Đào khảo sát ở một nơi của Hà Giang phát lộ dấu tích một ngôi chùa cổ có niên đại thời nhà Trần

Nguyễn Quân Thứ sáu, ngày 01/12/2023 05:36 AM (GMT+7)
Dấu tích của một một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng từ thời nhà Trần, thế kỷ XIII- XIV được tìm thấy khi đào khảo sát tại thôn Bó Củng thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang).
Bình luận 0

Ngày 30/11, nguồn tin của Báo Dân Việt cho hay, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và UBND huyện Bắc Mê khảo sát, thám sát chùa Bó Củng thuộc thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê.

Hà Giang: Phát hiện một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng từ thời nhà Trần - Ảnh 1.

Đoàn khảo cổ đào khảo sát tại thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, nơi được cho là có dấu tích kiến trúc của ngôi chùa cổ Bó Củng có niên đại xây dựng từ thời nhà Trần.

Qua khảo sát, Đoàn khảo cổ đã phát hiện nhiều di vật vật liệu kiến trúc cung đình. Trong đó, có những hiện vật lộ ngay trên bề mặt, có những di vật bị vùi chìm dưới mặt đất, chỉ nhô lên một phần trên bề mặt.

Theo báo cáo, Đoàn khảo cổ phát hiện được hiện vật; trong đó có 12 tảng đá kê chân cột Đặc điểm chung của những chân tảng này mặc dù có hình dáng tự nhiên khác nhau, nhưng trên bề mặt đều có dấu vết tu sửa cho bằng phẳng để kê chân cột gỗ. Các chân tảng này có kích thước trung bình từ 45cm- 60cm, dày từ 25cm-35cm.

Mô hình tháp đất nung có 7 hiện vật. Vật liệu trang trí bằng đất nung, gồm: Gạch mỏng ốp có trang trí hoa văn (hoa chanh, hoa dây) có 2 hiện vật. Hiện vật có hình tượng rồng (1 mảnh vỡ khắc hình đuôi rồng và 1 mảnh vỡ có khắc hình đầu rồng (phần mắt và mào rồng). Mô hình tháp đất nung hiện vật, đều là những mảnh đã bị gãy, vỡ từ nhiều mô hình tháp khác nhau. Tất cả các hiện vật tháp đất nung này mang đặc trưng kỹ thuật và loại hình thời nhà Trần, thế kỷ XIII-XIV.

Tiếp tục khảo sát, Đoàn phát hiện 1 chiếc chuông sắt có lỗ xâu dây để treo (Hiện vật đã bị vỡ một nửa có kích thước cao khoảng 10cm, đường kính khoảng 8cm) và chuông đồng nhỏ có 1 hiện vật.

Hà Giang: Phát hiện một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng từ thời nhà Trần - Ảnh 2.

Chuông sắt cổ phát hiện tại di tích khảo cổ chùa cổ Bó Củng có niên đại xây dựng từ thời nhà Trần, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.

Đoàn mở hố thám sát 2m2, hố đào sâu 45cm, tầng văn hoá phát lộ dày 40cm, chứa đầy mảnh ngói, chủ yếu là loại ngói mũi nhọn có 2 mấu nổi ở đầu. Có trên 250 mảnh ngói, trong đó có 6 viên ngói khá nguyên vẹn. Có thể khẳng định đây là vị trí mái nhà kiến trúc cổ đã đổ sập xuống nơi đây.

Tiếp đó, Đoàn đã tiến hành khảo sát xung quanh quả đồi có di tích kiến trúc, phát hiện thấy có 3 vòng kè đá cho khuôn viên của kiến trúc. Vòng kè thứ 3 ở ngoài cùng và vòng kè thứ 2 ở giữa có đặc điểm chung là có hình ô van kéo dài theo địa thế quả đồi. Vòng kè thứ nhất trên đỉnh đồi có dạng gần chữ nhật. 

Qua nghiên cứu các di vật, di tích phát hiện được trên mặt đất và trong hố đào thám sát, có thể khẳng định: Đây là dấu tích của một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng từ thời nhà Trần, thế kỷ XIII- XIV.

Hà Giang: Phát hiện một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng từ thời nhà Trần - Ảnh 3.

PGS.TS Trình Năng Chung (người đội mũ), Nghiên cứu viên Cao cấp Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại hiện trường đào khảo cổ di tích cổ Bó Củng có niên đại xây dựng từ thời nhà Trần, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.

Theo PGS.TS Trình Năng Chung, Nghiên cứu viên Cao cấp Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho hay, quy mô di tích khá lớn, rộng hàng nghìn mét vuông. Căn cứ vào những kết quả khai quật chúng ta có cơ sở khoa học để xếp hạng Di tích chùa ở thôn Bó Củng ở cấp Tỉnh và cấp Quốc gia.

Về tên gọi của chùa, theo nghiên cứu phỏng vấn một số cụ cao tuổi ở thôn Bó Củng thì chùa có tên gọi là "chùa Tam Tự" và được xây dựng từ năm 1815.

Qua nghiên cứu thực tế chúng tôi thấy tên gọi "Chùa Tam Tự" và niên đại xây dựng năm 1815 là hoàn toàn không thuyết phục và không có cơ sở khoa học (do thiếu bằng chứng về tên chùa trong những tư liệu cổ thành văn, trong thần phả, sắc phong thời phong kiến để lại).

Do vậy chúng tôi đề nghị, trước khi chúng ta tìm một tên chùa thích hợp, chúng ta sẽ lấy tên địa danh có di tích để đặt tên cho di tích. Cụ thể ở đây chúng tôi đề nghị gọi di tích chùa thời Trần ở thôn Bó Củng là CHÙA BÓ CỦNG (giống như chùa Nậm Dầu ở huyện Vị Xuyên, Hà Giang, hay như chùa Thượng Lâm ở huyện Lâm Bình, Tuyên Quang...). Đây cũng là cách đặt tên theo thông lệ của giới khoa học văn hoá học, khảo cổ học đặt tên cho các di tích lịch sử, khảo cổ học...

Một số hình ảnh của các di vật được phát hiện.

Hà Giang: Phát hiện một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng từ thời nhà Trần - Ảnh 4.

Chân tảng đá đục nổi.

Hà Giang: Phát hiện một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng từ thời nhà Trần - Ảnh 5.

Tháp đất nung thời Trần-những di vật cổ được tìm thấy tại di tích khảo cổ chùa cổ ở thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.

Hà Giang: Phát hiện một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng từ thời nhà Trần - Ảnh 6.

Hà Giang: Phát hiện một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng từ thời nhà Trần - Ảnh 7.

Tháp đất nung thời Trần.

Hà Giang: Phát hiện một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng từ thời nhà Trần - Ảnh 8.

Ngói mũi nhọn.

Hà Giang: Phát hiện một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng từ thời nhà Trần - Ảnh 9.

Ngói mũi nhọn phát lộ khi đào khảo sát di tích khảo cổ nền chùa cổ Bó Củng có niên đại xây dựng từ thời nhà Trần, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem