Công an TP.Thanh Hóa cho biết, đơn vị đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Trọng Thắng (ngụ phường Đông Vệ, TP.Thanh Hóa) để làm rõ hành vi "Chống người thi hành công vụ". Đối tượng Thắng là người đã không chấp hành hiệu lệnh dừng xe ô tô để kiểm tra nồng độ cồn và tông xe làm 2 CSGT bị thương.
Theo đó, vào khoảng 22 giờ 30 phút ngày 21/8, tổ công tác thuộc Đội CSGT-TT, Công an TP.Thanh Hóa thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực trước Tòa nhà Viettel, đại lộ Lê Lợi, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe đối với ôtô mang BKS: 36A-232.45 để kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế. Tuy nhiên, người này đã không chấp hành hiệu lệnh của tổ công tác mà điều khiển xe bỏ chạy. Nhận thấy nhiều biểu hiện nghi vấn nên tổ công tác đã tiến hành truy đuổi.
Khi đến đoạn đường thuộc đại lộ Nguyễn Hoàng (phường Đông Hải, TP Thanh Hóa), tổ công tác đã tiếp cận được xe ôtô và ra hiệu lệnh cho người điều khiển xe dừng xe để kiểm tra, nhưng người này đã không chấp hành mà tiếp tục điều khiển xe ôtô tông vào xe máy của hai cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, khiến cả hai người bị thương.
Trước hành vi chống đối, cản trở người đang thi hành công vụ, tổ công tác cùng người dân đi đường đã tiến hành khống chế và bắt người phạm tội quả tang để xử lý.
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc công ty Luật TNHH Tín Hải, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho hay, hành vi của đối tượng là manh động, coi thường pháp luật, gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ và mất an toàn giao thông nghiêm trọng nên cần xử lý theo chế tài thích đáng.
Pháp luật hiện hành quy định, đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, ô tô không được phép trong máu, trong hơi thở có nồng độ cồn hay chất kích thích. Mọi người điều khiển phương tiện vi phạm quy định này sẽ bị xử lý theo quy định.
Với diễn biến xảy ra trong vụ việc trên cho thấy hành vi của người lái xe ô tô trong tình huống này là nguy hiểm cho xã hội, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người tham gia giao thông, đặc biệt là đối với hai chiến sĩ cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ.
Về xử lý vi phạm hành chính, đối tượng có thể bị xử phạt về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn theo quy định tại Nghị định 100 về xử phạt người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh.
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Theo luật sư Huy, việc đối tượng điều khiển phương tiện đâm vào lực lượng cảnh sát là hành vi manh động, nguy hiểm. Đối tượng biết trước được khả năng có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố tình thực hiện. Dù bất cứ nguyên nhân nào, hành vi không tuân thủ yêu cầu, chống đối lực lượng thi hành công vụ đều là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải xử lý thật nghiêm khắc.
Bởi vậy, ngoài việc áp dụng hình phạt khi người tham gia giao thông không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn theo quy định tại Nghị định 100, cần xem xét xử lý hình sự các đối tượng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nếu hành vi của đối tượng đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy vào tình tiết, tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà có thể bị xử lý hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với khung hình phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm tù.
Bên cạnh đó, phía cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hậu quả của vụ việc, xác định tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của hai chiến sỉ cảnh sát giao thông. Trong trường hợp hậu quả mà đối tượng gây ra ở mức nghiêm trọng thì người này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung với mức hình phạt nghiêm khắc.
Luật sư Huy cho biết thêm, những hành vi như vậy đe dọa đến sự an toàn và tính mạng của những lực lượng thực thi công vụ trên đường. Nếu còn tái diễn sẽ tạo ra những tiền lệ xấu khiến người tham gia giao thông coi thường pháp luật, gây ảnh hưởng xấu tới tình hình trật tự trị an tại đia phương.
Người uống rượu bia dẫn đến tình trạng mất tỉnh táo, dễ gây tai nạn giao thông. Việc cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn là để ngăn chặn tài xế đã mất tỉnh táo tiếp tục điều khiển phương tiện gây nguy hiểm cho bản thân tài xế và người tham gia giao thông. Vì thế, các tài xế không nên đối phó để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người.
Phía lực lượng chức năng sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt, tăng cường việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe".
Đối với các trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra, chống đối, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng lực lượng thực thi công vụ, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu các đơn vị tiến hành điều tra, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.