp hội quốc tế để tiếp thu kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NNPTNT và Bộ TT&TT tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chuyên gia tại hội nghị để tổ chức phối hợp thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, Bộ NNPTNT sớm hoàn thiện thể chế chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp. Đẩy mạnh cải cách TTHC, phát triển cơ sở dữ liệu cho ngành một cách đầy đủ, dễ hiểu, dễ tiếp cận, tạo sự thuận lợi nhất cho bà con nông dân và doanh nghiệp.

Các Bộ ngành liên quan ưu tiên phát triển hạ tầng phục vụ số hóa, xây dựng chính phủ số tại các cơ quan quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tiếp tục triển khai thực hiện theo kế hoạch đã đề ra theo năm và theo giai đoạn nhằm chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.