Lãng phí công sản - "Bệnh nan y" vì thiếu trách nhiệm hay lợi ích nhóm?

Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 23/05/2024 13:10 PM (GMT+7)
Thất thoát, lãng phí tài sản công từ lâu đã trở thành "căn bệnh nan y" đe dọa nền kinh tế, gây bức xúc trong xã hội. Tiền thuế của nhân dân đã không được coi trọng khi gặp phải sự "thờ ơ" từ chính những công bộc của dân. Nguy hiểm hơn, nó còn manh nha dấu hiệu lợi ích nhóm.
Bình luận 0

Mấy hôm nay, dư luận xôn xao với câu chuyện tỉnh Bình Định đòi trụ sở cũ của 2 đơn vị trong ngành Tòa án và Tư pháp, cũng là những cơ quan hàng đầu trong hành pháp và tư pháp nước ta. Xôn xao bởi 2 trụ sở cũ bị bỏ hoang tại Bình Định nhiều năm nay, đã xuống cấp trầm trọng, trong khi địa phương thiếu trụ sở làm việc, nhưng "đòi" nhiều lần chưa được.

Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn có ít nhất 6 lần ký công văn gửi đến Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao, các cơ quan có liên quan đề nghị bàn giao lại trụ sở cũ TAND huyện về cho địa phương quản lý, vì khi trụ sở bị bỏ không sẽ gây ra lãng phí rất lớn, thậm chí là nguy cơ xuống cấp và gây nguy hiểm.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng nhiều lần trình công văn lên Trung ương, nhưng chưa thấy hồi âm. Mọi chuyện vẫn chỉ dừng trên giấy và địa phương vẫn phải mòn mỏi chờ.

Lãng phí công sản - "Bệnh nan y" vì thiếu trách nhiệm hay lợi ích nhóm?- Ảnh 1.

Trụ sở cũ TAND huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định bỏ hoang, xuống cấp. Ảnh: Dũ Tuấn

Trong cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định ngày 14/5, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định Lê Kim Toàn đã thẳng thắn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo Cục quản lý công sản rà soát lại và sớm bàn giao các trụ sở cũ, cho địa phương quản lý sử dụng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính hứa sẽ đôn đốc Bộ Tư pháp, Toà án Nhân dân tối cao khẩn trương có văn bản trình, sớm thực hiện việc bàn giao trụ sở cũ của 2 cơ quan Toà án nhân dân huyện và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tây Sơn.

Nhưng đã được cấp đất không thu tiền để xây trụ mới thì phải trả cho địa phương trụ sở cũ là đúng quy định và thuận lẽ tự nhiên, sao lại "chây ỳ" không trả hoặc thậm chí có nơi còn đòi bán lại (!?!). Đằng sau những sự "chây ỳ" kia, những tư tưởng đòi "bán lại" hay "cho thuê tài sản công" liệu có lợi ích nhóm, liệu có trục lợi để tiền vào túi cá nhân? 

Việc gì cũng phải kêu lên Trung ương can thiệp thì biết bao giờ mới giải quyết được tình trạng lãng phí, thất thoát tài sản công - một căn bệnh được coi là "nan y" của xã hội suốt những năm qua.

Chiều 20/5, trình bày báo cáo thẩm tra kết quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết con số: Trên toàn quốc, còn 404/908 dự án, công trình không đưa hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích là 18.308/28.155ha chưa được xử lý.

Việc xử lý các dự án, cụm dự án theo Nghị quyết số 74/2022 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng chưa đạt yêu cầu.

Dẫn chứng là mới có phương án xử lý đối với 17/51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 11/13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ.

Có 14/19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí. Có 501/880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023 của Bộ Tài chính cho hay, tại 30 tỉnh, thành phố diện tích đất đã giao nhưng sử dụng không đúng mục đích là 61.280ha. Hơn 61.000ha đất này, nó là bao nhiều tiền của ngân sách, chắc không phải là con số nhỏ.

Bộ Tài chính cũng nhìn nhận thực trạng tồn tại âm ỉ lâu nay tại nhiều cơ quan Nhà nước, đó là coi tài sản công "như của chùa". Sự im lặng và vô cảm của nhiều cơ quan chức năng đã khiến các trụ sở, trang thiết bị, tài sản công nhanh xuống cấp, gây lãng phí.

Lãng phí công sản - "Bệnh nan y" vì thiếu trách nhiệm hay lợi ích nhóm?- Ảnh 2.

Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) và ông Nguyễn Văn Minh - nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (ảnh nhỏ). Ảnh: PV

Nghiêm trọng hơn, nhà đất công trên cả nước bị các cá nhân, tổ chức "xẻ thịt", cho thuê lại... để hưởng chênh lệch, sử dụng sai mục đích để trục lợi, hay dùng các chiêu trò tinh vi để biến của công thành của tư gây thất thoát, thiệt hại lớn ngân sách.

Thời gian qua, các vụ đại án được "phanh phui" đã hé lộ mánh khoé của quan chức và nhóm lợi ích, khi lợi dụng chức vụ quyền hạn, với mục đích trục lợi tài sản công. Vụ thâu tóm đất công sản tại TP.Đà Nẵng của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") là một điển hình như thế.

Theo cáo trạng của vụ án, từ năm 2002 đến năm 2010, Vũ thành lập nhiều công ty để sử dụng tư cách pháp nhân các công ty này để thực hiện hành vi mua nhà, đất công sản và nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Mặc dù biết rõ việc này nhưng ông Trần Văn Minh, khi đó là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, vẫn chỉ đạo cấp dưới hoàn thành thủ tục cho phép chuyển nhượng các nhà, đất công sản và các dự án đất không qua đấu giá, hoặc áp dụng đơn giá chuyển quyền sử dụng đất thấp hơn giá cho Vũ "nhôm".

Các bị can trong vụ án cũng biết chủ trương của Trần Văn Minh là không đúng quy định. Tuy nhiên, liên tục trong thời gian dài, họ đã tạo điều kiện cho Vũ trục lợi tại 4 dự án bất động sản, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tại thời điểm cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện và điều tra là hơn 18.000 tỷ đồng.

Chưa hết, Vũ đã trục lợi trực tiếp tại 15/22 nhà, đất công sản ở Đà Nẵng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tại thời điểm cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện và điều tra là gần 2.000 tỷ đồng.

Lãng phí công sản - "Bệnh nan y" vì thiếu trách nhiệm hay lợi ích nhóm?- Ảnh 3.

Tác giả bài viết, nhà báo Dương Dũ Tuấn. Ảnh: DV

Tài sản công là của Nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân, từ đồng thuế đóng góp của nhân dân. Thế nhưng, thời gian qua tình trạng lãng phí, thất thoát tài sản công, diễn ra ở mức độ trầm trọng, nhức nhối, âm ỉ dù nhiều lần vấn nạn này đã được đưa ra nghị trường bàn luận, mổ xẻ phân tích trong các phiên họp của Chính phủ, ban hành nhiều luật quy định về công tác quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Giải quyết vấn nạn này thực sự là bài toán khó cũng như chữa khỏi bệnh ung thư. Nhưng khó cũng không có nghĩa là không chữa được. Trước hết, nó đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị.

Ngoài ra, thuốc chữa cũng phải đến từ chính tư duy, ý thức của mỗi cán bộ công chức: Làm sao để mỗi cán bộ, công chức Nhà nước phải xoá bỏ được tư tưởng coi tài sản công là "tiền chùa" để "cha chung không ai khóc", gây lãng phí lớn cho Nhà nước và nhân dân. 

Làm sao phải hạn chế và tiến tới xoá bỏ được tư tưởng, hành vi coi ngân sách, coi tài sản công, trụ sở, đất đai là "chùm khế ngọt" để "trèo hái mỗi ngày" khi đem cho thuê, làm kế hoạch 3, thậm chí ngang nhiên… mang bán, gây lãng phí và thất thoát vô cùng lớn cho Nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem