Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh sáng nay 20/8, Chủ tịch UBND Vương Quốc Tuấn cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bắc Ninh hiện nay là tập trung xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở làng nghề Phong Khê (TP Bắc Ninh), Phú Lâm (huyện Tiên Du), Văn Môn (huyện Yên Phong).
Theo ông Tuấn, lĩnh vực môi trường là lĩnh vực rất khó, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo nhiều giải pháp với tinh thần quyết liệt song kết quả thực hiện vẫn chưa được như kỳ vọng.
"Quan điểm của tỉnh đối với các cơ sở tại làng nghề Phú Lâm, Phong Khê, Văn Môn là cứ vi phạm về môi trường, giấy phép xây dựng, xả thải trái phép đều có thể áp dụng biện pháp mạnh nhất là đóng cửa hoạt động, kiên quyết không châm chước và không thỏa hiệp. Đến ngày 31/12/2024, tất cả cơ sở ngoài cụm công nghiệp sẽ phải đóng cửa dừng hoạt động”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện chậm nhất ngày 17 hàng tháng.
Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện việc trinh sát, mở đợt cao điểm xử lý ô nhiễm môi trường tại 3 khu vực trên; các địa phương rà soát, xây dựng Đề án lộ trình bảo vệ môi trường tại các làng nghề khác trên địa bàn.
Sản xuất giấy ở làng nghề Phong Khê từ lâu đã gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Ảnh: Nguyễn Chương.
Trước đó, nhằm giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường ở làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm pháp luật; dừng hoạt động sản xuất và di dời trước ngày 31/12/2024 đối với các cơ sở trong làng nghề. Đối với các cơ sở đang hoạt động trong cụm công nghiệp Phong Khê cũng sẽ phải di chuyển hoạt động sản xuất theo lộ trình trước 31/12/2029.
Làng nghề sản xuất giấy Phong Khê bao gồm hơn 320 cơ sở sản xuất trong 3 cụm dân cư và 2 cụm công nghiệp. Tất cả các cụm này đều có nhà xưởng xen lẫn, hoặc các hộ dân vừa sản xuất vừa sinh sống trong nhà xưởng.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực như yêu cầu các hộ dân không sử dụng than hoặc chất thải công nghiệp để đốt lò, chuyển sang sử dụng lò hơi đốt nhiên liệu sinh khối; yêu cầu đấu nối nước thải về hệ thống xử lý nước thải tập trung của làng nghề nhưng ô nhiễm môi trường vẫn không được xử lý triệt để. Vẫn còn tình trạng lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Vì vậy, giải pháp quan trọng là di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.
Ngoài việc tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, vận động các hộ làm nghề sản xuất giấy, tỉnh Bắc Ninh đang có kế hoạch triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ di dời và xử lý ô nhiễm, như giới thiệu các Khu, cụm công nghiệp có đủ điều kiện về xử lý môi trường để các hộ dân di chuyển cơ sở sản xuất ra địa điểm mới.
Nước thải từ các làng nghề Phong Khê, Phú Lâm thải ra đã làm cho con sông Ngũ Huyện Khê nhuốm màu đen kịt. Ảnh: Nguyễn Chương.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm ở Phong Khê, Phú Lâm, Báo điện tử Dân Việt đã từng có loạt hơn 30 bài phản ánh về vấn đề này; sau đó cùng với sự vào cuộc của chính quyền tỉnh, địa phương và sự đồng hành của cơ quan truyền thông, đã có thời điểm, có trên 30 cơ sở đồng loạt bị xử lý vi phạm môi trường, đình chỉ hoạt động với số tiền xử lý vi phạm hành chính về môi trường lên tới hàng chục tỷ đồng.