Chia sẻ về ngôi làng này, facebook Van Hni viết: “Nếu các bạn thích sự bình yên, mộc mạc, hay các bạn thường đi du lich một mình, thì hãy ghé thăm làng cổ Thiên Hương.
Ngôi làng vẫn còn giữ lại nét đẹp cổ xưa với những ngôi nhà trình tường và mái ngói âm dương. Thăm các nghề truyền thống thủ công, thưởng thức các món ăn đặc sản của ngôi làng này”.
Làng cổ Thiên Hương xinh xắn còn có tên gọi khác là “Làng Mã Pắng”, dù nằm cách trung tâm thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) khoảng 5,4km nhưng ngôi làng cổ này chưa được nhiều người biết đến.
Dẫu chỉ cách trung tâm thì trấn Đồng Văn khoảng 30 phút di chuyển bằng xe máy.
Có lẽ nhờ đó mà Thiên Hương vẫn đang giữ được nguyên vẹn nét đẹp tự nhiên, không bị thương mại hóa.
Để đến được với làng cổ Thiên Hương, du khách phải vượt qua những dốc núi cao vừa vắt vẻo lại chìm trong sương mù. Đây sẽ là một trải nghiệm thú vị cho ai yêu thích khám phá những cung đường tuyệt đẹp ở Đồng Văn.
Sau những cung đường uốn lượn, làng cổ Thiên Hương hiện ra giữa những lớp sương mù tựa một bông hoa hàng trăm cánh đang nở giữa những tán cây rừng xanh ngắt. Ngôi làng này mang một vẻ đẹp mộc mạc, chân chất tựa xứ sở cổ tích.
Bốn mùa ở ngôi làng này đều được tô điểm bởi nhiều loài hoa. Những bông hoa mọc dại chẳng cần sự chăm sóc tỉ mỉ của con người khiến các con đường ở đây trở thật lãng mạn, thơ mộng.
Xung quanh mỗi ngôi nhà, bên cạnh hàng rào đá được trồng nhiều cây mận, cây đào để mỗi lần mùa xuân gõ cửa cả ngôi làng chìm trong sắc hồng đón xuân sang. Mùa hoa cải vàng, mùa tam giác mạch... khắp ngôi làng tràn ngập sắc hoa, tạo nên một khung cảnh thơ mộng khiến du khách khó rời mắt.
Không chỉ có vẻ đẹp lãng mạn, làng cổ Thiên Hương còn thu hút du khách bởi sự cổ kính, trầm mặc. Tại làng cổ Thiên Hương có khoảng 43 hộ gia đình, chủ yếu là người dân tộc Tày và Giáy.
Ngôi làng cổ kính-làng Thiên Hương (thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) với những ngôi nhà tường trình, lợp ngói âm dương, cửa bằng gỗ rừng-những ngôi nhà cổ trầm mặc với thời gian.
Cũng bởi địa hình núi dốc, những ngôi nhà trong làng cũng được xây dựng thành nhiều tầng cao thấp, dáng tựa vào sườn núi. Toàn bộ khung cảnh ngôi làng cổ này mang đậm kiến trúc đặc trưng cổ xưa cách đây hàng trăm năm.
Nếu du khách tò mò về kiến trúc nhà tường trình trông sẽ như thế nào thì sẽ được giải đáp ở làng cổ Thiên Hương.
Những ngôi nhà tường trình tại đây có tuổi đời trên 100 tuổi, nhuộm một màu vàng nâu đất ấm áp lên cả ngôi làng. Ở nhiều làng bản khác, người ta đã dần thay thế nhà tường trình bằng gạch và mái tôn hiện đại thì ở Thiên Hương nhà tường trình vẫn được làm bằng đất nện, mái lợp ngói âm dương, cửa bằng gỗ rừng.
Những ngôi nhà được lợp bằng ngói âm dương vào mùa hè sẽ vô cùng mát mẻ còn mùa đông thì ấm áp. Nha gồm 2 gian, gian ở trên để đồ đạc, còn gian ở dưới để nấu ăn và sinh hoạt. Xung quanh đó là hàng rào đá chắc chắn và vững chãi. Nhà nào cũng có trong sân vườn ít cây lê, mận, hay đào để lấy quả ăn.
Có lẽ một trong số những địa điểm ấn tượng nhất tại làng cổ Thiên Hương Hà Giang là vườn đa đầu làng. Vừa đặt chân đến, du khách sẽ phải sững sờ trước những cây đa lớn, già cỗi có tuổi đời hàng trăm năm.
Trong vườn đa làng cổ Thiên Hương, người ta có dựng lên miếu cổ thờ Thần Lâm như một nơi linh thiêng để họ bày tỏ lòng tín ngưỡng đối với rừng, với tự nhiên.
Đây vốn là một tín ngưỡng từ lâu của nhiều dân tộc sống ở cao nguyên đá, hò sùng bái tự nhiên như một vị thần luôn che chở và bảo vệ cuộc sống. Cũng khá dễ hiểu bởi cư dân ở đây phụ thuộc khá nhiều vào rừng để săn bắn kiếm ăn, lấy gỗ dựng nhà...
Không những vậy, các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống và cả nét sinh hoạt thường nhật cũng được lưu giữ trọn vẹn.
Nổi bật là trong mỗi gia đình người Tày bàn thờ luôn được bố trí rất trịnh trọng, hai bên là những dòng câu đối. Trước cửa nhà, người ta sẽ đeo 3 lá bùa để chống tà ma, quỷ dữ.
Bàn thờ của một gia đình đồng bào Tày trong ngôi nhà cổ tại làng cổ Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Trên bàn thờ tổ tiên người Tày đặt ba bát hương. Một bát thờ Đắm (lạc đắm - rễ cọc, thờ gốc - cội nguồn); một bát thờ lộc mệnh (gia phả dòng họ); một bát thờ hàm (các chức sắc của tổ tiên). Vì người Tày theo phụ hệ nên những gia đình đón con rể về “nạp tế” thì có thêm bát hương thứ tư để thờ tổ tiên của người đến làm rể.
Gia đình nào vừa mới chia tách mà có con trẻ thì thêm một bát thờ Dả hoa - Dả bjoóc (Hoa tiên - Thánh mẫu).
Dòng họ nào, gia đình nào ở làng cổ Thiên Hương có người làm thầy Tào, làm Bụt thì cũng có thêm một bát để thờ.
Bàn thờ tổ tiên được chủ nhân trang trí đẹp, trang trọng. Đằng sau các bát hương gọi là “chỗ ngồi” thường được chép bằng chữ Nho trên nền giấy đỏ ghi lại lai lịch dòng họ, công lao xây đắp của các bậc tiền bối, hoặc những lời giáo huấn khuyên răn con cháu ăn ở hiền lành.
Bên trên các bát hương thờ thường là một câu hoành phi, mỗi bên thường có câu đối với ý nghĩa ca ngợi công đức của tổ tiên, chẳng hạn như: “Tổ đức lưu phương/Tân niên đại cát”. Nghĩa là: “Tiếng thơm của tổ tiên được lưu truyền muôn đời, muôn phương; Năm mới mọi điều an lành, may mắn”.
Tổ tiên với người Tày là “kính phụng” như sờ thấy, mó thấy. Bàn thờ tổ tiên là nơi linh thiêng nhất trong nhà của người Tày, tuyệt đối không ai được quay lưng lại phía bàn thờ.
Trong làng xóm dẫu có điều gì bất hòa, xung khắc có thể có vài lời nặng nhẹ với nhau nhưng tuyệt đối không ai dám đụng chạm đến tổ tiên của nhau.
Tục thờ cúng tổ tiên là một truyền thống tốt đẹp góp phần giáo dục con cháu luôn luôn ghi nhớ công lao dưỡng dục, xây đắp của các bậc tiền nhân; răn dạy con cháu hãy giữ lấy nếp nhà.
Tục thờ cúng tổ tiên của người Tày ở Cao Bằng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc làm phong phú kho tàng phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam.
Đến làng cổ Thiên Hương Hà Giang du khách còn có cơ hội để trải nghiệm và khám phá nhiều phong tục tập quán độc đáo của người dân tộc Tày.
Phụ nữ trong làng thường hay diện những bộ áo dài truyền thống màu đen, trên đầu quấn khăn khi đi làm. Đàn ông thường mặc trang phục dân tộc màu đen.
Ở làng hiện đang lưu giữ nhiều nét văn hóa sinh hoạt của người Tày, Dáy... trong đó phải kể đến hát phươn.
Những câu hát thường mang nội dung giao duyên, mừng nhà mới... rất gần gũi với đời sống sinh hoạt.
Dù hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, truyền thống có lịch sử cả trăm năm nhưng thực tế đời sống của người dân nơi đây vẫn còn nghèo nàn, khó khăn. C
ó lẽ làng cổ Thiên Hương cần hơn nữa sự quan tâm, đầu tư để phát triển du lịch bền vững, vừa giúp phát triển đời sống người dân, vừa lưu giữ được những nét đẹp văn hóa của các đồng bào nơi đây.