Đề xuất giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn: Mức phạt phù hợp với thực tế, mang tính nhân văn

Đình Việt - Quang Minh Chủ nhật, ngày 04/08/2024 18:16 PM (GMT+7)
Theo luật sư, đại biểu quốc hội, đề xuất giảm tiền phạt đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn xuống mức tối thiểu của Bộ công an là hợp lý, nhân văn. Đề xuất này sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.
Bình luận 0

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo là Bộ công an đề xuất giảm tiền phạt đối với lái xe vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Mức phạt giảm xuống tối thiểu sẽ phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay

Anh Đặng Văn Sáu, lái xe grab ở Hà Nội đồng tình với đề xuất giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe vi phạm. Anh cho rằng, mức phạt này phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, nhất là đối với người dân lao động, người có thu nhập kinh tế gia đình bấp bênh.

Theo anh, nhiều người dân lao động thường xuyên sử dụng xe máy làm phương tiện mưu sinh. Và những phương tiện của người dân chỉ có giá trị khoảng vài triệu đồng. Như vậy, nếu như cảnh sát giao thông phạt vi phạm nồng độ cồn ở mức kịch khung, số tiền phạt vượt quá giá trị của chiếc xe họ sẵn sàng bỏ lại xe.

Đề xuất giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn: Mức phạt phù hợp với thực tế, mang tính nhân văn- Ảnh 1.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh N.T.

"Vì vậy tôi cho rằng, mức đề xuất phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng với người điều khiển xe ô tô và từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với xe máy vi phạm nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở là phù hợp với điều kiện của tôi cũng như nhiều người dân lao động khác", anh Sáu nói.

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ phòng CSGT Hà Nội đồng tình với đề xuất nêu trên. Ông cho hay, hiện nay ý thức người dân thay đổi nhiều khi tham gia giao thông, nhất là trong việc đã sử dụng rượu bia thì không lái xe. Thêm nữa, hiện nay, các bãi giữ xe vi phạm của cơ quan chức năng, phương tiện xe máy liên tục tăng lên. Nguyên nhân cũng một phần là do việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ phương tiện. 

"Nhìn những phương tiện xe máy bị phơi nắng, mưa tôi thấy rất xót. Tôi cho rằng cái cốt lõi của vấn đề vi phạm nồng độ cồn là ở ý thức của người tham gia giao thông, họ không thể thay đổi ý thức ngay được. Ngoài việc xử phạt nghiêm đối với hành vi vi phạm thì cần phải tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu và có chính sách nhân văn. Có như vậy, họ sẽ dân thay đổi, chấp hành nghiêm quy định khi tham gia giao thông", ông Quỹ nói.

Ông Quỹ dẫn chứng câu chuyện ở vùng nông thôn, vùng quê, vùng dân tộc thiểu số, vì phong tục tập quán, người dân có thể sử dụng rượu, bia 1-2 ly. Trong khi đó, ở những nơi này phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển, buộc người dân phải đi xe máy.

"Như vậy, nếu như họ chỉ uống một ly bia hoặc rượu mà xử phạt họ ở mức 2-3 triệu đồng thì là chưa phù hợp với điều kiện thực tế, điều kiện của họ", ông Quỹ bày tỏ.

Trong khi đó, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho hay, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông thì việc giảm mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp như vậy là cần thiết, thể hiện sự nhân văn và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội.

Nhìn nhận dưới góc độ quản lý Nhà nước, việc phòng ngừa vi phạm và xử lý vi phạm là hai hoạt động phải tiến hành đồng thời, song song và chú trọng đến công tác phòng ngừa. Mức xử phạt là thể hiện tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Tuy nhiên làm sao để người vi phạm không còn vi phạm nữa, hạn chế số vụ vi phạm thì giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân là giải pháp tối ưu nhất, việc xử phạt vi phạm hành chính chỉ là giải pháp cuối cùng nếu như các giải pháp phòng ngừa không đạt hiệu quả.

Đề xuất giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn: Mức phạt phù hợp với thực tế, mang tính nhân văn- Ảnh 3.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp. Ảnh nhân vật cung cấp.

