Bày la liệt thùng nhựa nuôi cua lột đặc sản ở Bến Tre, nông dân bắt toàn con to bự, bán đắt tiền
Bày la liệt thùng nhựa nuôi đặc sản ở Bến Tre, nông dân bắt ra toàn con to bự, bán đắt tiền
Thứ hai, ngày 29/07/2024 05:32 AM (GMT+7)
Từ năm 2021, anh Đào Phước Xoàn, xã An Thạnh (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) khởi điểm thử nghiệm nuôi cua lột. Sau 4 năm tự thân nghiên cứu, mày mò và trải nghiệm qua nhiều lần thất bại, đến nay, anh Xoàn tự tin nắm chắc kỹ thuật và các kinh nghiệm cần thiết để nuôi cua lột thành công.
Thạnh Phú là 1 trong 3 huyện biển của tỉnh Bến Tre. Ở đây, nông dân đa phần sống bằng nghề nuôi tôm, cua, cá.
Gia đình anh Đào Phước Xoàn, ngụ xã An Thạnh có truyền thống nuôi và mua bán cua biển từ hàng chục năm trước để nuôi các anh em ăn học.
Điều thú vị là nếu hồi trước cha mẹ của anh chuyên nuôi cua lột thành cua chắc (cứng vỏ) để bán được giá hơn thì nay đến đời anh Xoàn làm ngược lại hoàn toàn là nuôi cua chắc thành cua lột, cua hai da để bán giá cao gấp 2 - 3 lần so với cua bình thường.
Từ năm 2021, anh Đào Phước Xoàn khởi điểm thử nghiệm nuôi cua lột. Sau 4 năm tự thân nghiên cứu, mày mò và trải nghiệm qua nhiều lần thất bại, đến nay, anh Xoàn tự tin nắm chắc kỹ thuật và các kinh nghiệm cần thiết để nuôi cua lột thành công.
Anh Xoàn kể: Lô đầu tiên vì chưa có kinh nghiệm bắt cua nên tỷ lệ cua lột rất thấp. Số chưa lột anh tiếp tục thả xuống hồ nuôi.
Lô cua thứ hai, ngày đầu tiên bắt về, sau khi cho ăn thức ăn mua ngoài thị trường, cua có biểu hiện chống càng hàng loạt và chết toàn bộ.
Sau khi tìm hiểu các nguyên nhân, anh mới phát hiện thất bại do thức ăn mua về có tẩm hóa chất. Lô cua thứ ba, anh rút kinh nghiệm tự xay trộn thức ăn theo cách làm truyền thống cho cua, xử lý nguồn nước kỹ càng bằng Chlorine nhưng chẳng may cua lại chết.
Anh Đào Phước Xoàn (bìa trái), nông dân xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre nuôi cua lột trong thùng nhựa.
Vốn liếng đầu tư sau 3 lần nuôi hàng chục triệu đồng và mất cả năm rưỡi nhưng kết quả thu lại bằng 0. Lúc này, anh có phần chán nản và muốn bỏ cuộc. Nhưng trong thời gian dừng nuôi, anh vẫn trăn trở, suy nghĩ tìm ra các nguyên nhân dẫn đến thất bại và quyết định bắt tay làm lại với quy trình chuẩn hơn.
Lần thứ 4, cua ổn và bắt đầu lột vỏ. Anh chia sẻ thêm, ban đầu anh thử nghiệm qua cách nuôi cua trong hệ thống thùng dẫn nước liên hoàn.
Nhưng cách này cũng thất bại vì dễ gây nhiễm bệnh lẫn nhau. Do đó, anh đơn giản là chỉ tận dụng các thùng nhựa đã qua sử dụng trong chăn nuôi thủy sản, mỗi thùng 1 con riêng biệt. Theo cách này, người dân sẽ không mất nhiều chi phí đầu tư vào thiết bị nuôi.
Sau khi đã am tường các vấn đề về phát triển sinh lý và môi trường nuôi phù hợp cho cua, anh mạnh dạn đầu tư thêm 1 ao nuôi đất để thuần dưỡng.
“Theo kinh nghiệm, con cua có đặc điểm là nếu gặp môi trường khí hậu, thổ nhưỡng khác là không thích nghi. Việc cua khi bắt lên bờ bị bóp càng, cột dây đã làm sinh lý phát triển cua thay đổi rồi. Do đó, cần phải qua giai đoạn thuần”, anh Xoàn nói.
Ban đầu, thời gian nuôi khá lâu, khoảng 2 - 3 tháng cua mới chịu lột. Có những con bị bệnh, hoặc nuôi tới lỗ rồi tới chết luôn vậy mà vẫn chưa chịu lột. Nhưng nay thời gian nuôi tối đa 1,5 tháng là cua đã lột.
Anh Xoàn giải thích vì sao làm ngược lại với cách nuôi của cha mẹ trước đó là vì cua lột có chất lượng ngon hơn, có thể ăn luôn da mà không phải bỏ vỏ.
Người nuôi chủ động được thời gian cung cấp cua lột có chất lượng ngon nhất để phục vụ người dùng. Đôi khi khách hàng mua nhầm loại cua ốp bán bên ngoài, tức cua đã lột khá lâu và đã có độ cứng vỏ thì chất lượng không bằng, thịt ít và nhạt do cua giai đoạn nuôi vỏ cứng.
Mặt khác, cách nuôi cua ốp thành chắc đơn giản hơn. Cua ốp mua về cứ thả xuống hồ và cho ăn thức ăn tự xay đến khi chắc thì vớt lên đem bán.
Còn giờ nuôi cua lột phải rọng cua trong thùng nhựa, khả năng kiểm soát tình hình sức khỏe của con cua chặt chẽ hơn. Size cua là tùy do người nuôi vô size. Nhu cầu khách hàng chuộng size nào thì người nuôi theo size đó.
Giá cua gạch (cua đầu tài) vào thời điểm tháng 8 hàng năm khoảng 700 - 800 ngàn đồng/kg, tháng Tết dao động trên dưới 1 triệu đồng/kg. Cũng theo anh Xoàn, cua đầu tài là cua to nhất (700 gram trở lên), nhưng nếu ốp ra cua xô giá rẻ chỉ khoảng 1/3 giá cua đầu tài. Nhưng nếu cua lột thì có chất lượng tốt hơn, có giá trị cao gấp nhiều lần.
Hiện nay, anh Xoàn sản xuất cua không đủ bán do nguồn cua đầu vào tại địa phương còn hạn chế. Trong khi mua cua từ nhiều nơi khác về thuần thì cua không thể thích nghi do khác về điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng.
Anh chỉ ra điểm khác biệt: “Đặc trưng cua Thạnh Phú ở Bến Tre là càng bầu, vỏ mỏng, vị ngọt cao, thơm ngọt”. Việc nuôi cua lột trong thùng nhựa cũng được anh Xoàn chú trọng yếu tố nuôi phải đảm bảo hoàn toàn thuận theo tự nhiên, không dùng hóa chất.
Để góp phần tiêu thụ các sản phẩm thủy sản, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân tại huyện biển, anh Xoàn kết hợp làm du lịch trải nghiệm sông nước và quảng bá, tiêu thụ các nông thủy sản, trong đó có con cua lột. Anh đang đăng ký sở hữu trí tuệ và xây dựng tiêu chuẩn OCOP để gắn với sản phẩm đặc trưng, phục vụ du lịch địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.