Cận cảnh hiện vật cổ bằng vàng ròng của Hoàng gia Champa trên đất Bình Thuận

Thứ tư, ngày 21/08/2024 09:38 AM (GMT+7)
Kho mở Bộ sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm ở thôn Tịnh Mỹ (xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) gồm các hiện vật cổ, nhiều hiện vật bằng vàng ròng của hoàng gia Champa cách đây khoảng 4 thế kỷ với 100 hiện vật nguyên gốc mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc Chăm.
Bình luận 0

Ngày 16-7, tại thôn Tịnh Mỹ (xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) đã diễn ra buổi ra mắt mô hình Kho mở Bộ sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm.

img

Ông Lư Quốc Thiện, hậu duệ hoàng tộc Champa, giới thiệu Bộ sưu tập kho mở Hoàng tộc Champa tại Tịnh Mỹ (xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận).

Mô hình Kho mở Bộ sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Bình Thuận phối hợp với gia đình bà Lư Nguyễn Thị Phương Dung - hậu duệ của Hoàng tộc Champa và là chủ nhân của bộ sưu tập, tổ chức.

Kho mở Bộ sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Champa gồm các hiện vật của hoàng gia Champa.

Các hiện vật cổ Champa này đều có niên đại cách đây khoảng 4 thế kỷ. Tổng cộng có 100 hiện vật nguyên gốc của bộ sưu tập mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc Chăm. 

Trong số hiện vật cổ, nổi bật nhất là bộ vương miện của vua Pô Klong Mơh Nai.

Đây là vị vua trị vì tiểu quốc Panduranga, lên ngôi năm 1622, thoái vị năm 1627 và búi tóc (hoa tóc) của hoàng hậu Pô Bia Som được làm bằng vàng ròng với hoa văn vô cùng tinh xảo. 

Cùng với đó là trang phục của nhà vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa; đồ thờ, đồ gia dụng, vũ khí, nhạc khí...

Bộ sưu tập hiện vật cổ Hoàng gia Champa còn có các sắc phong được chế tác bằng nhiều vật liệu và phong cách nghệ thuật độc đáo.

img

Vương miện bằng vàng ròng của vua Pô Klong Mơh Nai-hiện vật cổ Hoàng tộc Champa trưng bày tại thôn Tịnh Mỹ (xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận).

Tất cả các hiện vật cổ của Hoàng tộc Champa đều là độc bản, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng quý giá của dân tộc Chăm nói riêng, của đất nước Việt Nam nói chung.

Ông Võ Thành Huy - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận cho biết: “Bình Thuận là vùng đất cuối cùng của vương quốc Champa mà xưa là xứ Panduranga.

Bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Champa gắn liền với di tích Đền thờ Pô Klong Mơh Nai tọa lạc ở khu phố Lương Đông, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng Di tích lịch sử và nghệ thuật cấp Quốc gia

img

Búi tóc bằng vàng ròng của hoàng hậu Pô Bia Som-hiện vật cổ của Hoàng tộc Champa.

Đây là bộ sưu tập hiện vật cổ duy nhất còn lại khá đầy đủ của vương triều Chămpa được lưu giữ hơn 400 năm qua bởi gia tộc hậu duệ vua Pô Klong Mơh Nai. 

Tôi tin tưởng rằng, bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm là điểm tham quan thú vị, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về một nền văn hóa lâu đời của đồng bào Chăm ở Bình Thuận”.

Bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Champa chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 16-7 tại gia đình bà Lư Nguyễn Thị Phương Dung, thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Thời gian mở cửa từ thứ hai đến chủ nhật hằng tuần (trừ thứ năm).

Trịnh Chu (Báo Công an TP Đà Nẵng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem