Thanh Sơn là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Định Quán. Nơi đây, đồi núi chiếm hết 85% diện tích tự nhiên. Người dân trong xã trồng rất nhiều bưởi da xanh. Chị Lê Thị Liên ở ấp 3 (xã Thanh Sơn) cũng đang trồng 5ha bưởi.
Chị Liên kể, người dân trong xã Thanh Sơn chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Tày (chiếm 80% dân số). Thị trường trái bưởi tươi còn nhiều bấp bênh. Khi bưởi thu hoạch rộ, thương lái thường ép giá. Có vườn phải bỏ hoặc bán với giá rẻ, thu nhập của người dân không ổn định.
Bưởi là loại trái cây thơm ngon, chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Nhiều vườn trồng ở địa phương cũng đang chuyển đổi theo hướng hữu cơ nên nguồn nguyên liệu đạt chất lượng cao.
Việc đa dạng hóa sản phẩm thông qua chế biến không chỉ gia tăng giá trị mà còn giúp giảm lãng phí trong nông nghiệp; tạo thêm việc làm cho người dân, nhất là chị em phụ nữ khó khăn trong xã. Đó là lý do sản phẩm rượu bưởi Liên House's của gia đình chị Liên ra đời.
Tận dụng nguồn nhân lực nhàn rỗi chủ yếu là phụ nữ ở địa phương, chị hướng dẫn mọi người xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, rồi thu mua lại sản phẩm.
Múi bưởi kết hợp với đường phèn được ủ theo phương pháp truyền thống trong chum sành để lên men tự nhiên, không dùng thêm chất phụ gia nào. Phần vỏ bưởi sau khi gọt, được xử lý để làm món vỏ bưởi sấy giòn, hoặc sấy dẻo.
Chị Liên tâm sự, việc chế biến trái bưởi không phải là cách làm mới. Đồng Nai có vùng trồng bưởi lớn, lại có nhiều giống bưởi đặc sản.
Ngay như rượu bưởi Năm Huệ Tân Triều ở huyện Vĩnh Cửu được làm từ đặc sản bưởi Tân Triều đã nổi danh từ lâu. Hoặc các sản phẩm snack bưởi cũng có hệ thống phân phối rộng rãi, truyền thông tốt.
Tuy nhiên, bưởi Tân Triều thường chỉ sinh trưởng tốt ở khu vực cù lao Tân Triều, diện tích trồng từng hộ gia đình nhỏ. Các sản phẩm chế biến khác phải thu mua nguyên liệu từ bên ngoài.
Rượu bưởi Liên House's của chị tận dụng diện tích trồng bưởi lớn, lại chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng ngay tại chỗ để giảm chi phí đầu vào. Nguồn nhân công là các chị, em phụ nữ tại địa phương cũng là lợi thế để cạnh tranh.
Sắp tới, chị sẽ mở rộng mô hình liên kết với các hộ dân, hướng dẫn chị em chăm sóc vườn bưởi theo quy trình hữu cơ. Đồng thời, chị đầu tư nhà xưởng đạt chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến.
Cách tạo ra cơ hội kinh doanh mới này vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa giúp chị em cải thiện đời sống gia đình, nâng cao vai trò của họ trong cộng đồng.
Năm 2023, mô hình chế biến trái bưởi của chị đạt 90 triệu đồng lợi nhuận. Trong đó, chi phí sản xuất chiếm 50% trong tổng doanh thu 180 triệu đồng.
Chị hy vọng quá trình tối ưu hóa sản xuất sẽ giảm chi phí xuống 35-40%. "Dự kiến, lợi nhuận năm sau sẽ đạt gần 200 triệu đồng trên tổng doanh thu 315 triệu đồng", chị Liên chia sẻ.
Cũng từ tài nguyên bản địa, vựa gà Long Khánh ở phường Phú Bình, (TP.Long Khánh) đang phát triển mô hình sản xuất và kinh doanh gà tre thảo dược từ 4 năm nay.
Theo bà Trịnh Thị Thu Tâm, quản lý vựa gà Long Khánh, trong nước có nhiều giống gà bản địa thơm ngon, cho giá trị kinh tế cao như gà ta, gà tre, gà ác... Trong đó, giống gà tre tuy trọng lượng nhỏ (chỉ 0,8-1,5kg/con) nhưng có hương vị đặc trưng, thớ thịt dai, chắc; để lại ấn tượng cho thực khách.
Gà tre sở hữu nguồn gen độc đáo của Việt Nam nhưng do không được nuôi phổ biến, nhiều chủ nuôi thường lai tạo gà tre với nhiều giống gà khác để cải thiện vóc dáng, thể chất nên nguy cơ mai một giống là hoàn toàn có thể xảy ra.
Giống gà tre có trọng lượng nhỏ (chỉ 0,8-1,5kg/con) nhưng có hương vị đặc trưng. Ảnh: NVCC
Từ năm 2020, bà Tâm tiên phong đưa con giống gà tre về Long Khánh và phát triển dự án sản xuất, kinh doanh gà tre thảo dược.
Mô hình gặp không ít khó khăn bước đầu khi thị trường sản phẩm từ gà rất phong phú như gà Đông Tảo, gà mái dầu, gà Bình Định...
