Ngày 9/5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (gọi tắt là Quy định 144). Quy định 144 có hiệu lực từ ngày ký và phổ biến đến chi bộ để thực hiện.
Có ý kiến cho rằng vì sao lại ban hành Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên vào thời điểm này? Tại sao lại triển khai sâu rộng đến chi bộ, nghĩa là đến tất cả hơn 5,3 triệu đảng viên và gần 52 nghìn tổ chức cơ sở Đảng? Còn có những câu hỏi khác thu hút sự chú ý của nhiều người, nhưng riêng với 2 câu hỏi trên, bao giờ cũng là thời sự, bao giờ cũng là số đông.
Trước hết, cần thiết nhấn mạnh rằng, một trong ba căn cứ cho việc ra đời Quy định 144, đó là nhằm đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Tiếp theo, cũng cần phải nhắc lại rằng, trong 3 nhiệm kỳ gần đây (Đại hội lần thứ XI, XII và XIII), Đảng ta đều chọn Hội nghị Trung ương 4 - hội nghị đầu mỗi khoá - để bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tất nhiên, không phải chỉ trong 3 nhiệm kỳ gần đây mà ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã chú trọng công tác tự soi, tự sửa, mạnh dạn nhìn thẳng vào những yếu kém, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng để tìm giải pháp sửa chữa, khắc phục và ngày càng hoàn thiện đường lối lãnh đạo của một đảng, phù hợp với bối cảnh, tình hình cụ thể, đáp ứng tốt nhất những vấn đề, đòi hỏi đặt ra. Thế nên, việc ban hành Quy định 144 là điều hết sức bình thường, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.
Nội dung của Quy định 144 gồm những vấn đề gì? Đó là một quy định hết sức ngắn gọn, gồm 6 điều, 21 điểm, nêu rất cụ thể yêu cầu về 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên.
Phải khẳng định rằng, cả 5 điều đều liên quan đến các yêu cầu, tiêu chí chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới đều hết sức ngắn gọn, cô đọng, xúc tích, dễ thuộc, dễ nhớ và cũng không có gì quá mới mẻ hay xa lạ với các cán bộ, Đảng viên. Cụ thể là:
1. Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc;
2. Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập;
3. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư;
4. Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm;
5. Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.
Lâu nay, chúng ta đều nghe đến những chuẩn mực như trên và thực hiện một cách thường xuyên. Nhưng, việc tự soi, tự sửa, việc nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân mình, kết quả công việc để từ đó tìm ra nguyên nhân của cả thành công và hạn chế và tìm cách đẩy mạnh, khuyến khích, thúc đẩy những kết quả tích cực đồng thời tìm giải pháp khắc phục những tồn tại, sai lầm đã mắc phải là việc luôn được coi trọng.
Thế nhưng, không phải cá nhân, tập thể nào cũng coi chuyện này như việc "rửa mặt hằng ngày" để tu dưỡng, rèn luyện, từng bước hoàn thiện mình. Đây đó cũng có những sao nhãng, lơ là trong việc không thể thực hiện đúng các yêu cầu, tiêu chí của chuẩn mực đạo đức cách mạng để rồi dẫn đến những sai lầm, sai phạm gây hậu quả đáng tiếc ở nhiều cá nhân, tập thể, cấp độ khác nhau.
Đơn cử như với vấn đề "tu dưỡng rèn luyện", liệu tất cả các cán bộ, đảng viên có thường xuyên thực hiện? Điều này chắc chắn là không. Tại sao lại khẳng định như vậy?
Thử hỏi, nếu cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo thực hành tu dưỡng rèn luyện hằng ngày, thường xuyên liệu có dẫn đến những vi phạm đạo đức cách mạng, để rồi sa ngã, gây ra những hậu quả to lớn, đặc biệt là làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng?
Rõ ràng việc tu dưỡng rèn luyện đã bị nhiều tổ chức, cá nhân thờ ơ, xem nhẹ. Chính vì không coi trọng việc tu dưỡng rèn luyện nên không ít cán bộ, đảng viên đã từ bỏ việc học tập nâng cao trình độ, phớt lờ tất cả những nguyên tắc, quy định, không gương mẫu, khiêm tốn, thậm chí còn hống hách, độc đoán, thờ ơ, không thể hiện đúng vai trò "đầy tớ", "công bộc của nhân dân", không phục vụ lợi ích tập thể, của nhân dân, của quốc gia…
Trong bối cảnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Ban Chấp hành Trung ương kiên quyết thực hiện với hàng loạt đại án được xét xử, trong bối cảnh niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đang lên cao, người dân hết mực ủng hộ công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đâu đó lại có những ý kiến xuyên tạc, bóp méo sự thật xuất hiện, gây những hoang mang, hoài nghi trong xã hội, trong đó có cả bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Vậy nên, việc ban hành Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới là hết sức kịp thời và cần thiết.
Đó không chỉ là việc tự soi, tự sửa thường xuyên, liên tục mà còn là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp thể hiện sự tự giác, nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc "nêu gương". Đó là việc để chúng ta thực hành thiết thực cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong công việc cũng như cuộc sống.
Đó cũng là việc cần thiết để mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện bản lĩnh của mình, tự giác quyết tâm thực hiện việc dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công việc với những sự sáng tạo, đổi mới trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng.
Và đặc biệt, Quy định số 144 nhấn mạnh các tiêu chuẩn đạo đức, những điều mà bất cứ công dân chân chính nào cũng thể hiện rõ nét, sinh động, đó là lòng yêu nước, là sự tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, tránh những dao động, lung lay để không thể "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", suy thoái đạo đức cách mạng.
Rõ ràng, ở bất kỳ thời điểm nào, với bất kỳ quốc gia nào, những con người, những công việc không như ý muốn, thậm chí chủ đích chống đối, phá hoại cũng xuất hiện. Thế nên, việc nhận diện kịp thời những nguy cơ, mầm mống "bệnh tật" để có biện pháp phù hợp ngăn chặn, xử lý triệt để, hiệu quả, tránh những mối nguy hại luôn là cần thiết, với phương châm "phòng hơn chống"…
Khi mỗi cán bộ, đảng viên không nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức cách mạng được ban hành, việc nhắc nhở, răn đe, xử lý là điều hết sức cần thiết, để tránh xảy ra những sai sót, vi phạm ở các cấp độ khác nhau.
Đương nhiên, nếu được chỉ rõ, xử lý kịp thời thì những sai phạm mắc phải sẽ nhẹ hơn rất nhiều so với việc chúng ta cố ý lờ đi, bỏ qua, sai phạm sẽ tích tụ như căn bệnh nan y, gây ra những hậu họa khôn lường.
Hơn hết, việc ban hành Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới để mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện, coi đó như việc "rửa mặt hàng ngày" để thấu hiểu, triệt để vận dụng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên tinh thần thực sự tôn trọng nhân dân, như Đảng ta đề ra mục tiêu là mọi hoạt động đều nhằm mục đích phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Nói như vậy để thấy rằng, việc ban hành và thực hiện tốt Quy định 144 chính là một trong những việc cần thiết để ngày càng thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng suốt của Đảng ta - một đảng cầm quyền "lấy dân làm gốc", dựa vào nhân dân và mọi nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng đều phấn đấu vì nhân dân. Như mục đích, tôn chỉ mà Đảng ta nêu ra từ đầu là "vì lợi ích quốc gia, dân tộc", "vì nhân dân phục vụ".