Bởi vậy, ông Cường cho rằng, việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, điều chỉnh mức xử phạt đối với các hành vi, tính chất mức độ của hành vi cho phù hợp với thực tiễn là điều cần thiết, thể hiện vai trò của Nhà nước trong quản lý xã hội

Nếu tổng kết thực tiễn quá trình xử phạt vi phạm hành chính về nồng độ cồn sẽ cho thấy những người vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp thường là những người lao động nghèo, mức xử phạt số tiền 3.000.000 đồng, 4.000.000 đồng với họ có thể là cả nửa tháng lương…

Khi xử phạt vi phạm hành chính với họ như vậy sẽ rất ảnh hưởng đến đời sống, hạnh phúc gia đình và gây ra tâm lý không tốt cho người tham gia giao thông, trong khi đó nếu áp dụng giải pháp khác là tuyên truyền giáo dục thì có lẽ hiệu quả sẽ cao hơn. 

Hơn nữa, với những người vi phạm nồng độ cồn ở mức độ thấp thì đa số các quốc gia hiện nay không xử phạt, việc xử phạt ở mức đến nửa tháng lương của người lao động quy định của Nghị định 100 có phần quá nghiêm khắc.

Phạt nặng đối với trường hợp uống rượu bia gây tai nạn giao thông

Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, thời điểm ban hành Nghị định 100 quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính, khi đó ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân còn chưa tốt, tình trạng vi phạm về nồng độ cồn còn nhiều nên để mức xử phạt vi phạm cao như vậy có thể là hợp lý, tuy nhiên quá trình áp dụng pháp luật, tổng kết thực tiễn và sếp về nhiều yếu tố đến nay điều chỉnh là phù hợp, mang tính nhân văn.

Theo ông, mức phạt số tiền 2-3 triệu đồng là cao so với thu nhập của nhiều người dân lao động. Và thực tế, đã có nhiều người dân chấp nhận bỏ phương tiện do giá trị thực tế của chiếc xe thấp hơn mức tiền họ phải đóng phạt.

"Một nội dung nữa tôi cho rằng cơ quan chức năng cũng cần xem xét, cân nhắc thêm, đó là việc người dân sử dụng rượu bia buổi tối nhưng đến sáng hôm sau họ hoàn toàn tỉnh táo, làm chủ phương tiện khi lái xe ô tô. Nếu như cảnh sát giao thông kiểm tra vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp (chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở) mà phạt họ tới 6-8 triệu đồng thì cũng là chưa hợp lý", ông Hòa nói.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiến nghị, đối với người vi phạm nồng độ cồn dù ở mức thấp nhất, nhưng một khi đã gây tai nạn giao thông, nhất là gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng cần phải xử lý nghiêm.

Đề xuất giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn: Mức phạt phù hợp với thực tế, mang tính nhân văn- Ảnh 4.

Ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Media Quốc hội.

"Với những tài xế uống rượu bia gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, tôi cho rằng cần phải xử lý hình sự, xử phạt nặng kịch khung để tạo sức răng đe", ông Hòa đề xuất.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết thêm, việc xử phạt vi phạm hành chính trước tiên phải căn cứ vào Luật xử lý vi phạm hành chính. Hiện nay trong xử phạt vi phạm hành chính, có 5 hình thức xử phạt, gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; trục xuất.

Bởi vậy, cơ quan chức năng cần cân nhắc áp dụng hình thức xử phạt nào đối với hành vi nào cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi và đảm bảo được hiệu quả trong công tác quản lý hành chính là rất cần thiết. Thậm chí có thể sửa đổi Nghị định 100 theo hướng nếu vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp nhất thì có thể áp dụng "cảnh cáo" chứ không nhất thiết phải phạt tiền.

Việc áp dụng hình thức xử phạt như thế nào, mức xử phạt đến đâu cần căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và đảm bảo hiệu lực hiệu quả của việc áp dụng pháp luật, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đa số nguyện vọng của nhân dân.

Hiện nay phần lớn các quốc gia đều không xử phạt đối với người có nồng độ cồn ở mức thấp khi tham gia giao thông, bởi vậy việc giảm mức xử phạt đối với người vi phạm nồng độ cồn ở mức độ thấp là phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với quá trình đang mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế hiện nay.

Bộ Công an đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Cụ thể, đề xuất phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Trong khi đó, quy định hiện hành tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP), phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng đối với hành vi nêu trên.

Đối với xe máy và các loại xe tương tự, đề xuất phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Trong khi đó quy định hiện hành đang áp dụng mức xử phạt từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi nêu trên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem