Hiện, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Trương Công Tạo có khoảng 130 ha đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa. Hơn 80 ha đất anh dùng để trồng nếp (lúa nếp), số còn lại anh cho thuê vì làm… không xuể.
Thời điểm này về đất Thủ dọc hai bên tỉnh lộ 817 những trà lúa nếp đã được bà con nông dân thu hoạch. Riêng những trà lúa nếp chưa gặt hạt lúa ngã vàng, tỏa hương bát ngát.
Từ lâu, nếp Long An nổi tiếng nhờ sự thơm, dẻo, ngon. Phòng NNPTNT huyện Thủ Thừa cho biết, nông dân ở huyện chủ yếu gieo sạ 2 giống nếp là OM84 và IR 4625.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, hàng năm diện tích trồng nếp của tỉnh chiếm 30 - 32% diện tích trồng lúa (khoảng 65.000ha). Những năm qua, đặc sản nếp Long An chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Trương Công Tạo ngồi tiếp chúng tôi khá nồng nhiệt. Một phần bản tính anh vậy, một phần cũng do hấp lực từ danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến quá bất ngờ.
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Trương Công Tạo, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) đi thăm cánh đồng trồng lúa, trong đó có diện tích trồng lúa nếp. Ảnh: T.Đ.
Anh Tạo thổ lộ, anh có được sự nghiệp như ngày hôm nay và trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 là từ 2 bàn tay trắng, đặc biệt là từ người cắt lúa thuê.
Anh Tạo kể, việc anh ở đây là cơ duyên trước đây gia đình đi kinh tế mới khai hoang Đồng Tháp Mười. Khi vào đây, gia đình anh được nhà nước cấp 1 lô đất rộng 2,5 ha.
Cứ 2h sáng, anh Tạo lục đục trong cái rét căm căm bơi xuồng vào ruộng làm đất. Tới ruộng là 5h sáng, anh nhảy xuống nước rút (nhổ) năng, cỏ chỉ và gốc tràm. Cứ thế, công việc khai hoang đất Đồng Tháp Mười của anh Tạo kéo dài ngày này qua tháng nọ.
Để bóc ngắn, cắn dài cải tạo đất hoang, anh Tạo phải đi cắt lúa thuê cho ruộng xa kiếm giạ lúa đỡ đần gia đình.
Một lần, anh Tạo đi cắt lúa thuê ở huyện Mộc Hóa được trả công 38 giạ lúa. Xong vụ, anh Tạo đem về cho vô bồ (dụng cụ trữ lúa) để dành. Chờ đến khi giá lúa lên, anh đem bán 38 giạ lúa lấy tiền sắm 3 chỉ vàng. Sẵn thấy bà con đi kinh tế mới kêu bán đất anh đem 3 chỉ vàng mua 3 lô đất. Lần sau, anh lại đi cắt lúa thuê và mua tiếp thêm 2 lô đất…
Thời gian sau, khi Nhà nước đã cho chuyển từ giấy quyết định cấp đất sang bằng khoán (quyền sử dụng đất), để mua thêm đất, anh Tạo lấy bằng khoán đất nhà đi vay tiền Nhà nước.
"Phương thức trả nợ vay Nhà nước của tôi là làm ruộng, bán lúa, rồi lấy lời trả. Cứ thế, tôi mua đất bằng đòn bẩy vốn của Nhà nước. Lô đất cuối cùng tôi dừng mua theo phương thức này là lô thứ 50", Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Trương Công Tạo bộc bạch.
Sau này, đất anh Tạo có thêm là do lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh. Giờ tổng diện tích đất ruộng của anh Tạo khoảng 130 ha nằm rải rác ở các huyện Thủ Thừa, Tân Thạnh, Đức Huệ, Thạnh Hóa. Mỗi trà lúa của anh Tạo từ 5 ha đến vài chục ha.
Tuy nhiên, diện tích đất sản xuất càng phình to thì công sức của anh Tạo phải bỏ ra để cải tạo đất càng lớn. Không có công cụ sản xuất hỗ trợ, anh Tạo chủ yếu dùng hai bàn tay để bắt "đất phèn thành cơm".
"Miễn đừng nghèo, cơ cực đến mấy tôi cũng làm được", anh Tạo khẳng định.
Cho tới khi Nhà nước cho nhập máy nông nghiệp, các loại máy "nghĩa địa" xuất hiện tại Việt Nam, thời kỳ cơ giới hóa đồng ruộng bắt đầu, anh Tạo mới thoát khỏi cảnh "thay trâu cày ruộng".
Để tiếp tục công cuộc khai hoang đất làm ruộng, anh Tạo đi thuê máy cày, máy trục làm đất, làm cỏ…
"Tôi không còn dùng tay nhổ cỏ nữa, mà thuê máy làm cỏ rồi sạ giống làm lúa. Đồng thời, lúc ấy Nhà nước cho mở kênh xả phèn, đất ngày càng được cải tạo trở nên màu mở hơn, trồng lúa có năng suất hơn… công việc làm nông của tôi cũng phất lên", Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Trương Công Tạo cười tươi.