Vựa gà Long Khánh chọn cách chăn nuôi thả rông tại vườn trên diện tích đất rộng, thoáng, tạo môi trường sạch sẽ và đáp ứng với các tiêu chí kỹ thuật. Thành phần thảo dược được phối trộn vào thức ăn cho gà tre là thực phẩm chức năng Herb-all Cocc-x và Herb-all Liver được sản xuất tại Thuỵ Sỹ.
Bên cạnh đó, phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương như cây chuối, bắp, trái cây cũng được tận dụng làm thức ăn.
Hiện vựa gà Long Khánh đang nuôi khoảng 70.000-80.000 con gà tre. Vựa còn liên kết với bà con nuôi gia công khoảng từ 400.000-550.000 con gà. Vựa cung cấp cho thị trường 3.000 con/ngày, với giá ổn định từ 100.000-120.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Lệ Huyền - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phú Bình, cho biết gà tre thảo dược chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Sản phẩm được sơ chế làm sạch, đóng gói hút chân không nên thuận tiện trong việc bảo quản.
Thịt gà là loại thực phẩm thông dụng, được người tiêu dùng mua lại nhiều lần. Gà tre thảo dược lại được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là lợi thế cạnh tranh, tạo được niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm.
"Ngoài việc khởi nghiệp phát triển kinh tế, vựa gà Long Khánh tạo công ăn việc làm cho 10-20 lao động nữ trong và ngoài địa phương với thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội", chị Huyền cho biết.
Chị Phan Ngọc Thanh ở chùa Phổ Minh, phường Bàu Sen (TP.Long Khánh) cho biết từ năm 2021 tới nay, cơ sở của chị liên tục cho ra các nhiều sản phẩm từ gừng, nghệ.
Nhiều lao động nhàn rỗi, nhất là phụ nữ địa phương, đến cơ sở làm việc bán thời gian, với mức 30.000 đồng một giờ gia công. Trung bình, cơ sở mang lại nguồn thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng cho hơn 100 phụ nữ. Riêng các nữ lao động chính có thu nhập 12 triệu/người/tháng.
Chị Thanh chia sẻ, gừng và nghệ là 2 loại nông sản phổ biến, ở đâu cũng có; lại thêm món mứt gừng, mứt nghệ cũng dễ làm.
Tuy nhiên việc đào sâu vào thị trường người tiêu dùng là vấn đề lâu dài. Cơ sở của chị đã duy trì mức độ tiếp cận khách hàng thường xuyên, cứ khi cần là sẽ có. Đây là tính khả thi của mô hình so với các đối thủ cạnh tranh.
Những sản phẩm chế biến, chiết xuất từ củ gừng và củ nghệ của chị tiêu thụ mỗi tháng gần 1 tấn sản phẩm các loại, thu lại 200 triệu đồng/tháng. Cao điểm, mùa giáp Tết, sức bán lên đến 3 tấn sản phẩm các loại.
Quỹ đất nông nghiệp, đất sân vườn tại TP.Long Khánh còn lớn. Chị Thanh đang triển khai dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm củ gừng, củ nghệ trên địa bàn phường Bàu Sen với diện tích 20ha. Cơ sở khuyến khích nông dân trồng thêm gừng và nghệ bằng hợp đồng thu mua với giá bình ổn.
Theo chị Thanh, khởi nghiệp là con đường để phụ nữ vươn lên, phát huy khả năng, trí tuệ và khẳng định bản thân. Tháng 8 vừa qua, dự án của chị Thanh đã đoạt giải Ba tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2024.
"Giải thưởng có ý nghĩa khích lệ tinh thần rất lớn và hướng nghiệp cho chị em phụ nữ tại địa phương", chị Thanh chia sẻ.
Cũng tại cuộc thi này, dự án gà tre thảo dược xuất sắc đoạt giải Nhất và rượu bưởi Liên House đoạt giải Nhì.
Bà Lê Thị Thái - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai cho biết, từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh doanh trong hội viên và các tầng lớp phụ nữ.
Đặc biệt, Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp và Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp được Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh duy trì tổ chức hàng năm. Cuộc thi nhằm lựa chọn, hỗ trợ, hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc từ các cá nhân, tổ chức là phụ nữ làm chủ hoặc tham gia quản lý.
Riêng cuộc thi năm nay đã tiếp nhận 81 dự án, tăng 15 dự án so với năm 2023. Các lĩnh vực khởi nghiệp cũng đa dạng hơn với rất nhiều lĩnh vực từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm cho tới phát triển du lịch cộng đồng.
Các dự án ra đời khi đã xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ phụ nữ. Người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm đến thực phẩm an toàn, có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Các dự án lọt vào vòng chung kết đã thể hiện tiềm năng lớn trong việc phát triển sản phẩm, phát huy tài nguyên bản địa, và có thể tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP của tỉnh.
"Rất nhiều chị em ngày càng quan tâm đến hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Phụ nữ Đồng Nai ngày càng khát khao, mạnh dạn khởi nghiệp để nâng cao quyền năng kinh tế, khẳng định năng lực, vị thế của bản thân, vượt qua mọi rào cản, định kiến giới", bà Thái nói.