Ở một phường của Quảng Ninh, số hóa vùng trồng vải, lập câu lạc bộ nông dân với chuyển đổi số

Bùi My Thứ bảy, ngày 19/08/2023 06:06 AM (GMT+7)
Hội Nông dân phường Phương Nam (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đã và đang triển khai áp dụng chuyển đổi số trong quản lý công tác Hội, quản lý hội viên, chuyển đổi số trong mô hình cánh đồng vải chín sớm Phương Nam trên địa bàn.
Bình luận 0

Mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam theo hệ thống tiêu chuẩn OTAS (phường Phương Nam, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Video: Bùi My

Chuyển đổi số trong mô hình cánh đồng vải chín sớm Phương Nam

Vải chín sớm Phương Nam là một trong những loại cây ăn quả có thương hiệu của TP.Uông Bí nói riêng và tỉnh Quảng Ninh những năm gần đây. Năm 2023, trên địa phường có khoảng 320/400ha vải chín sớm Phương Nam cho thu hoạch, tập trung chủ yếu các khu: Bạch Đằng 1, Bạch Đằng 2, Hiệp Thanh, Phong Thái, Hồng Hà...

Năm 2013, vải chín sớm Phương Nam được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được UBND tỉnh Quảng Ninh quy hoạch là một trong 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung của tỉnh. Năm 2017, TP.Uông Bí đã phê duyệt Dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP. Đến nay toàn phường có hơn 190ha vải chín sớm Phương Nam được trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP.

Chuyển đổi số ở 1 phường của Quảng Ninh: Số hóa vùng trồng vải thương hiệu, tuyên truyền đưa nông sản lên sàn thương mại - Ảnh 1.

Vải chín sớm Phương Nam có mùi thơm, vị ngọt chua dịu. Ảnh: Hội Nông dân phường Phương Nam

Chuyển đổi số ở 1 phường của Quảng Ninh: Số hóa vùng trồng vải thương hiệu, tuyên truyền đưa nông sản lên sàn thương mại - Ảnh 2.

Vải chín sớm Phương Nam được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ năm 2013. Ảnh: Hội Nông dân phường Phương Nam

Để góp phần tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, tháng 8/2022, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp UBND phường Phương Nam triển khai thí điểm mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam theo hệ thống tiêu chuẩn OTAS trên diện tích 30ha.

Ông Nguyễn Văn Hồng (khu Hiệp Thanh, phường Phương Nam, TP.Uông Bí) cho biết, gia đình ông đã trồng vải chín sớm Phương Nam khoảng 20 năm nay. Năm 2022, được Hội Nông dân phường Phương Nam và các đơn vị tuyên truyền, gia đình ông đã tham gia trồng vải chín sớm Phương Nam theo hệ thống tiêu chuẩn OTAS với diện tích 5 sào. Tuy năm vừa rồi thời tiết không thuận lợi nên sản lượng vải thấp, nhưng chất lượng quả vải rất tốt, ngọt đậm, không có vị chát, quả to đều, ít sâu đục cuống.

Khi áp dụng hệ thống tiêu chuẩn OTAS, những hộ trồng vải nắm bắt được toàn bộ quá trình trồng và chăm sóc vải như: Các loại phân bón được sử dụng tại vùng trồng, liều lượng dùng; tình hình sinh vật gây hại, dịch hại… Đồng thời khi đã xuất bán, người tiêu dùng có thể truy xuất và xác thực nguồn gốc sản phẩm vải chín sớm Phương Nam.

Chuyển đổi số ở 1 phường của Quảng Ninh: Số hóa vùng trồng vải thương hiệu, tuyên truyền đưa nông sản lên sàn thương mại - Ảnh 3.

Người dân kỳ vọng việc việc áp dụng theo hệ thống tiêu chuẩn OTAS sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu và nội tiêu sản phẩm vải chín sớm Phương Nam. Ảnh: Bùi My

Ông Bùi Văn Trà – Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam (TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam theo hệ thống tiêu chuẩn OTAS được thực hiện trên diện tích 30ha, với trên 100 hội viên nông dân tham gia.

Dự án với mục tiêu chuẩn hóa các thông tin của sản phẩm vải chín sớm Phương Nam từ quy trình chăm sóc, tuổi cây, đặc tính sinh trưởng, thời gian thu hoạch, cách phòng trừ sâu bệnh từng thời kỳ bằng số hóa. Từ đó, thuận tiện cho việc quảng bá sản phẩm và có chỉ dẫn địa lý trên Google Maps quốc tế.

