Trên một ngọn núi ở Lai Châu, người ta đang trồng thứ cây quý gì mà nở chùm hoa đỏ chót, bán đắt tiền

Văn Chiến - Xuân Tuấn Thứ hai, ngày 23/09/2024 05:34 AM (GMT+7)
Bản Sin Chải-vùng núi cao ở xã Giang Ma, huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) là một trong 4 khu vực được lựa chọn để trồng sâm Lai Châu. Bà con dân tộc Dao vùng núi Sin Chải đã, đang đổi đời nhờ trồng loại sâm quý này.
Bình luận 0

Sâm Lai Châu phát triển tốt dưới tán rừng già 

Cả triệu gốc sâm đã được bà con người Dao ở bản Sin Chải, xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu trồng dưới tán rừng già. 

Vựa sâm Lai Châu trên đỉnh Sin Chải - Ảnh 1.

Cây sâm Lai Châu đã được đưa về trồng tại bản Sin Chải, xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu được hơn chục năm. Ảnh: XT.

Từ một bản nghèo khó, nay ở bản đã xuất hiện những triệu phú, tỷ phú trồng sâm. 

Cây sâm Lai Châu quý hiếm có nhiều công dụng trong bào chế thuốc, hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh đã "mở toang cánh cửa" làm giàu cho bà con người dân tộc nơi đây.

Đỉnh núi Sin Chải cao chất ngất, quanh năm mây mù bao phủ ở xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. 

Từ bao đời nay bà con người Dao định cư dưới chân núi Sin Chải gắn bó với rừng với núi không thể tách rời. 

Bà con người Dao vốn là những bậc thầy về sử dụng các bài thuốc nam. Khu rừng già dưới chân núi có hàng nghìn, hàng vạn cây thuốc quý. 

Vựa sâm Lai Châu trên đỉnh Sin Chải - Ảnh 2.

Bà con người Dao đã mạnh dạn đưa cây sâm Lai Châu về trồng trên đỉnh núi Sin Chải. Ảnh: XT

Trong số các loài cây thuốc quý ở vùng núi cao Sin Chải có loài tam thất đỏ (cách gọi của bà con người Dao khi nói về cây sâm Lai Châu) là vị thuốc bổ và chữa bệnh vô cùng quý hiếm. 

Khi nguồn dược liệu trong tự nhiên đang giảm dần, cạn kiệt, bà con nơi đây đã biết cách bảo tồn và trồng cây sâm Lai Châu trên diện rộng. 

Suốt 2 thập kỉ qua, dưới tán rừng già, cây sâm đã phủ kín lối đi và bắt đầu được khai thác. Trồng sâm đã mang lại cuộc sống ấm no cho bà con.

Tam Đường sẽ trở thành vựa trồng sâm Lai Châu  

Gia đình anh Phàn A Sơn là một trong những hộ trồng sâm đầu tiên ở bản Sin Chải. Theo chia sẻ của anh Sơn, hiện anh đã liên kết với một doanh nghiệp ở Hà Nội để trồng sâm, tổng diện tích là trên 3ha. 

Sau cả chục năm gắn bó với cây sâm, giờ vườn của anh Sơn trở thành nơi ươm giống lớn của xã. 

Vựa sâm Lai Châu trên đỉnh Sin Chải - Ảnh 3.

Cây sâm Lai Châu sinh trưởng, phát triển tốt trên vùng núi Sin Chải (xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) và giúp bà con người Dao nơi đây làm giàu. Hoa sâm sẽ đậu thành quả sâm để người dân khai thác hạt sâm. Hạt sâm là loại hạt quý bán đắt tiền, dân dùng hạt để nhân cây sâm giống. Ảnh: XT.

Mỗi năm anh Sơn xuất bán cả chục vạn cây sâm giống. Ngoài ra, anh còn trồng được hơn chục vạn cây sâm dưới tán rừng có tuổi đời từ 10 đến 2 năm.

"Trồng sâm thu được nhiều lợi ích. Cây sâm không bỏ đi thứ gì. Hàng năm tôi thu lá sâm, thân cây sấy khô làm trà sâm. Củ sâm sau 10 năm bán rất có giá", anh Sơn chia sẻ.

Cùng với xã Khun Há, Hồ Thầu (Tam Đường), Giang Ma là địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển cây sâm Lai Châu và thu hút các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình tiến hành trồng thử nghiệm, nhân rộng diện tích.

Theo thống kê của UBND xã Giang Ma, trên địa bàn có khoảng 10ha sâm Lai Châu do các hộ dân tự trồng hoặc liên kết nhóm hộ trồng cùng 1 công ty trồng theo quy mô lớn, tập trung tại bản Tả Cu Tỷ và Sin Chải.

Vựa sâm Lai Châu trên đỉnh Sin Chải - Ảnh 4.

Gia đình anh Phàn A Sơn ở bản Sin Chải, xã Giang Ma đã trồng được mấy chục vạn gốc sâm. Cơ sở sản xuất của anh còn là nơi ươm giống sâm bán cho bà con. Ảnh: XT

Thực hiện Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan chuyên môn của huyện Tam Đường đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thu gom hạt giống, cây giống về trồng thành từng điểm, từng vùng tập trung.

Vựa sâm Lai Châu trên đỉnh Sin Chải - Ảnh 5.

Cây sâm Lai Châu phát triển tốt dưới tán rừng tự nhiên. Ảnh: XT

Thông qua một số chương trình, dự án, đề tài về khoa học công nghệ cũng đã hỗ trợ, thúc đẩy dần hình thành các vùng sản xuất dược liệu trên địa bàn, trước mắt là 2 giống cây dược liệu chính là sâm Lai Châu và thất diệp nhất chi hoa. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem