Đưa nguồn lực đầu tư đến với dân nghèo
Tỉnh Phú Yên có 32 dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là các dân tộc: Ê Đê, Chăm, Ba Na… Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống kinh tế của người đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước phát triển, diện mạo vùng cao, vùng nông thôn ngày càng khởi sắc.
Trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, nhiều dự án, đề án trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được tỉnh Phú Yên triển khai hiệu quả. Qua đó, đã kéo giảm đáng kể số hộ nghèo, cận nghèo, giúp người dân nhiều vùng quê nghèo có điều kiện vươn lên làm giàu.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh giải ngân được trên 7 tỉ đồng, ước đến 30/6 là hơn 19 tỉ đồng.
Lũy kế năm 2023 đến 30/6/2024, tổng số vốn sự nghiệp đã giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là hơn 34,5 tỉ đồng/125,5 tỉ đồng (từ năm 2021-2024).
Nhờ nguồn lực đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều dự án đầu tư cho người nghèo, cận nghèo đã được triển khai hiệu quả trong năm 2023 và các tháng đầu năm 2024.
Cụ thể, chương trình đã tập trung dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp;… Các dự án được triển khai đã và đang làm thay đổi đời sống của người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các mô hình đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo tại các địa phương đạt nhiều kết quả tích cực, giúp cho nhiều người nghèo được tiếp cận các "điều kiện cần", "cho chiếc cần câu để câu con cá" để phát triển kinh tế gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đến nay, các địa phương đã triển khai thực hiện và hỗ trợ cho 76 mô hình sinh kế. Các mô hình chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và thế mạnh của người dân và cộng đồng, tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp như: nuôi bò cái lai sinh sản, bò thịt, dê sinh sản, nhím sinh sản, heo đen sinh sản, vịt xiêm thịt, gà thương phẩm.
Trong 6 tháng đầu năm, Sở LĐ-TB & XH đã tổ chức 35 phiên giao dịch việc làm tại các xã, cụm xã trên địa bàn tỉnh; tăng cường phổ biến thông tin thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm phù hợp. Kết quả có 392 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người đồng bào DTTS được hỗ trợ tìm việc. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức hội nghị tư vấn, tuyên truyền thông tin về thị trường lao động và chính sách về công tác đưa người lao động Phú Yên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả, tính đến cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 8.481 hộ, chiếm tỉ lệ 3,22% (giảm 2.300 hộ nghèo), giảm 0,88% so với đầu năm (đạt mục tiêu được giao theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và vượt Kế hoạch của UBND tỉnh năm 2023). Đối với hộ cận nghèo, cuối năm 2023, giảm còn 17.691, chiếm tỉ lệ 6,72% (giảm 3.410 hộ) giảm tỉ lệ hộ cận nghèo là 1,3%.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ cho rằng, các chương trình Mục tiêu quốc mang tính nhân văn, thể hiện được sự quan tâm, chăm lo đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo, người đồng bào các DTTS và miền núi.
Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh và các ngành, các cấp liên quan đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường đôn đốc, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục tháo gỡ góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bộ mặt nông thôn khởi sắc
Dù vẫn còn những khó khăn nhất định, song những năm gần đây, nhất là khi các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được triển khai, nhiều mặt đời sống, sinh hoạt của người dân nông thôn đã được nâng lên.
Các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên minh chứng cho sự thay đổi diện mạo của những vùng quê nghèo khó ngày nào.
Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa của tỉnh Phú Yên được biết đến là xã "quần đùi", bởi trong quá khứ, vùng đất này đường sá lầy lội, ngập lụt, đi lại khó khăn, mỗi khi bước ra đường phải xắn quần lên tới đầu gối. Cơ sở vật chất đã nghèo nàn, đời sống của người dân theo đó cũng còn rất nhiều vất vả.
Từ một xã thuần nông có điểm xuất phát thấp, đến nay, nhờ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo kinh tế xã nhà đã khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên rõ nét.
Trong chuyến thăm Hòa Thịnh, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Nghĩa. Là một cựu chiến binh gốc Hà Nội, 40 năm qua, ông xem Phú Yên là quê hương thứ hai của mình.
Vào Phú Yên lập nghiệp từ những ngày Hòa Thịnh còn nghèo, điện chưa có, tối đến, cả nhà quây quần bên ánh đèn dầu tù mù nhìn đâu cũng chỉ có bóng tối, xa xa là núi rừng trập trùng, sau hơn 30 năm, hòa theo sự phát triển chung, vùng đất Hòa Thịnh ngày càng thay da đổi thịt, nhiều công trình dân sinh mọc lên, đời sống người dân được cải thiện từng ngày.
Nằm ở phía Bắc của huyện Đồng Xuân, Đa Lộc là xã miền núi của tỉnh Phú Yên được thành lập vào năm 1979 (tách ra từ xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân). Từ một xã nhiều khó khăn, đời sống người dân còn nghèo, thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa Đa Lộc khởi sắc.
Ông Nguyễn Văn Hảo, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đa Lộc cho biết: Cùng với sản xuất nông lâm nghiệp với các cây trồng chủ lực là keo lai, mía, sắn, chính quyền xã Đa Lộc đang hướng người dân tăng thu nhập từ nâng cao chất lượng đàn bò ở xã với số lượng 2.500 con, trong đó bò lai chiếm 75%.
Hiện trên địa bàn xã Đa Lộc có 14 trại chăn nuôi heo thịt gia công với quy mô 590 con/trại và 1 trang trại nuôi gà. Mấy năm gần đây Đa Lộc đổi thay rất nhiều, đường sá thẳng tắp; đời sống cải thiện rõ rệt. Đa Lộc đã và đang trên đà phát triển.
Trong giải pháp thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2022 - 2025, Tỉnh ủy Phú Yên đã chỉ đạo các địa phương hàng năm, đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào chương trình, kế hoạch công tác; phân công trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí cấp ủy viên phụ trách địa bàn theo dõi, chỉ đạo công tác giảm nghèo, nhất là định hướng, giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững. Trong đó, đặc biệt tập trung nguồn lực đến các đơn vị xã hiện nay có tỉ lệ hộ nghèo trên 10%; phấn đấu tỉ lệ hộ nghèo trong tỉnh đến năm 2025 giảm còn dưới 1%. Đây được xem là mục tiêu rất cao nên cần nhất là sự quyết tâm, đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương, đặc biệt là thay đổi được khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên đặt ra mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.