Giờ Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Trương Công Tạo trồng nếp "sướng như tiên". Tất cả các khâu trồng nếp của anh đều được cơ giới hóa, như dùng tia lazer san phẳng mặt ruộng, sử dụng máy xạ cụm, máy cấy lúa, thiết bị bay không người lái để phun phân và thuốc BVTV, cắt lúa có máy gặt đập liên hợp, vận chuyển lúa có xe…
Clip: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Trương Công Tạo, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) chia sẻ những khó khăn trong việc trồng lúa, trong đó có trồng lúa nếp đặc sản đất Thủ trước khi thành công. Clip: T.Đ
Chúng tôi đi từ trà lúa này đến trà lúa kia của anh Tạo để xem lúa đang chín gục đầu. Mặt bông lúa đều tăm tắp. Có được như vậy, theo anh Tạo là do ngay ban đầu trước khi gieo sạ giống mặt ruộng phải được san phẳng bằng tia lazer.
"Mấy năm gần đây, giá nếp khá tốt. Vụ hè – thu này giá nếp đang 8.000 đồng/kg, với năng suất cao 7 – 8 tấn/ha, bà con trồng nếp thắng lớn", anh Tạo chia sẻ.
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Trương Công Tạo thổ lộ, mỗi năm trồng nếp anh có lợi nhuận hơn 10 tỷ đồng. Điều gì giúp anh Tạo có khoảng lợi nhuận "khủng" như vậy?
Anh Tạo bộc bạch, lâu nay anh trồng nếp theo cách hạn chế tối đa chi phí đầu vào để tăng cao lợi nhuận. Theo đó, 40 ngày đầu khi sạ giống anh Tạo gần như không mất một đồng cho thuốc BVTV để phòng chống rầy nâu và sâu cuốn lá.
Theo anh Tạo, để bảo vệ đồng ruộng tránh rầy nâu, khi rải phân đợt đầu, 3 ngày sau cây lúa bắt phân, anh rút cạn nước trong ruộng, khan khô mặt ruộng.
"Rầy khi vào đèn, vài ngày sau mới đẻ trứng và phát triển con. Khi đáp xuống ruộng nào còn nước thì rầy sẽ phát trưởng mạnh do có môi trường sống. Nhưng nếu đáp xuống ruộng khan khô rầy sẽ bỏ đi. Rải phân đợt 2, 3 cứ làm như vậy sẽ hạn chế rất tốt việc rầy nâu phá ruộng lúa", anh Tạo quả quyết.
Còn với việc hạn chế sâu cuốn lá, nông dân nên chia ra nhiều lần rải phân trên đồng ruộng. Thay vì một chu kỳ rải phân 3 lần thì nên rải 4 – 5 lần. Theo anh Tạo, cây lúa ăn vừa đủ phân sẽ vàng chanh và mà lúa vàng chanh thì sâu lá không thể tấn công được.
"Nếu làm các cách này sẽ hạn chế vốn đầu tư, nông dân sẽ tăng lợi nhuận trồng lúa. Phương pháp trồng lúa này tôi đang làm và đang thành công", Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Trương Công Tạo chia sẻ.
Ngoài trồng nếp thương phẩm, anh Tạo còn sản xuất nếp giống, lò sấy, bán gạo, bán vật tư nông nghiệp. Các phần việc này, mỗi năm anh thu hơn 10 tỷ đồng, lợi nhuận 5-6 tỷ đồng.
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Trương Công Tạo: Khoái làm việc xã hội
Hôm chúng tôi gặp nhau, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Trương Công Tạo "khoe" vừa gởi 10 triệu cho MTTQ hỗ trợ đồng bào miền Bắc gặp thiên tai do bão Yagi.
Anh Tạo cũng là người đầu tiên thực hiện ý tưởng "thắp sáng đường quê" bằng việc hỗ trợ chính quyền xã Long Thuận lắp đặt hệ thống đèn trên một số con đường trên địa bàn. Đồng thời, anh tham gia phong trào "thắp sáng đường quê" ở một số xã lân cận. Vừa qua, anh Tạo hỗ trợ 100 triệu đồng xây cầu Kênh Bảy, cầu Tân Long.
Bên cạnh đó, anh Tạo còn đóng góp các loại quỹ do địa phương phát động gần 30 triệu/năm. Ủng hộ các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn ở địa phương hơn 50 triệu/năm… Giải quyết việc làm thường xuyên cho 40 lao động với thu nhập 25 triệu/người/tháng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thuận Nguyễn Hữu Trực đánh giá, anh Tạo là người rất biết nắm bắt thời cơ và khả năng làm kinh tế giỏi. Hàng năm, anh rất nhiệt tình ủng hộ các phong trào của địa phương từ xây dựng hạ tầng, nông thôn mới đến an sinh xã hội...