Những ngày vừa qua, người dân thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) vẫn đều đặn đến nhà văn hóa thôn để nhận thuốc hỗ trợ điều trị cho đàn bò sữa bị bệnh tiêu chảy sau khi tiêm vắc xin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco).
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 6.300 con bò mắc bệnh, hơn 410 con bò bị chết và hơn 3.800 con bò hồi phục (Đơn Dương 3.162 con; Đức Trọng 685 con; Lâm Hà 46 con và Di Linh 1 con)
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 24/8, Tổ Công tác hỗ trợ bồi thường thiệt hại trên đàn bò sữa bị bệnh tiêu chảy của tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Công ty Navetco, chính quyền địa phương cùng đại diện các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn 2 xã (5 hộ thuộc xã Tu Tra và 7 hộ thuộc xã Hiệp Thạnh) làm việc để khảo sát mức bồi thường thiệt hại trên đàn bò phát bệnh do tiêm vắc xin viêm da nổi cục. Từ đó, tổng hợp và xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt cho người dân.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, phương án hỗ trợ, bồi thường thiệt hại của Công ty Navetco đưa ra vẫn chưa được sự đồng thuận cao của người dân. Một số người dân cho rằng phương án hỗ trợ, bồi thường của Navetco còn thấp so với thiệt hại của người dân.
Cụ thể, đối với bò đang cho vắt sữa hỗ trợ, bồi thường 85.000 đồng/kg, bò đang chuẩn bị cho vắt sữa 80.000 đồng/kg, bê 75.000 đồng/kg, bò bị sảy thai bồi thường 7,1 triệu đồng/con, bò bị bệnh hỗ trợ 2 triệu đồng/con, tiền thuốc chữa trị 1 triệu đồng/con.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Văn Cao (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, gia đình ông phải vay ngân hàng để nuôi bò sữa, sau khi bò bị bệnh đã khiến sản lượng sữa hàng ngày giảm 50%. Từ khi đàn bò bị bệnh, mỗi ngày ông Cao phải bỏ ra khoảng 500.000 đồng để mua thuốc chữa trị cho một con bò.
"Gia đình tôi có gần 90 con bò, sau khi tiêm vắc xin thì đã có 2 con bò chết, 8 con bò bị sảy thai. Chúng tôi muốn công ty cung cấp vắc xin phải bồi thường thỏa đáng cho người dân. Theo đó, phải bồi thường theo khối lượng, tính theo lượng sữa phải đổ đi không bán được và tính theo kinh tế mà người dân thu nhập hàng ngày", ông Cao thông tin.
Trong khi đó, ông Võ Đình Việt (thôn Lạc Nghiệp, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) chia sẻ: "Tôi đã đề xuất lên chính quyền địa phương và công ty phương án bồi thường là cả người dân và công ty chịu. Hiện tại, mức giá công ty đưa ra là quá thấp, không đủ để người dân tái lập lại đàn sau sự cố vừa qua. Gia đình tôi có 76 con bò, đến nay đã có 11 con bò chết, 12 con bò bị sẩy thai".
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ bồi thường thiệt hại trên đàn bò sữa bị bệnh tiêu chảy do tiêm vacxin viêm da nổi cục cho biết, con số bồi thường cho người dân có bò sữa bị chết mới đang là dự thảo, sẽ thay đổi trong quá trình trao đổi, thỏa thuận với người dân. Chính vì vậy, số tiền bồi thường cho người dân vẫn cần có sự thống nhất giữa công ty với người dân, trong đó có sự tham gia của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên ngành.