Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đây là thông tin chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch số 110 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; do Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức ngày 27/8.
Mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ kết hợp công nghệ cao dần trở thành hướng phát triển hiệu quả và đang được nhân rộng trên địa bàn TP.Long Khánh.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, ở xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) có 2ha đất, trồng ăn trái kết hợp chăn nuôi. Thời gian qua, ông áp dụng kỹ thuật sản xuất hữu cơ sử dụng vi sinh vật bản địa (IMO) trong cả trồng trọt và chăn nuôi.
Mô hình IMO được ông điều chế bằng cách tận dụng nguyên liệu có sẵn như rỉ mật mía, bột mì hoặc cám gạo, trái cây chuối, thơm. Mô hình giúp tiết kiệm nhân công, và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe nông dân.
Nếu canh tác truyền thống, ông sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ít nhất 15 ngày một lần trên vườn bưởi và sầu riêng. "Còn vi sinh, mình không cần đeo khẩu trang", ông Hải nói.
Hơn 3 năm ứng dụng mô hình IMO để trồng 3.000m2 dưa lưới trong nhà kính, trái có mẫu mã đẹp, quả ngọt đồng đều, giảm sâu bệnh, năng suất cao.
Tất cả các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi của ông Hải được tiêu thụ qua nhiều kênh tiêu thụ khác nhau. Mỗi năm, ông thu lãi 500 triệu đồng.
Ông Phạm Khắc Hoan, cán bộ Nông nghiệp - Địa chính xã Bảo Quang cho biết, chi phí ứng dụng chế phẩm IMO giúp giảm 60-70% so với dùng phân bón hóa học.
Mô hình của ông Hải không những mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần thay đổi thói quen, tập quán sản xuất của nông dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh.
"Mô hình gắn liền với nhu cầu của thị trường, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp địa phương", ông Hoan chia sẻ.
Ông Trần Lâm Sinh - Phó giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai cho biết, Kế hoạch số 110 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra 11 chỉ tiêu chủ yếu, và 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm.
Sơ kết 3 năm, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực ứng dụng công nghệ cao đạt 46,28% (giá trị ước đạt 34.704 tỷ đồng ). Đồng Nai hình thành 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vượt mục tiêu đến năm 2025.
Tỉnh có 419 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có 328 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh.
Tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đạt 0,48% (diện tích 885,53 ha). Đồng Nai hình thành 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ (quy mô 1.555 ha), vượt 5 lần so với mục tiêu đến năm 2025 (kế hoạch là 2-3 vùng).
Theo Sở NNPTNT, tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nông lâm thủy sản Đồng Nai giai đoạn 2021-2023 đạt 3,83%/năm. Mức tăng hằng năm cao hơn bình quân chung cả nước và đứng đầu so với các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ.
Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu trái cây tươi đạt được dấu mốc ấn tượng. Nhất là sản phẩm sầu riêng, chuối tươi xuất sang thị trường Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục. Năm 2023 giá trị xuất khẩu ước đạt 4.800 tỷ đồng.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục, hơn 3,26 tỷ USD; tăng 8,41% so với năm 2021.
Việc ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, tăng thu nhập người dân nông thôn.
Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 160 triệu đồng/ha/năm; gấp 1,3 lần so năm 2020.
Ngoài ra, tốc độ tăng giá trị công nghiệp chế biến thực phẩm Đồng Nai luôn duy trì ở mức trên 5%/năm.
Tuy nhiên, ông Trần Lâm Sinh cũng cho biết, nông nông lâm thủy sản Đồng Nai còn nhiều chỉ tiêu chuyển biến chậm.
Trong đó, Đồng Nai chưa có doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nào được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận. Điều này cho thấy thực tế việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế.
Sản phẩm đạt chứng nhận sản xuất an toàn có quy mô nhỏ, thiếu liên kết do chưa tạo ra sản lượng lớn, chất lượng đồng đều. Đa số các công nghệ được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ chưa cao. Diện tích đạt chứng nhận nông nghiệp hữu cơ của tỉnh còn thấp.
Để tiếp tục triển khai Kế hoạch số 110, thời gian tới, ngành nông nghiệp Đồng Nai tập trung nguồn lực triển khai phương án phát triển nông nghiệp, nông thôn; phương án phát triển hạ tầng thuỷ lợi trong quy hoạch tỉnh.
Trong đó, tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch; bố trí vốn đầu tư công để đầu tư kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất hữu cơ.
"Đồng thời, tỉnh kêu gọi đầu tư hệ thống kho lưu trữ, sơ chế, đóng gói; các công trình phục vụ sản xuất gắn với các vùng sản xuất, nhất là các ngành hàng có giá trị kinh tế và lợi thế canh tranh cao để hướng đến thị trường xuất khẩu", ông Sinh chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.