Nông dân, doanh nghiệp ở Bình Phước đang số hóa chuỗi cung ứng nông sản, đặc sản

Trần Khánh Chủ nhật, ngày 13/08/2023 05:40 AM (GMT+7)
Dù mới chập chững những bước đi đầu tiên, nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp đang nỗ lực số hóa chuỗi cung ứng nông sản, đặc sản Bình Phước.
Bình luận 0

Ngành nông nghiệp Bình Phước cũng xác định chuyển đổi số nông nghiệp là xu hướng tất yếu để giúp nông dân sản xuất với chi phí thấp bằng công nghệ cao; kết nối trực tiếp thị trường để mang đến những giá trị mới, bền vững.

Chọn Bình Phước chuyển đổi số nông nghiệp

Vốn là kỹ sư du học ở Pháp, anh Đặng Dương Minh Hoàng từ bỏ công việc lương cao ở nước ngoài, về Bình Phước làm nông nghiệp để nối nghiệp cha.

Nông trang Thiên Nông ở xã Phú Văn (huyện Bù Gia Mập) do anh quản lý có tổng diện tích 50ha. Trong đó, nông trang có 12ha trồng bơ toàn bằng công nghệ số. Đặc biệt là hệ thống cảm biến, kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt và châm phân tự động lắp đặt tới tận từng gốc bơ.

Anh Hoàng kể, thông qua ứng dụng internet kết nối vạn vật (ioT), tất cả những dữ liệu về độ ẩm của đất, lượng nước tưới và quá trình sinh trưởng của cây trồng đều có thể được thu thập qua cảm biến.

Nông dân, doanh nghiệp số hóa chuỗi cung ứng nông sản Bình Phước - Ảnh 1.

Nông dân, doanh nghiệp số hóa chuỗi cung ứng nông sản Bình Phước - Ảnh 2.

Hệ thống cảm biến được lắp đặt đến từng gốc bơ để thu thập dữ liệu về quá trình sinh trưởng của cây. Ảnh: Trần Khánh

Dữ liệu này gửi đến điện thoại để các thuật toán phân tích. Từ đó, người dùng sẽ đưa ra các quyết định chăm sóc và thu hoạch sao cho phù hợp.

Từng bơ sau thu hoạch đều được gắn mã QR code (nhật ký số). Người dùng chỉ cần đưa điện thoại thông minh vào quét mã, mọi thông tin từ chăm bón, ngày giờ thu hoạch, phương tiện vận chuyển đến cửa hàng, siêu thị, tiêu chuẩn của sản phẩm… đều được minh bạch.

Anh Hoàng cho biết, mặc dù chi phí đầu tư để quản lý nông nghiệp số khá cao nhưng hiệu quả mang lại lớn.

Hệ thống tự động này sẽ tính toán chính xác lượng nước và phân bón cần bổ sung giúp tiết kiệm vật tư, tăng năng suất. Vì thế người trồng tự quyết định được giá trị sản phẩm mình làm ra.

Với năng suất bình quân 100 tấn/năm, giá bán dao động 70.000-90.000 đồng/kg; mỗi năm vườn bơ đem lại cho anh Hoàng nguồn thu nhập hơn 5 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Nông dân, doanh nghiệp số hóa chuỗi cung ứng nông sản Bình Phước - Ảnh 3.

Nông dân, doanh nghiệp số hóa chuỗi cung ứng nông sản Bình Phước - Ảnh 4.

Từng cây bơ đến từng trái bơ ở nông trang đều ứng dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Trần Khánh

Để giúp nông cùng chuyển đổi số, năm 2021, anh Hoàng và các cộng sự đã thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước với 16 thành viên. Tất cả các kinh nghiệm sản xuất đều được HTX chia sẻ lại cho xã  viên và bà con trong vùng. 

"Đồng thời, HTX chủ động xây dựng chuỗi liên kết, kết nối nông dân với kênh thu mua cuối cùng nhằm giảm bớt khâu trung gian, mang lại giá trị cũng như sự ổn định của nông sản" anh Hoàng chia sẻ.

Tiên phong chuyển đổi số trong thương mại nông sản

Ông Nghiệp Quốc Vương - Giám đốc HTX TM-DV Bom Bo (TP.Đồng Xoài) cho biết, dịch Covid-19 bùng phát năm 2021 khiến cho việc sản xuất, kinh doanh nông sản của Bình Phước gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, nhu cầu thực phẩm trong mùa dịch không có nhiều thay đổi. Trong khi đó, chợ truyền thống đóng cửa, nông dân không biết bán cho ai. Người tiêu dùng không biết mua thực phẩm ở đâu.

