Một thanh niên làng nghề rèn ở Thanh Hóa đưa công nghệ mới vào sản xuất, tiếng lành lan xa

Hữu Dụng Thứ sáu, ngày 14/06/2024 14:41 PM (GMT+7)
Để nâng cao hiệu quả kinh tế nghề rèn truyền thống của gia đình anh Phạm Văn Tiến (SN 1995) ở xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã đưa máy móc hiện đại vào sản xuất nhằm tăng sản lượng sản phẩm rèn, tạo thu nhập cao cho người lao động.
Bình luận 0

Chọn nghề truyền thống

Đến làng rèn Tất Đắc, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa hỏi anh Phạm Văn Tiến (SN 1995) thì ai cũng biết vì đó là một chàng trai trẻ có khiếu kinh doanh và làm ăn giỏi dang khi tuổi còn trẻ nhưng đã là chủ một có 3 xưởng rèn to nhất nhì trong xã.

Một thanh niên làng nghề rèn ở Thanh Hóa đưa công nghệ mới vào sản xuất, tiếng lành lan xa- Ảnh 1.

Anh Phạm Văn Tiến (SN 1995) ở xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã đưa công nghệ hiện đại vào nghề rèn truyền thống.

Tiếp chúng tôi trong xưởng rèn với chục công nhân đang hăng say làm việc anh Phạm Văn Tiến giới thiệu, đây là xưởng rèn của gia đình tôi với đủ các sản phẩm là dao được cơ sở xuất đi khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Ngồi nhâm nhi ly trà anh Tiến kể tiếp, sau khi học xong cấp 3 anh đi làm thêm nhiều nghề, sau đó quyết định về quê hương lập nghiệp bằng nghề rèn thủ công truyền thống của gia đình từ năm 2014.

Ngay từ khi bắt tay vào công việc, Tiến đã nhận thấy rõ ưu, khuyết điểm của các sản phẩm truyền thống, đặc biệt là sản phẩm dao. Tiến cho biết, dao của làng rèn Tiến Lộc lâu nay vốn nổi tiếng với độ sắc bén, tuy nhiên điều khiến anh trăn trở nhất là làm thế nào để dao không bị oxy hóa và gỉ sét, cán dao không bị mối mọt theo thời gian, song vẫn giữ được nét đặc trưng của dao truyền thống.

Một thanh niên làng nghề rèn ở Thanh Hóa đưa công nghệ mới vào sản xuất, tiếng lành lan xa- Ảnh 2.

Sản phẩm dao chống gỉ của công ty anh Phạm Văn Tiến.

Bởi vậy, trong suốt những năm đầu lập nghiệp, anh đã dành thời gian đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước, vừa nắm bắt nhu cầu thị trường, vừa đến các làng rèn lớn để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm. Cùng với đó, Tiến không ngừng tìm kiếm các thông tin về việc chế tác dao ở một số nước phát triển, đặc biệt là Nhật Bản thông qua mạng internet.

Thời gian này, anh gặp rất nhiều khó khăn do làng nghề hầu hết các hộ sản xuất thủ công, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật, trong khi đó nguồn vốn kinh doanh còn hạn hẹp. Bởi vậy, anh xác định "lấy ngắn nuôi dài", đẩy mạnh tiếp cận thị trường, số tiền có được mỗi chuyến hàng anh tích lũy để đầu tư dần từng hạng mục.

Một thanh niên làng nghề rèn ở Thanh Hóa đưa công nghệ mới vào sản xuất, tiếng lành lan xa- Ảnh 3.

Hiện anh Phạm Văn Tiến đang có 3 xưởng sản xuất rộng 3.000 m2 tại xã Tiến Lộc, huyện Hậu lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nghề rèn của gia đình anh Phạm Văn Tiến đã đưa máy móc hiện đại vào sản xuất nhằm tăng sản lượng sản phẩm, tạo thu nhập cao cho người lao động. Cơ sở sản xuất của anh Phạm Văn Tiến là một trong những ví dụ đó.

Cũng là ông chủ thuộc thế hệ trẻ trong làng, anh Tiến đã mạnh dạn đầu tư máy móc công nghệ cao thay thế phương tiện thô sơ truyền thống. Nhờ đó, giờ đây anh Phạm Văn Tiến đang sở hữu cho mình 3 cơ sở rèn rộng hơn 3.000 m2 và có thể sản xuất ra cả hàng nghìn sản phẩm mỗi ngày.

Đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất nghề rèn truyền thống

Nghề rèn rất vất vả nhưng trải qua nhiều năm tìm hiểu anh Phạm văn Tiến đã quyết định đầu tư nâng cấp công nghệ vào nghề rèn truyền thống của gia đình. Đến năm 2022, anh Tiến mới có thể ứng dụng công nghệ mới, sản xuất dao thép trắng không gỉ, đồng thời đầu tư máy plasma, máy đột dập, lò tôi cao tần, máy cắt tôn với trị giá trên 1 tỷ đồng. Chỉ sau một thời gian ngắn xuất bán ra thị trường, sản phẩm đã thu hút người tiêu dùng, bởi dao vẫn giữ những nét truyền thống của làng rèn Tiến Lộc, song độ chống gỉ đạt tới 96%.

Một thanh niên làng nghề rèn ở Thanh Hóa đưa công nghệ mới vào sản xuất, tiếng lành lan xa- Ảnh 4.

Hiện công ty của anh Phạm Văn Tiến đang tạo việc làm cho 80 lao động.

Cũng trong năm 2022, anh Phạm Văn Tiến quyết định thành lập Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài. Anh cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song cần gây dựng và phát triển thương hiệu làng rèn một cách chuyên nghiệp và hiện đại mới có thể đưa nghè rèn truyền thống của cha ông đi xa hơn nữa.

Năm 2023, sản phẩm dao thép không gỉ XR Tấn Lộc Tài của anh Phạm Văn Tiến đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đến nay, dao thép không gỉ của công ty anh Tiến đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tiếp nhận.

Để ra một thành phẩm là những con dao, cái kéo đủ kích cỡ, chủng loại dành riêng cho từng mục đích sử dụng, những người thợ rèn Tất Đắc đã phải thực hiện nhiều công đoạn gia công, vận dụng sức khỏe, kinh nghiệm và sự khéo léo để tạo ra được một sản phẩm hoàn hảo.

Ðầu tiên là cắt phôi, sau đó cho lên lò nung với nhiệt độ gần 1.000 độ C, thời gian nung tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu thép và độ dày, mỏng của sản phẩm. Phôi thép nung đến khi chuyển sang màu đỏ trắng, hai người thợ sẽ tiến hành rèn, một người cầm búa nhỏ gõ nhịp dẫn và một người dùng búa to nặng để quai; việc này phải có sự kết hợp nhịp nhàng, ăn ý, nếu không sẽ hỏng sản phẩm và gây nguy hiểm cho người khác.

Một thanh niên làng nghề rèn ở Thanh Hóa đưa công nghệ mới vào sản xuất, tiếng lành lan xa- Ảnh 5.

Công nhân tại công ty của anh Phạm Văn Tiến đang đóng logo thương hiệu công ty lên sản phẩm.

Tiếp đó, đến công đoạn gọt bỏ những phần sắt thừa để tạo thành hình dáng hoàn chỉnh của sản phẩm, rồi cho vào lò nung lại và "tôi". "Tôi" thép là quá trình nung nóng, giữ nhiệt và làm nguội nhanh thép nhằm mục đích nâng cao độ cứng và tính mài mòn, nâng cao độ bền cho sản phẩm.

Điều đặc biệt chính là nước để "tôi" dao, kéo ở đây bao gồm rất nhiều thành phần và đó chính là bí quyết thành công của làng nghề Tất Đắc. Ram thép là phương pháp nung nóng thép đã qua "tôi" dưới nhiệt độ giới hạn, chỉ có những người thợ giỏi và lành nghề mới có thể nhận biết được nhiệt độ giới hạn bằng cách nhìn vào màu đỏ của thép trong lò, sau đó giữ nhiệt độ một thời gian rồi làm nguội.

Cầu kỳ nhất là gọt cánh, người thợ phải gọt khéo, đều tay xuôi theo chiều lưỡi dao nghiêng 45 độ để lưỡi dao hay lưỡi kéo có độ mỏng đều nhau, tạo được độ sắc. Cuối cùng là các công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, như: Mài nước, gạt mày, đánh phớt bóng, tra cán...

Một thanh niên làng nghề rèn ở Thanh Hóa đưa công nghệ mới vào sản xuất, tiếng lành lan xa- Ảnh 6.

Anh Phạm Văn Tiến đã nhận được nhiều giải thưởng và vinh danh của các bộ, ban, ngành.

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ của gia đình, đến nay anh Phạm Văn Tiến đã phát triển thành 3 cơ sở sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Với những nỗ lực không ngừng trong việc phát triển và xây dựng thương hiệu nghề rèn truyền thống anh Phạm Văn Tiến đã nhận được nhiều vinh dự như: Năm 2023 thương hiệu XR Tấn Lộc Tài được chứng nhận là top 10 "The Best of VietNam 2023". Cũng trong năm 2023, sản phẩm dao thép không gỉ của Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài được vinh danh là Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam; top 10 thương hiệu uy tín quốc gia.

Ngoài ra, anh Phạm Văn Tiến là đại diện 1 trong 20 doanh nghiệp tiêu biểu của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vinh dự tiếp kiến Chủ tịch nước, tại Phủ Chủ tịch (ngày 12/10/2023).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem