Thôn Nghĩa Trai có truyền thống trồng và chế biến dược liệu tuổi đời gần 1.000 năm tuổi ở xã Tân Quang (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
Một ngày tháng 9, khi vừa mới đặt chân đến Nghĩa Trai mùi thơm của tía tô, kinh giới, mã đề, rau má, ngải cứu... đến những loại thuốc quý như: hoắc hương, cúc hoa, kim tiền thảo... lôi cuốn, thôi thúc tôi tìm hiểu về "làng dược liệu" này.
Tự bao đời, người dân Nghĩa Trai tận dụng từ những thửa ruộng lớn, mảnh vườn nhỏ đến phần đất trống ven đường để trồng dược liệu.
Ở đây, từ người già đến trẻ -cả khi nhắm mắt lại, chỉ cần ngửi là họ cũng biết được là vị thuốc gì.
Ngoài mùi "nước hoa" của hàng chục loại dược liệu, ai đến Nghĩa Trai cũng phải giật mình với những âm thanh chát chát bụp bụp phát ra của việc bào chế, băm nhuyễn thuốc.
Cứ đến giờ, nhà nào nhà nấy mỗi người một việc, người thái, người băm, người giã - người nhào thuốc rất nhộn nhịp. Nghĩa Trai như một công trường khổng lồ về thuốc.
Nghề trồng và chế biến dược liệu ở Nghĩa Trai trải qua biết bao thăng trầm.
Như dòng máu mãnh liệt chảy trong huyết quản, những người nông dân chất phác, hồn hậu nơi đây dành cả cuộc đời để lưu giữ "lửa nghề".
Người dân thông Nghĩa Trai, xã Tân Quang (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) thu hoạch hoa cúc chi dịp cuối năm. Ảnh: NVCC.
Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, có nghề trong tay, bao nam thanh, nữ tú của làng tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc, làm nên thương hiệu "làng dược liệu độc nhất vô nhị" nơi mảnh đất Phố Hiến.
Trong rất nhiều những con người đã góp phần làm nên thương hiệu của làng nghề dược liệu Nghĩa Trai thì chị Đỗ Thị Hoa, Giám đốc HTX Sản xuất - Dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú là một trong những điển hình tiêu biểu nhất.
Chị hiện thân của "bông hoa nở rực rỡ" và là dấu "gạch nối" của 3 thế hệ "lịch sử - hiện tại - tương lai" ở Nghĩa Trai.
Căn phòng khách trong ngôi nhà 3 tầng khang trang của mình, chị Hoa trưng bày trang trọng hàng chục Bằng khen được các cấp, các ngành tặng vì đã có thành tích lưu giữ, phát huy giá trị của nghề trồng và chế biến dược liệu.
Trong vô số danh hiệu cao quý ấy, chị chia sẻ rằng, vinh dự, tự hào nhất khi được Thủ tướng Phạm Minh Chính trao tặng Bằng khen "Có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước năm 2023" và danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quyết định trao tặng.
Video: Chị Đỗ Thị Hoa - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024, ở thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) chia sẻ về nghề trồng và chế biến dược liệu. Thực hiện: Minh Ngọc
Một ngày làm việc của Giám đốc HTX Sản xuất - Dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú luôn bận rộn từ sáng đến tối mịt.
Chuông điện thoại chốc lát lại rung lên khi đối tác khắp các tỉnh thành liên hệ đặt hàng.
Nói không ngoa, ở cái tuổi gần chạm ngưỡng U60 nhưng chị Hoa vẫn toát lên sự trẻ trung, năng động và tràn đầy năng lượng.
Trong cuộc trò chuyện với Dân Việt, chị Hoa mời tôi thưởng thức trà hoa cúc chi - thứ trà "cây nhà lá vườn" đã làm say đắm biết bao người.
Trà hoa cúc chi đắng nhẹ, dịu mát, đọng lại ở cổ họng cũng là lúc nữ Giám đốc sinh năm Mậu Thân hồi tưởng về ký ức của gần nửa thế kỷ trước.
Chị bảo, thời còn bé thường theo cha mẹ ra đồng trồng dược liệu cũng vì thế tình yêu với cây dược liệu từ đó mà "sinh sôi, nảy nở".
Ở Nghĩa Trai gần như 100% các hộ gia đình trong đều tham gia vào việc trồng trọt, khai thác, chế biến và buôn bán dược liệu. Bất cứ nơi nào trong làng cũng có thể trồng thuốc. Chân ruộng tốt thì trồng cây đắt tiền như: cúc hoa, bạch chỉ, ngưu tất, địa liền; chân đất xấu thì trồng hoài sơn, nga truật, tía tô, kinh giới...
Cả những miếng đất hoang rìa đường, dọc bờ mương hoặc trong vườn, nhà nào cũng biết tận dụng từng tấc đất để trồng cây thuốc. Từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng có thể ghi nhớ tác dụng của các loại thuốc.
Mỗi năm người dân ở Nghĩa Trai chế biến và buôn bán hàng nghìn tấn dược liệu đủ loại ra thị trường. Việc chế biến dược liệu không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ thuật, chất lượng dược liệu mới bảo đảm. Sau khi thu hoạch, dược liệu đều được sơ chế sạch sẽ, thái nhỏ rồi phơi khô dưới nắng tự nhiên hoặc sấy trên lò.
Với những thành công đạt được, chị Đỗ Thị Hoa - Giám đốc HTX Sản xuất - Dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú được Trung ương Hội NDVN quyết định trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024. Ảnh: Minh Ngọc
Không những vậy, nơi đây còn là nơi kê đơn bốc thuốc, chuẩn trị bệnh theo y học cổ truyền. Nghề kê đơn bốc thuốc của làng đã trải qua bao thế hệ mà không bị mai một. Điều đáng quý ở đây là những người kê đơn bốc thuốc đều lấy chữ "nghĩa" làm đầu, gặp người hoạn nạn, người có bệnh tật thì cứu giúp.
"Ngày ấy, sáng đi học, chiều về lại đi làm thuê cho những hộ kinh doanh dược liệu lớn trong làng để kiếm thêm thu nhập. Thời gian này, tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm từ chế biến dược liệu", chị Hoa nhớ lại.
Do điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp, chị không được học lên cao nên quyết định ở lại quê lập nghiệp. Lấy chồng, gia đình nhà chồng cũng không mấy khá giả.
Những khó khăn đến với chị nhiều hơn, mong muốn thoát khỏi cảnh đi làm thuê, tự mở cho mình một cơ sở trồng và chế biến dược liệu thời điểm đó tưởng chừng như rất xa vời với chị. Nhưng bằng sự cố gắng, quyết tâm và tích góp được một số vốn nhỏ, ước mơ của chị cũng thành hiện thực.
Sau hàng chục năm bươn chải, lặn lội hết các tỉnh, thành miền Bắc, từ cơ sở nhỏ, ít được biết đến rộng rãi, giờ đây chị Hoa đã có cho mình một cơ ngơi thuộc diện "oách" nhất ở Nghĩa Trai. "Được bố mẹ hai gia đình, chồng và các con luôn động viên, chia sẻ đã giúp tôi có động lực để có được như ngày hôm nay", chị Hoa nói tự hào.
Tuy nhiên, để có được thương hiệu HTX Sản xuất - Dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú như ngày hôm nay, chị Hoa cũng đã phải trải qua không ít gian truân, thử thách. Thiếu vốn và đất sản xuất là hai rào cản lớn nhất, đôi lúc khiến chị "chùn bước".
Để có đất trồng dược liệu, chị phải "lùng sục" khắp khơi để thuê hoặc liên kết với nông dân. Có đất rồi nhưng phải hợp thổ nhưỡng, khí hậu. "Mọi thứ đến với tôi chẳng dễ dàng gì", chị nói.
Ngoài nguồn nguyên liệu tự sản xuất, chị Hoa cũng phải nhập nguyên liệu từ nơi khác. Với số vốn ít ỏi trong tay nên nhiều lúc hàng về chị phải đi "vay nóng". Trong khi đó, năm 2008, một số đối tác nhập hàng từ cơ sở của chị chậm thanh toán 1,5 tỷ đồng khiến việc kinh doanh khó khăn.
"Nguồn sống" trở lại khi đối tác thanh toán tiền nợ, cộng thêm với số tiền vay vốn từ ngân hàng, cơ sở của chị Hoa bắt đầu mở rộng thị trường, những xe hàng tới tập đến rồi lại được xuất đi.
Hiện cơ sở của chị Hoa đã liên kết trên 20 ha trồng hoa cúc chi ở huyện Văn Lâm, Kim Động. Sắp tới sẽ mở rộng thêm tại các huyện Phú Xuyên (Hà Nội) và tỉnh Hà Giang... Sản lượng mỗi năm đạt khoảng 200 tấn dược liệu. Năm 2023 lợi nhuận đạt 4,5 tỷ đồng.
Nguyễn Mạnh Quỳnh, 30 tuổi, là con trai thứ hai của chị Hoa. Trước đây, Quỳnh có một công việc ổn định, với mức thu nhập tốt ở Hà Nội nhưng bỗng dưng một ngày cậu nói "con muốn về nhà kinh doanh với mẹ".
Ban đầu chị Hoa chưa đồng ý, nhưng sau nhiều lần thuyết phục và thấy cậu con trai thực sự muốn "bỏ phố về quê", chị cũng đành phải chấp nhận.
Vốn "con nhà nòi", sinh ra, lớn lên bên những mùi hương của dược liệu nên Quỳnh chẳng mất nhiều thời gian để bắt đầu một hành trình mới. Công việc hàng ngày của cậu là nhập số liệu các đơn hàng đến và đi trong ngày. Thời điểm cuối năm thì bận rộn hơn nhưng cậu bảo: "Chẳng có gì sướng nhất làm ở quê nhà, nhất lại làm cho gia đình mình".
Nhìn tấm gương vượt khó từ người mẹ của mình, Quỳnh cho biết, bản thân còn phải cố gắng rất nhiều nữa mới thuộc hết được tất cả các vị thuốc. Không những thế, còn phải cùng mẹ nhân rộng vùng nguyên liệu, nâng tầm thương hiệu cho HTX Sản xuất - Dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú.
Chị Hoa cho biết, con trai lớn của chị hiện cũng theo nghề của mình khi đang có một cửa hàng ở Hà Nội chuyên kinh doanh thuốc chế biến từ cây dược liệu.
"Tôi luôn nói với các con của mình, đã làm nghề này thì phải xuất phát từ cái tâm, đặt sức khỏe của mọi người lên trên hết", chị chia sẻ.
Chị Hoa cũng cho biết, mỗi năm đều có các em sinh viên của một số trường Đại học cũng về HTX Sản xuất - Dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú để tìm hiểu và thực tập.
Không những vậy, cơ sở của chị Hoa sử dụng 15 lao động thường xuyên, giúp họ có thu nhập 16 -18,5 triệu đồng/tháng. Dịp cuối năm có đến hàng trăm lao động làm việc tại cơ sở của chị.
Luôn đặt chữ "tâm" lên trước hết, nói đi đôi với làm, mỗi năm chị Hoa đều ủng hộ thuốc cho đối tượng người bệnh thuộc hộ nghèo, họ khó khăn trị giá 70-100 triệu đồng. Năm 2020-2021, chị ủng hộ phòng chống dịch Covid -19 bằng thuốc và khẩu trang với số tiền 100 triệu đồng.
Với những thành công đạt được, chị Hoa được tặng nhiều bằng khen của địa phương và Trung ương. Cụ thể:
- Năm 2019-2023: Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương
- Năm 2021: Nhận giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2016-2020
- Năm 2021: Nhận giấy khen của CT UBND huyện Văn Lâm vì đã có thành tích xuất săc trong hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ.
- Năm 2023: Nhận giấy khen của Hội đông Y Tỉnh Hưng Yên vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng và phát triển Hội.
- Năm 2023: Nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước.
Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.
Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).