Đây là dự án rất quan trọng được triển khai trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng chuẩn số hoá, phục vụ sản xuất và nâng cao thương hiệu sản phẩm vải chín sớm Phương Nam của địa phương.

Chuyển đổi số ở 1 phường của Quảng Ninh: Số hóa vùng trồng vải thương hiệu, tuyên truyền đưa nông sản lên sàn thương mại - Ảnh 4.

Hội Nông dân phường Phương Nam gắn biển mã QR-Code cập nhật thông tin về cánh đồng chuyển đổi số phường Phương Nam. Ảnh: Hội Nông dân phường Phương Nam

Bên cạnh thí điểm mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam theo hệ thống tiêu chuẩn OTAS, trong năm 2022, Hội Nông dân phường Phương Nam còn xây dựng cánh đồng chuyển đổi số tại khu Bạch Đằng 1 với diện tích 1ha.

Theo đó, Hội Nông dân phường Phương Nam đã xây dựng các mã QR-Code tích hợp các thông tin cơ bản của vườn vải như họ tên chủ vườn, diện tích, số lượng cây, quy trình chăm sóc cây vải tại vườn vải. Qua đó giúp người dân chủ động hơn trong quảng bá thương hiệu vải chín sớm Phương Nam.

Chuyển đổi số ở 1 phường của Quảng Ninh: Số hóa vùng trồng vải thương hiệu, tuyên truyền đưa nông sản lên sàn thương mại - Ảnh 5.

Chuyển đổi số trong mô hình cánh đồng vải chín sớm Phương Nam sẽ giúp người dân chủ động hơn trong quảng bá thương hiệu sản phẩm. Ảnh: Hội Nông dân phường Phương Nam

Chuyển đối số trong quản lý hội viên nông dân

Theo Hội Nông dân phường Phương Nam, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác và phong trào Hội Nông dân. Do đó, trong năm 2022, Hội Nông dân phường Phương Nam đã thành lập câu lạc bộ "Nông dân với chuyển đổi số" gồm 22 thành viên, với nòng cốt là các chi hội trưởng chi hội trong toàn phường.

Các thành viên trong câu lạc bộ sẽ được tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng để thực sự am hiểu về chuyển đổi số và làm chủ được việc thực hành chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, các thành viên câu lạc bộ sẽ tuyên truyền hướng dẫn hội viên, nông dân trong việc quảng bá sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội như zalo, Facebook. Youtube...

Chuyển đổi số ở 1 phường của Quảng Ninh: Số hóa vùng trồng vải thương hiệu, tuyên truyền đưa nông sản lên sàn thương mại - Ảnh 6.

Thông qua hoạt động của câu lạc bộ "Nông dân với chuyển đổi số" nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn... Ảnh: Hội Nông dân phường Phương Nam

Bên cạnh đó, Hội Nông dân phường Phương Nam đã áp dụng chuyển đổi số trong quản lý công tác Hội, quản lý hội viên. Nhờ đó, việc quản lý, theo dõi 1.579 hội viên hiện đang sinh hoạt tại 14 chi hội, 36 tổ hội từ ghi tay thông thường được chuyển sang quản lý danh sách bằng hệ thống các mã QR-Code tích hợp thông tin hội viên. Nhờ đó giúp Chi hội trưởng các chi hội quản lý hội viên được chủ động, đầy đủ và chính xác hơn.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Trà, hiện đa số hội viên, nông dân trên địa bàn phường có tuổi đời bình quân cao, trình độ và cách tiếp cận công nghệ hiện đại gặp nhiều hạn chế, cán bộ Hội Nông dân cũng chưa được đào tạo bài bản về chuyển đổi số nên gặp nhiều khó khăn.

Do đó, để giúp hội viên, nông dân hội nhập với xu thế hiện nay, cần tổ chức các chương trình, tập huấn kỹ năng chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, hội viên, nông dân tại cơ sở nhằm hiểu được vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công tác hội phong trào hội nông dân, cũng như sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, cần đẩy mạnh tiến độ xây dựng hệ thống dữ liệu danh sách hội viên, danh sách hộ sản xuất kinh doanh giỏi từng giai đoạn, từng thời kỳ. Đặc biệt là dữ liệu về sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, các cá nhân, doanh nghiệp cần số hóa quy trình sản xuất, hướng tới tích hợp và minh bạch hóa sản phẩm bằng hệ thống đọc mã QR.

"Nếu chủ động thực hiện chuyển đổi số trong công tác hội và phong trào nông dân sớm sẽ giúp hội viên, nông dân nắm bắt thời cơ, lợi thế, từ đó sẽ tạo động lực mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển hiệu quả, bền vững" – ông Bùi Văn Trà cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem