Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sau nghi thức lễ tế trang nghiêm theo cổ truyền, phần hội luôn rôm rả những tích xưa, chuyện cũ về vùng đất với bao niềm tự hào và cũng chan chứa những ước vọng mai sau.
Hố khai quật di tích khảo cổ An Bang, làng Thanh Hà xưa (nay là khối An Bang, phường Thanh Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) năm 1995.
Làng Thanh Hà xưa nằm về phía Tây của Hội An, đây là một làng xã được hình thành khá sớm, khoảng thế kỷ 16. Trải qua quá trình phát triển, vào thế kỷ 19, làng Thanh Hà có diện tích rộng lớn với 13 xóm ấp gồm An Bang, Bộc Thủy, Nam Diêu, Thanh Chiếm, Bàu Súng, Bàu Ốc, Hậu Xá, Trảng Kèo, Cửa Suối, Bến Trễ, Đồng Nà, Nhà/Trà Quế, Cồn Động, trải rộng từ bờ bắc sông Thu Bồn đến dọc sông Để Võng và giáp biển. Trong đó, ấp An Bang có vị trí đặc biệt trong dòng chảy lịch sử - văn hóa của làng.
Ấp An Bang phía Nam giáp sông Đầm, bên kia sông là ấp Nam Diêu và Bộc Thủy, phía Tây giáp với làng Hòa Yên, phía Bắc giáp với ấp Bàu Súng và phía Đông giáp với ấp Thanh Chiếm.
Phần phía Bắc của An Bang là dải cồn cát lớn nối dài từ Lai Nghi xuống Thanh Chiếm, Hậu Xá, và phần phía Nam là vùng đất phù sa cổ, đồng ruộng và dấu vết của dòng sông cổ/Rộc Gốm ôm theo cồn cát chảy về phía Đông.
Những địa danh như trảng Dài, trảng Cây Quăn, cồn Ông Đô, rộc Gốm, đồng Cát, sông Đầm, ruộng Trung Đầm, mương giếng bà Công… đã phần nào phản ánh tính đa dạng về địa hình, địa mạo, thủy văn của vùng đất An Bang.
Kết quả nghiên cứu địa chất cho thấy, thành tạo địa chất của vùng đất Thanh Hà nói chung, An Bang nói riêng có tuổi từ 4.500 - 10.000 năm (theo Cát Nguyên Hùng, Hoàng Anh Sơn (1995), Sơ lược về địa chất vùng Hội An, Trong Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An (kỷ yếu hội thảo về Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An năm 1995), in tại Công ty in Quảng Nam, 2004, trang 50-56).
Hiện nay, trên vùng đất An Bang còn lưu lại nhiều di tích, dấu tích minh chứng quá trình lịch sử - văn hóa lâu đời của các lớp cư dân từ thời kỳ Văn hóa Sa Huỳnh qua thời kỳ Champa, Đại Việt đến ngày nay.
Để chuẩn bị cho hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An năm 1990, một cuộc điền dã nghiên cứu khảo cổ học đã diễn ra tại Hội An vào năm 1989 do Trung tâm Văn hóa Việt Nam - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội) và Ban Quản lý Di tích và dịch vụ du lịch Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An) thực hiện.
“Đèn Sa Huỳnh”-hiện vật cổ phát hiện ở di tích khảo cổ An Bang, làng Thanh Hà xưa (nay là khối An Bang, phường Thanh Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Kết quả đã phát hiện 3 địa điểm Văn hóa Sa Huỳnh đầu tiên ở Hội An, trong đó có 1 địa điểm ở An Bang nằm trên khu đất cao cạnh cồn Ông Đô. Ngoài ra, trên cồn cát ở An Bang còn phát hiện dấu tích của một kiến trúc Chăm.
Kết quả thực hiện dự án “Khai quật khảo cổ học về di tích Văn hóa mộ chum Sa Huỳnh ở thị xã Hội An” từ năm 1993 - 1995 đã làm sáng tỏ các giá trị của di tích khảo cổ An Bang và vai trò, vị trí, mối liên hệ của nó trong hệ thống di tích Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An nói riêng, ở Quảng Nam và miền Trung Việt Nam nói chung.
Trên diện tích khai quật với 26m2 đã phát hiện 16 chum mộ thuộc loại hình trụ, hình nồi (cầu) và nhiều hiện vật tùy táng bằng gốm như nồi, bình, cốc, đèn Sa Huỳnh... vũ khí và công cụ bằng sắt, đồ trang sức bằng đá và thủy tinh.
Đặc điểm nổi bật của di tích An Bang là mộ chum được chôn thành cụm, mật độ khá dày, hầu hết mỗi mộ chum cóbiên mộ riêng. Song, cũng có trường hợp 2 chum trong 1 biên mộ. Bên dưới chum lót lớp đá màu vàng - nâu sẫm.
Xung quanh chum có nhiều than tro. Di tích mộ táng An Bang có niên đại C14 là 2260 ± 90 BP, đây là niên đại sớm nhất trong hệ thống các di tích Sa Huỳnh ở Hội An. Qua đặc điểm phân bố hiện vật cho thấy táng thức của cư dân Sa Huỳnh tại di tích An Bang có điểm tương đồng với khu mộ táng Thanh Chiếm, Hậu Xá II và Hậu Xá I.
Dấu tích kiến trúc Chăm được phát hiện ở An Bang là chân móng của một miếu thờ nhỏ thường thấy trong kiến trúc Chăm, nằm theo hướng Đông - Tây. Chân móng kiến trúc này không còn nguyên vẹn, có từ một đến ba lớp gạch với gạch có kích thước 33cm x 17cm x 7cm. Bên dưới lớp gạch là lớp cuội. Rất tiếc, qua thời gian và quá trình đô thị hóa, dấu vết kiến trúc này đã bị phá hủy hoàn toàn.
Từ cuối thế kỷ 15, cư dân Đại Việt đã đến khai phá, định cư trên vùng đất An Bang, Thanh Hà (theo tư liệu và truyền khẩu, làng Thanh Hà được thành lập bởi bát tôn tiền hiền là Nguyễn Văn, Nguyễn Viết, Nguyễn Đức, Nguyễn Kim, Ngụy Như, Bùi Phước, Võ Đình, Võ Văn).
Mộ bà Nguyễn Quý Nương-một ngôi mộ cổ ở ấp An Bang làng Thanh Hà xưa (nay là khối An Bang, phường Thanh Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Quá trình lập ấp lập làng và phát triển vùng đất An Bang nói riêng, Thanh Hà nói chung từ thế kỷ 16 về sau đã lưu lại trên vùng đất An Bang nhiều di tích, dấu tích có giá trị, minh chứng quá trình lao động sáng tạo, bản lĩnh và cống hiến của cư dân nơi đây cũng như vai trò, vị thế của vùng đất này trong lịch sử. Đó là hệ thống các di tích kiến trúc tín ngưỡng như đình, Văn Thánh, miếu Tam vị, miếu Thành Hoàng, mộ cổ và nhiều giếng cổ.
Theo Quảng Nam xã chí và nhiều nguồn tư liệu khác, đình Thanh Hà nguyên gốc được xây dựng ở ấp An Bang, nay là khu vực đình ấp An Bang và chùa Minh Giác (đình ấp An Bang nguyên gốc ở vị trí khác, bị hư hại nặng vào năm 1958, sang năm 1959, ngôi đình được tái dựng ở vị trí hiện nay, trên khu vực cũ của đình làng Thanh Hà).
Chùa Minh Giác tên gọi xưa là chùa Phật Cẩm Hà, được xây dựng năm 1957). Ngôi đình bị hư hại hoàn toàn vào năm 1947, sau lập lại vào năm 1953 trên đất Hậu Xá (đình Thanh Hà hiện nay). Ngôi đình nguyên gốc ở An Bang có quy mô lớn, xung quanh khuôn viên ngôi đình là tường bao; tiền đình kết cấu 3 gian hai chái với hệ khung bằng gỗ, tường xây, mái lợp ngói; hậu tẩm có cổ lầu.
Nội thất ngôi đình bố trí 4 bàn thờ, tiền đình có bàn hương án sơn son thếp vàng nằm ở giữa, sát tường sau có bàn thờ Tiền hiền ở hai bên, hậu tẩm là bàn thờ Đại Càn (theo ghi chép trong Quảng Nam xã chí, có 4 sắc phong riêng và 1 sắc phong chung về Đại Càn), bên trên có qụy để sắc phong. Lễ tế tại đình một năm 2 kỳ vào ngày 15/3 và 16/8.
Bên cạnh đình còn có miếu Ngũ hành, miếu Tam vị và miếu Thành hoàng (theo ghi chép trong Quảng Nam xã chí, có 4 sắc phong riêng và 3 sắc phong chung về Thành hoàng; 1 sắc phong riêng và 1 sắc phong chung về Ngũ hành), lễ tế tại đây đều theo đình một lượt. Rất tiếc những thiết chế tín ngưỡng này đã bị phá hủy hoàn toàn trước năm 1975.
Một thiết chế tín ngưỡng khác liên quan đến truyền thống Nho học ở Thanh Hà nằm trên đất An Bang đó là Văn Thánh. Di tích này cách không xa về phía Tây Bắc đình làng (cũ), có quy mô lớn, lễ tế hằng năm vào ngày xuân đinh và thu đinh. Cũng như các di tích kể trên, miếu Văn Thánh cũng bị phá hủy bởi bom đạn chiến tranh, giờ chỉ còn lại nền móng và giếng nước.
Theo số liệu thống kê, có ít nhất 4 khu mộ có giá trị cao về lịch sử - văn hóa hiện còn trên vùng đất An Bang. Những ngôi mộ này đều có quy mô lớn, được kiến trúc bằng hợp chất vôi ghè và bằng đá, kiểu dáng ngôi mộ cũng như hoa văn trang trí bia đá và trên thành phần kiến trúc ngôi mộ đều điển hình cho các loại hình mộ cổ ở Hội An giai đoạn trước thế kỷ 19 và đầu triều Nguyễn; liên quan đến những nhân vật có vai trò, địa vị hoặc có đóng góp đặc biệt.
Đó là khu mộ của ông Nguyễn Đức Lễ, người ấp An Bang làng Thanh Hà, có những đóng góp lớn thời Tây Sơn, từng giữ chức Đại Đô đốc của Ngự đạo Thị Lân vệ, mất năm 1798 và được gia phong Phụ Quốc Thượng Tướng quân Phó Thống lãnh.
Mộ Đại đô đốc Nguyễn Đức Lễ là một trong số rất ít ngôi mộ cổ liên quan đến phong trào - triều đại Tây Sơn hiện còn ở Hội An, có ý nghĩa lớn trong nghiên cứu nhận diện vai trò, vị trí của vùng đất và con người Hội An trong phong trào - triều đại này.
Bia mộ Đại đô đốc Nguyễn Đức Lễ-một trong những mộ cổ ở đất An Bang, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Cách đình ấp An Bang khoảng 200m về phía Bắc là khu mộ bà họ Nguyễn (Nguyễn Quý Nương), được lập khoảng năm 1784. Hoa văn trang trí trên bia mộ rất sắc sảo mang phong cách thời Lê.
Văn bia cho biết bà Nguyễn Quý Nương tên thụy Trinh Thục, là vợ của Thống suất họ Lê. Về phía Đông đình ấp An Bang là mộ của vợ chồng ông Phẩm Luân người tộc Nguyễn làng Thanh Hà, có quy mô khá lớn, được xây dựng bằng đá vào khoảng năm 1856 - 1857.
Đây là một trong những khu mộ kiến trúc bằng đá khá đặc biệt ở Hội An. Về phía Tây mộ Đại Đô đốc Nguyễn Đức Lễ là khu mộ tộc Nguyễn làng Minh Hương ở Hội An, được lập năm 1864, kiến trúc khu mộ bề thế, hoa văn trang trí ấn tượng.
Phía Tây là mộ ông Nguyễn Chiêu Điển, làm nghề y, hiệu Khánh Thiện; phía Đông là mộ ông Nguyễn Duy Đức, tự là Tích Thiện và vợ là bà Lê Thị Thu, hiệu là Phạm Thành.
Ngoài ra, trên vùng đất An Bang hiện còn nhiều giếng cổ như giếng nhà ông Võ Vinh, giếng cổ nhà bà Nguyễn Thị Tuất, giếng Thánh (nhà bà Nguyễn Thị Rỗ), giếng nhà ông Hiệp, giếng bà Công…
Giếng cổ có kiểu dáng hình tròn hoặc trên tròn dưới vuông, thành xây bằng gạch với bên dưới là khung gỗ, nguồn nước ngọt luôn dồi dào, hiện nay một số giếng cổ tới nay vẫn còn sử dụng.
Sự hiện diện với mật độ khá dày các giếng cổ ở vùng đất An Bang đã minh chứng điều kiện kinh tế, xã hội và lịch sử - văn hóa đặc biệt nơi đây.
Đồng thời các giếng cổ cũng khẳng định trình độ kỹ thuật và vốn tri thức phong phú của cư dân trong việc khai thác và sử dụng nguồn nước ngọt.
Với những dấu tích - di tích đề cập ở trên cho thấy vị thế đặc biệt của An Bang trong diễn trình lịch sử vùng đất Thanh Hà.
Sự hiện diện của các thiết chế văn hóa tín ngưỡng như đình làng, Văn Thánh, miếu Thành Hoàng, miếu Tam vị, Ngũ Hành đã chứng tỏ An Bang từng giữ vai trò là trung tâm của làng Thanh Hà xưa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.