Giữa năm 2021, HTX chính thức ra đời và đi vào hoạt động với 16 thành viên, tổng vốn điều lệ trên 19 tỷ đồng. HTX Bom Bo là 1 trong những đơn vị kinh tế tập thể tiên phong, chuyên hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại nông sản.

Bình Phước có diện tích cây ăn trái khá lớn. Nhiều mặt hàng đã đạt các tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGap. HTX Bom Bo đặt trụ sở ngay trung tâm TP.Đồng Xoài để trực tiếp cung ứng đặc sản địa phương. Đồng thời, HTX Bom Bo liên kết tiêu thụ nhiều đặc sản của hàng trăm HTX nông nghiệp khác trong và ngoài tỉnh Bình Phước.

Khách lựa mua sản phẩm đặc sản tại HTX TM-DV Bom Bo. Ảnh: Trần Khánh

Khách lựa mua sản phẩm đặc sản tại HTX TM-DV Bom Bo. Ảnh: Trần Khánh

Hiện nay, HTX tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong khâu thương mại nông sản. HTX xây dựng fanpage để livestream bán hàng trực tuyến. HTX Bom Bo còn tập hợp các HTX tiêu biểu trên địa bàn để tổ chức phiên chợ HTX nông sản online.

Ông Vương kể, HTX đã áp dụng hoàn toàn phương pháp quản lý bán hàng bằng phần mềm. Phần mềm này giúp quản lý tốt việc nhập, xuất kho cho đến bán hàng; hạn chế tình trạng thất thoát, sai lệch hàng hóa.

Không chỉ tập trung vào thương mại, HTX Bom Bo còn hỗ trợ cho vay vốn, cung ứng vật tư đầu vào giúp các HTX khác vượt qua khó khăn, hình thành chuỗi liên kết khép kín. 

HTX cây ăn trái Bàu Nghé ở TX.Phước Long là 1 trong những đơn vị đầu tiên liên kết chuỗi với HTX Bom Bo. Sầu riêng VietGAP là cây trồng chủ lực của HTX Bàu Nghé với diện tích 200ha, mỗi năm cho sản lượng 1.500 tấn.

Ông Trương Văn Đảo - Chủ tịch HĐQT HTX Bàu Nghé đánh giá, mô hình của những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ như HTX Bom Bo sẽ giúp nông sản Bình Phước có thêm điểm tựa.

Bởi vì, HTX Bàu Nghé tự tin về kỹ thuật canh tác khi đã được được cấp mã vùng trồng xuất đi Trung Quốc. "Thế nhưng khâu xây dựng thương hiệu và làm thương mại thì chúng tôi phải cần sự hỗ trợ của HTX bạn, để cùng nhau phát triển, đưa nông sản Bình Phước vươn xa", ông Đảo nói.

Theo Sở NNPTNT tỉnh, Bình Phước đã cấp 19 mã vùng trồng các loại cây ăn trái với diện tích gần 2.000ha để phục vụ xuất khẩu. Bình Phước có 196 HTX nông nghiệp, trong đó có khoảng 28 HTX có ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP và đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Thu hoạch sầu riêng ở HTX Bàu Nghé. Ảnh: Trần Khánh

Thu hoạch sầu riêng ở HTX Bàu Nghé. Ảnh: Trần Khánh

Ông Nguyễn Thụy Luân - Giám đốc NNPTNT tỉnh cho biết, Bình Phước có dạng địa hình phức tạp, địa bàn lại rộng, nhiều khu vực vẫn chưa được phủ sóng internet. Một khó khăn nữa là ngành nông nghiệp chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi cả nông dân và doanh nghiệp đều khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng trong nước.

Những yếu tố này khiến chuyển đổi số nông nghiệp của tỉnh còn gặp nhiều hạn chế, chỉ mới khởi động những bước đi mới mẻ. Ứng dụng chuyển đổi số chưa toàn diện, chủ yếu sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tỉnh Bình Phước vừa ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025, nhằm cụ thể hóa Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 của Chính phủ.

"Ngành nông nghiệp Bình Phước sẽ tiếp tục đồng hành, giúp nâng cao nhận thức của nông dân, HTX trong chuyển đổi số nông nghiệp vì đây là hướng tất yếu để hướng tới nâng cao giá trị, phát triển bền vững", ông Luân chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem