10 năm Tràng An thành di sản: Ninh Bình từ vùng đất "4B" thành điểm đến tuyệt vời nhất thế giới
10 năm Tràng An thành di sản: Ninh Bình từ vùng đất "4B" thành điểm đến tuyệt vời nhất thế giới
Bình Nguyên
Thứ năm, ngày 25/04/2024 20:00 PM (GMT+7)
Từ một tỉnh nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, khai thác đá nung vôi, Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch tuyệt vời nhất thế giới. Sự kiện Tràng An được UNESCO ghi danh 10 năm trước, đóng vai trò quan trọng cho sự đổi thay của vùng đất này.
Suốt nhiều năm kể từ khi tái lập tỉnh (năm 1992), Ninh Bình là một tỉnh nghèo trong vùng Đồng bằng Sông Hồng và cả nước. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, khai thác đá sản xuất vật liệu xây dựng. Những công trường khai thác đá nung vôi gây bụi bẩn mù mịt khiến một thời Ninh Bình được ví là vùng đất "4B"- buồn, bực, bụi, bẩn.
Bức tranh du lịch chỉ có một vài nét chấm phá nhỏ, với các địa danh như: Nhà thờ đá Phát Diệm, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động… Các dịch vụ phục vụ khách tham quan nghỉ dưỡng nghèo nàn. Năm 2012, tỉnh Ninh Bình chỉ có trên 1 triệu lượt khách.
Bước ngoặt lớn nhất của du lịch Ninh Bình thực sự bắt đầu kể từ sự kiện ngày 25/6/2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đây là Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á (cho đến thời điểm hiện tại).
Khám phá Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình. Video: SNVN.
Đến năm 2019, sau 5 năm Tràng An được UNESCO ghi danh, tỉnh đón hơn 7,65 triệu lượt, lượng khách giai đoạn 2010- 2019 tăng trưởng bình quân đạt hơn 12%/năm; doanh thu từ du lịch đạt mức tăng trưởng 24,17%/năm. Trong đó, năm 2019 đạt 3.671 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần so với 2010.
Các năm 2020-2022, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng tỉnh tiếp tục được nhiều chuyên trang du lịch uy tín như TripAdvisor, Telegraph, Business Insider... đánh giá là điểm đến an toàn và hấp dẫn. Năm 2022, du lịch Ninh Bình phục hồi mạnh mẽ, đón 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần cùng kỳ năm trước; doanh thu tăng gấp 5 lần cùng kỳ năm 2021.
Đến năm 2023, toàn tỉnh đón 6,6 triệu lượt khách, riêng quần thể danh thắng Tràng An đón khoảng 4,6 triệu lượt, doanh thu gần 6.500 tỷ đồng. Cũng trong năm này, Tạp chí Forbes (Mỹ) vinh danh Ninh Bình là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất thế giới.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón 3,9 triệu lượt khách, trong đó có gần 340.000 lượt khách quốc tế, đạt 52% chỉ tiêu đề ra của cả năm 2024.
Nhiều năm liền, Ninh Bình giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đánh giá: "Quần thể danh thắng Tràng An thực sự đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch - của tỉnh, khẳng định được vị trí du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế".
Chủ tịch tỉnh Ninh Bình nhìn nhận, sau một thập niên được ghi danh là Di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, trở thành nguồn lực, trụ cột và động lực quan trọng trong xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế, đưa kinh tế của tỉnh phát triển bền vững. Đến nay, Quần thể danh thắng Tràng An đã có thêm sứ mệnh mới trở thành "trái tim" của "Đô thị di sản thiên niên kỷ", thành phố sáng tạo trong tương lai.
Một trong những thành công điển hình của Ninh Bình là đã vận dụng linh hoạt mô hình hợp tác công-tư, đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các bên: Cộng đồng (người dân)-Chính quyền- Doanh nghiệp.
Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được tổ chức tại Ninh Bình năm 2022, bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO đã đánh giá: "Tràng An là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh ngiệp".
Theo thời gian, giải pháp này thực sự đã phát huy hiệu quả trên các phương diện: Huy động được các nguồn lực của nhiều thành phần kinh tế trong đầu tư hạ tầng du lịch, hạ tầng dân sinh, gắn phát triển du lịch với bảo tồn di sản; huy động được nguồn lao động trong cộng đồng dân cư trong khu di sản tham gia vào các hoạt động du lịch, góp phần tạo sinh kế cho người dân; cộng đồng dân cư được tham gia vào việc hoạch định các cơ chế, chính sách, tham gia quản lý di sản, hưởng lợi từ di sản, hình thành sự cân bằng giữa bảo tồn và đảm bảo sinh kế người dân, tiến tới xây dựng cộng đồng trở thành "Trung tâm" trong công tác bảo vệ di sản.
Khu vực di sản quần thể danh thắng Tràng An hiện có 429 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 36 di tích cấp tỉnh, được phân bố đều khắp 18 xã, phường. Đây là kinh đô đầu tiên của nhà nước Đại Cồ Việt, chứa đựng nhiều di tích lịch sử, tôn giáo nổi tiếng, các giá trị thiên nhiên và văn hóa độc đáo.
Tràng An là địa điểm nổi bật trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, cho thấy nhiều bằng chứng về quá trình tương tác giữa người cổ với cảnh quan thiên nhiên và nỗ lực thích ứng của họ với những biến cố môi trường trong hơn 30.000 năm, từ 1.200 đến 33.000 năm trước.
Đặc biệt, Tràng An là một trong số ít di sản chịu sự tác động của con người, thậm chí con người và thiên nhiên hòa thuận, mang lại lợi ích cho nhau. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững đã phát huy sức sống, tiềm năng và giá trị di sản, để di sản thực sự là của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ và gìn giữ. Ước tính, số lao động trực tiếp tại khu vực quần thể danh thắng Tràng An khoảng hơn 10.000 người, lao động gián tiếp hơn 20.000 người, thu nhập của cộng đồng dân cư địa phương được nâng cao rõ rệt qua từng năm.
Kỷ niệm 10 năm quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới (2014 - 2024), tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi mang tính kết nối và lan tỏa văn hóa từ tháng 1 đến tháng 9. Nổi bật là lễ hội và phiên chợ Tết xưa diễn ra tại khu Phố cổ Hoa Lư; hội thảo khoa học quốc tế, không gian trưng bày khảo cổ về các giá trị văn hóa của tỉnh và quần thể danh thắng Tràng An; hình ảnh về 9 khu Di sản Thế giới tại Việt Nam và tọa đàm về phát triển sản phẩm du lịch khảo cổ học; liên hoan văn hóa ẩm thực du lịch toàn quốc.
Lễ kỷ niệm 10 năm quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh chứa đựng nhiều kỳ vọng, phản ánh tầm quan trọng để thế giới hướng về di sản hỗn hợp duy nhất của Đông Nam Á, trái tim của Đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai không xa.
Di sản Tràng An được xem là nền tảng, là động lực để Ninh Bình có thể khai thác hơn nữa thế mạnh của vùng đất từng được xem là kinh kỳ, đô hội từ hơn 1.000 năm trước. Từ đó dần hiện thực hóa mục tiêu đưa Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa, trung tâm tổ chức sự kiện của quốc gia, mang tầm quốc tế, điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.