Dân Việt

Tuần du lịch "Sắc vàng Tam Cốc Tràng An 2024": Độc đáo lễ tạ Thần Nông

Nguyên Hà 30/05/2024 20:00 GMT+7
Lễ hội Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An năm nay mang chủ đề lễ tạ Thần Nông, có hoạt động thực cảnh tái hiện lại quá trình sản xuất lúa gạo của người Việt xưa, cùng nghi lễ tế mang đậm bản sắc Việt, tổ chức từ ngày 1/6 - 8/6/2024.

Tuần lễ du lịch có nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024), 70 năm giải phóng Điện Biên Phủ, 49 năm giải phóng Miền Nam và Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới (2014 – 2024)

Lễ hội Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An năm nay mang chủ đề lễ tạ Thần Nông đã cho một mùa màng bội thu.

Tuần du lịch "Sắc vàng Tam Cốc Tràng An 2024": Độc đáo lễ tạ Thần Nông - Ảnh 1.

Điểm nhấn của Tuần du lịch "Sắc vàng Tam Cốc Tràng An năm 2024" là lễ tạ thần nông, với đoàn rước đi qua thảm lúa vàng. Ảnh: T.C.

Trong tâm thức của cư dân nông nghiệp, Thần Nông chăm lo cho việc trồng cấy để mùa màng tươi tốt. Truyền thuyết kể rằng, Vua Thần Nông, là người dạy dân nghề làm nông, chăm lo mùa màng, chế tạo cày bừa và là người đầu tiên làm lễ thượng điền và hạ điền.

Ông cũng là người phát triển nghề thuốc trị bệnh cứu dân, độ thế. Tín ngưỡng thờ cúng Thần Nông cũng vì thế trở thành một nét văn hóa đặc sắc của các cư dân văn minh lúa nước. Đến với lễ hội năm nay, quý vị đại biểu và du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm không gian văn hoá, tín ngưỡng với 63 thuyền chở lễ vật gồm những sản vật đặc trưng cho 63 tỉnh thành trên cả nước, hoạt động thực cảnh tái hiện lại quá trình sản xuất lúa gạo của người Việt xưa, cùng nghi lễ tế thần Nông mang đậm bản sắc Việt.

Tuần du lịch "Sắc vàng Tam Cốc Tràng An 2024": Độc đáo lễ tạ Thần Nông - Ảnh 2.

Chùa Bái Đình mùa trảy hội. Ảnh: NH.

Đến với tuần lễ du lịch Ninh Bình năm 2024, du khách sẽ được tham gia các hoạt động trải nghiệm như: Đi thuyền trên sông, tham quan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của làng gốm Bồ Bát, thêu Văn Lâm, đá mỹ nghệ Ninh Vân; tìm hiểu về các sản phẩm OCOP mang thương hiệu Ninh Bình; tham gia Photo tour "Mùa vàng Tam Cốc" để có những bức hình đẹp, ấn tượng về Tam Cốc mùa lúa chín.

Tuần du lịch "Sắc vàng Tam Cốc Tràng An 2024": Độc đáo lễ tạ Thần Nông - Ảnh 3.

Khung cảnh nên thơ ở Tam Cốc, Ninh Bình mùa lúa chín. Ảnh: TC.

Điểm nhấn của Tuần du lịch năm nay là bức tranh "Mục đồng thổi sáo" trên diện tích gần 10.000m2 tại cánh đồng lúa Tam Cốc. Để có được tạo hình bức tranh khổng lồ nhằm thu hút khách, huyện Hoa Lư đã hỗ trợ, giám sát người dân từ lúc cấy lúa đầu vụ. Khi lúa chín sẽ có hình mục đồng thổi sáo với hai màu xanh-vàng. Giống lúa để tạo ra bức tranh là Thái Xuyên 111, cây cứng, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với đất canh tác ở đây.

Người dân xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư cho biết bức tranh trồng lúa năm nay tạo hình khó hơn năm trước do có nhiều chi tiết phức tạp như mắt, mũi, miệng cũng như phải thể hiện được sự tươi tắn của mục đồng và con vật.

Những năm trước trong tuần lễ du lịch, cũng tại cánh đồng này, Ninh Bình đã tạo hình "Lá cờ hội" và "Lý ngư vọng nguyện", thu hút sự yêu thích của nhiều du khách.

Theo Ban quản lý Khu du lịch Tam Cốc, bức tranh "Mục đồng thổi sáo" có ý nghĩa tôn vinh giá trị văn hóa, tín ngưỡng của vùng đất cố đô. Con trâu vốn là "đầu cơ nghiệp", rất quan trọng với nhà nông và cũng đại diện cho sự hiền lành, chăm chỉ của người nông dân. Bức tranh "Mục đồng thổi sáo" thể hiện ước nguyện của người dân về thiên thời địa lợi nhân hòa, vụ mùa bội thu.

Tuần du lịch "Sắc vàng Tam Cốc Tràng An 2024": Độc đáo lễ tạ Thần Nông - Ảnh 4.

"Sắc vàng Tam Cốc Tràng An 2024" dự kiến thu hút hàng vạn lượt du khách đến với Ninh Bình. Ảnh: TC.

Ý nghĩa của bức tranh nhằm thể hiện ước nguyện của người dân về "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" để có những vụ mùa bội thu, tôn vinh những giá trị văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của vùng đất Cố đô địa linh, nhân kiệt; ca ngợi người nông dân không chỉ lao động với nghề trồng lúa mà còn biết sáng tạo nghệ thuật, thưởng thức văn hóa, làm giàu thêm đời sống tinh thần.

Năm nay, lần đầu tiên Ninh Bình tổ chức Hội thi chọi dê đặc sắc, tổ chức thực hiện các nghi lễ nông nghiệp truyền thống như cúng thần nông, mừng lúa mới... được tái hiện với sự tham gia của hơn 2.000 người dân trong vùng lõi di sản.

Những hoạt động tâm linh hướng tới Thần Nông và Thánh Quý Minh Đại Vương của người dân địa phương cùng chương trình nghệ thuật mang tới một sự giao thoa văn hóa giữa truyền thống và hiện đại, nhằm kích cầu du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Ninh Bình.