Giếng cổ ở Phú Yên có tuổi đời hàng trăm năm, Tết Nguyên đán dân làm lễ cúng ông Hà Bá

Thứ hai, ngày 24/06/2024 05:36 AM (GMT+7)
Khu giếng đá cổ xóm Vườn và khu giếng đá cổ Hòa An (xã An Phú, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) thuộc loại hình di tích khảo cổ. Những giếng cổ này ra đời cách đây hàng trăm năm gắn liền với sự hình thành những cộng đồng cư dân...
Bình luận 0

Giếng cổ hàm chứa những dữ liệu nghiên cứu trên nhiều phương diện về điều kiện sản xuất, môi trường sinh sống và những giá trị về văn hóa cộng đồng của những thế hệ tiền nhân.

Hệ thống giếng cổ ở xóm Vườn phản ánh một nghề sản xuất với những mặt hàng đã từng phát triển thịnh vượng trong quá khứ là trầu cau. 

Những giếng cổ Hòa An (Vũng Mú) phản ảnh nhiều đặc điểm của một làng biển, nơi nguồn nước ngọt rất được coi trọng. Cùng với những thiết chế văn hóa như đình, đền, miếu, lăng... hệ thống giếng đá cổ ở xóm Vườn và khu giếng đã cổ Hòa An là nơi đọng lại những cấu ấn văn hóa cộng đồng. 

Họ cùng sử dụng chung một giếng nước, cùng có nghĩa vụ tạo ra giếng và bảo vệ nó. Giếng nước còn là nơi gặp gỡ thường ngày của các thành viên trong làng. 

Giếng nước gắn bó mật thiết với đời sống con người. Theo quan niệm của người xưa về thế giới thần linh thì trong đó có thần giếng hay thần Hà Bá. 

Giếng cổ ở Phú Yên có tuổi đời hàng trăm năm, Tết Nguyên đán dân làm lễ cúng ông Hà Bá- Ảnh 1.

Giếng cổ trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có tuổi đời hàng trăm năm.

Trong dân gian có tục cúng giếng, thường được tiến hành mỗi năm một lần vào những ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán, còn gọi là Tết Giếng. Tục này hiện nay vẫn còn duy trì ở nhiều vùng nông thôn tỉnh Phú Yên.

Trên một phương diện nhất định, giếng làng ở xóm Vườn và khu giếng đá cổ Hòa An là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng. 

Do vậy, nhiều giếng cổ ở xóm Vườn và giếng cổ ở Hòa An vẫn được nhân dân địa phương quan tâm giữ gìn, bảo vệ, nhất là những giếng hiện còn sử dụng nước. 

Một số giếng nằm trong khu dân cư hoặc trong các gia đình thường được xây đắp thêm bọng giếng bằng vật liệu hiện đại. 

Có nhiều giếng do không còn sử dụng nước nên không được bảo dưỡng, tu sửa và đang có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, một số giếng bị sụp lở, một số giếng bị cây cỏ bao phủ, một số khác bị vùi lấp dần.

Hệ thống giếng đá tại xóm Vườn thôn Xuân Dục, xã An Phú (TP Tuy Hòa) và tại thôn Hòa An, xã Xuân Hòa (TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) là những di tích giếng đá cổ, có lịch sử hình thành lâu đời, có vai trò to lớn trong hoạt động sản xuất và đời sống của những thế hệ cư dân trên những địa bàn ấy qua các thời kỳ lịch sử. 

Ngày nay những giếng đá cổ đã trở thành những dấu tích vật chất đọng lại nhiều dấu ấn về những cộng đồng cư dân, những đặc thù của một vùng đất. Đó là cơ sở quan trọng cho việc tìm hiểu, nghiên cứu và nhận diện về một địa danh và những lớp người từng sinh sống trên địa danh đó.

Những di tích giếng đá cổ cần được lập hồ sơ khoa học và công nhận là di tích lịch sử văn hóa, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị. 

Cần có những đề án nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực giếng cổ để có được cái nhìn toàn diện và đưa ra được những nhận xét, đánh giá chuẩn xác khoa học về hệ thống giếng cổ và những giá trị lịch sử, văn hóa ẩn chứa bên trong những di tích này.

Ths Nguyễn Hoài Sơn (Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem