Vụ bò sữa chết sau tiêm vắc xin: Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu có phương án bồi thường cho dân
Vụ bò sữa chết sau tiêm vắc xin: Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu có phương án bồi thường cho dân
Văn Long
Thứ hai, ngày 19/08/2024 17:00 PM (GMT+7)
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu cơ quan chức năng địa phương nghiên cứu các quy định, chính sách để xây dựng kế hoạch, phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại trong vụ bò sữa chết hàng loạt sau khi tiêm vắc xin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC.
Liên quan đến vụ bò sữa chết hàng loạt ở Lâm Đồng sau khi tiêm vắc xin NAVET-LPVAC phòng bệnh viêm da nổi cục của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco mà Dân Việt đã thông tin qua bài viết: Bò sữa ở Lâm Đồng tự dưng chết bất thường hàng loạt, chưa rõ nguyên nhân, dân đang hoang mang, ông Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến vụ việc.
Trước đó, ông Nguyễn Thái Học đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và đoàn công tác Cục Thú y (Bộ NNPTNT) do ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y làm trưởng đoàn về tình hình triển khai công tác phòng, chống và điều trị bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại các địa phương trong tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thái Học, hiện nay, tình hình bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa ở 3 địa phương (Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà) diễn biến phức tạp. Đây là vấn đề ngoài mong muốn của địa phương, Bộ NNPTNT song vấn đề hết sức nghiêm trọng. Sau khi Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng công bố và sử dụng phác đồ điều trị, hướng dẫn chăm sóc, điều trị bệnh cho bò sữa, số lượng bò hồi phục có chiều hướng tăng lên, số bò bị chết giảm mạnh. Tuy nhiên, ở các địa phương còn xảy ra hiện tượng bò tái phát bệnh trở lại.
Chính vì vậy, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương triển khai phương án phù hợp để điều trị cho đàn bò. Tiếp tục cách ly bò bệnh để điều trị, chăm sóc, giảm nguy cơ bò chết; đồng thời có phương án tập hợp bò có tình trạng bệnh nặng, nguy cơ chết cao về địa điểm tập trung để cứu chữa.
Song song với đó, các địa phương cần tích cực sử dụng phác đồ được công bố trong quá trình điều trị. Đồng thời, phổ biến rộng rãi phác đồ điều trị đến các địa phương, cơ sở, từng hộ chăn nuôi bò sữa, kể cả những nơi chưa xảy ra bệnh để triển khai thực hiện và có phương án chuẩn bị, không để bị động, bất ngờ.
Đặc biệt, liên quan đến vấn đề quyền lợi của người dân, ông Nguyễn Thái Học yêu cầu khẩn trương nghiên cứu các quy định, chính sách để xây dựng kế hoạch, phương án bồi thường hỗ trợ, cho người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại. Căn cứ kết luận nguyên nhân gây bệnh (sau khi được công bố chính thức), xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bồi thường, hỗ trợ. Đánh giá cụ thể tình hình từng hộ chăn nuôi; từng loại, tình trạng bò để xác định mức hỗ trợ, bồi thường phù hợp, thỏa đáng, đúng quy định.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thái Học cũng đề nghị Cục Thú y báo cáo Bộ NNPTNT có thông báo chính thức về nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng để làm cơ sở cho tỉnh công bố chính thức và triển khai các nội dung tiếp theo theo quy định. Đồng thời, đề nghị Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, Chi cục Chăn nuôi, thú y tỉnh xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ đảm bảo thỏa đáng và đúng quy định.
Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có hơn 5.800 con bò sữa bị mắc bệnh, trong đó có trên 300 con đã chết liên quan đến bệnh tiêu chảy sau khi tiêm vắc xin NAVET-LPVAC phòng bệnh viêm da nổi cục của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco.
Ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đã huy động lực lượng tham gia phòng, chống bệnh cho đàn bò sữa của tỉnh lên đến 600 người. Trong đó, nhân lực trực tiếp điều trị là 138 người và nhân lực phòng chống dịch, tiêu hủy bò bị bệnh là 465 người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.