Dân Việt

Nông dân Cần Thơ dần bỏ dâu hạ châu, xoài, vú sữa, nhãn...để trồng sầu riêng, lãnh đạo Sở NNPTNT nói gì?

Huỳnh Xây 29/07/2024 10:24 GMT+7
Theo lãnh đạo Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, người dân địa phương đã dần từ bỏ cây dâu hạ châu, xoài, nhãn, vú sữa để trồng sầu riêng. Hiện tượng này dẫn đến rủi ro cho cây sầu riêng rất cao trong thời gian tới.

"Nông dân nhiều nơi trong thành phố dần từ bỏ cây ăn trái bản địa, chuyển sang trồng cây sầu riêng, do đó rất cần ngành nông nghiệp định hướng" - một người dân đặt vấn đề với ngành chức năng địa phương tại chương trình tọa đàm với chủ đề "Phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả bền vững" do Sở NNPTNT TP.Cần Thơ phối hợp với Cục Trồng Trọt, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) tổ chức tại huyện Cờ Đỏ mới đây.

Dân Cần Thơ dần bỏ dâu hạ châu, xoài, vú sữa, nhãn để trồng sầu riêng, ngành chức năng nói gì?- Ảnh 1.

Ông Trần Thái Nghiêm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ nói về vấn đề nông dân trồng sầu riêng tại tọa đàm với chủ đề "Phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả bền vững". Ảnh: Huỳnh Xây

Theo đó, ông Trần Thái Nghiêm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết, không riêng gì TP.Cần Thơ, diện tích sầu riêng tăng nhanh trong thời gian gần đây ở nhiều địa phương và Bộ NNPTNT đã cảnh báo.

Tuy nhiên, trong niên vụ năm 2023 - 2024, giá sầu riêng tăng cao, người dân đạt lợi nhuận cao hơn so với các loại cây trồng khác. Do đó, việc này không cản người dân được và đây là quy luật tất yếu.

"Người dân đã dần từ bỏ cây dâu hạ châu, xoài, nhãn, vú sữa để trồng sầu riêng. Hiện tượng này dẫn đến rủi ro cho cây sầu riêng rất cao trong thời gian tới" - ông Nghiêm nói.

Ông Nghiêm nói thêm: "Trong tốc độ phát triển cây ăn trái, chúng tôi chỉ có thể khuyên bà con trồng sầu riêng theo hướng chuyên canh, theo đúng thổ nhưỡng và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, nhằm hạn chế rủi ro trong giai đoạn sắp tới nếu có".

Riêng về phía Sở NNPTNT sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các giải pháp thúc đẩy bảo quản chế biến sâu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho bà con ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc.

Dân Cần Thơ dần bỏ dâu hạ châu, xoài, vú sữa, nhãn để trồng sầu riêng, ngành chức năng nói gì?- Ảnh 3.

Nông dân TP Cần Thơ thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Huỳnh Xây.

Cũng tại chương trình tọa đàm, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay, hiện cả nước có 120.000ha sầu riêng, trong thời gian tới sẽ tăng lên 150.000 ha và có thể thêm nữa.

Tuy nhiên, hiện nay ở các quốc gia khác cũng có sầu riêng, tức sầu riêng Việt Nam đang và sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh về sản lượng cũng như chất lượng.

Theo quan điểm của ông Tùng, người dân không chạy theo phong trào, chỉ nên trồng loại cây ăn trái mà chỉ có một mình có, đặc biệt là cây trồng bản địa mà không nơi nào có được.

"Không thể đem dâu hạ châu về Tiền Giang trồng mà ăn ngon bằng khi trồng ở huyện Phong Điền của TP.Cần Thơ được. Nếu ngon bằng đi nữa thì cũng thiếu bề dày lịch sử 200 năm ở huyện Phong Điền. Đây là giá trị, cần giữ lại" - ông Tùng nói.

Ông Tùng nói, ở Tiền Giang, đất thích hợp trồng sầu riêng với chi phí thấp, nếu giá trái sầu riêng bán ra thấp, người dân cũng có lời. Thế nhưng, đối với vùng đất khác không thích hợp trồng thì chi phí đầu tư rất cao, khi giá sầu riêng giảm nhiều sẽ dễ bị thua lỗ.

Do đó, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị, người dân TP.Cần Thơ muốn chuyển đổi cây trồng, nhất là chuyển từ cây trồng bản địa sang sầu riêng phải hết sức cân nhắc đối với sự phát triển của cá nhân, hợp tác xã, tập thể và của cả địa phương.

"Cần Thơ có 25.000 ha diện tích trồng cây ăn trái nhưng loại cây đặc sản nào cũng có. Vậy là quá hay bởi đây là thành phố chủ lực, mùa nào đến đây cũng có trái cây" - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nói thêm.

Được biết, hiện nay, diện tích trồng sầu riêng của TP.Cần Thơ là gần 5.000ha. Đây là loại cây ăn trái có diện tích tăng nhiều nhất của thành phố.