Theo Hội Nông dân TP.HCM, hiện TP.HCM có 7 làng nghề, làng nghề truyền thống. Bao gồm: Làng nghề se nhang, trồng mai, nuôi cá kiểng, trồng rau (huyện Bình Chánh), làng nghề đan lát, sản xuất bánh tráng (huyện Củ Chi) và làng nghề sản xuất muối (huyện Cần Giờ).
Trong đó, có 4 làng nghề được UBND TP.HCM công nhận là làng nghề se nhang, đen lát, sản xuất bánh tráng và sản xuất muối.
Về tình hình sản xuất, kinh doanh, trong năm 2023, tổng doanh thu của 4 làng nghề, làng nghề truyền thống này ước đạt hơn 95 tỷ đồng. Thu nhập 1 – 7,5 triệu đồng/lao động/tháng.
Một trong những lý do các làng nghề đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu làng nghề còn ít là các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn của TP chưa được hộ hội viên tiếp cận.
Trong năm 2024, một trong những nhiệm vụ của Hội Nông dân TP.HCM là hỗ trợ hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác trong làng nghề đăng ký nhãn hiệu làng nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, giới thiệu các sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn tham gia trưng bày, quảng bá và kết nối tiêu thụ tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài TP; đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm OCOP.
Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP, giai đoạn 2022 – 2025. Kế hoạch đã đặt ra mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với hoạt động du lịch cho các làng nghề, ngành nghề nông thôn.
Cụ thể, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề; phát triển làng nghề kết hợp du lịch…
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại; hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.