Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Đồng Tháp là người trồng nhãn Idor thu tiền tỷ, làm từ thiện
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Đồng Tháp là một người ham trồng cây đặc sản, làm từ thiện
Huỳnh Xây
Thứ bảy, ngày 14/09/2024 05:53 AM (GMT+7)
Thích trồng nhãn đặc sản-nhãn Idor và làm từ thiện, ông Trần Văn Lớn, xã Định An, huyện Lấp Vò, (tỉnh Đồng Tháp) trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024. Trước đó, năm 2022, ông được Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, ông Lớn cho hay, hiện nay, ông có 5ha trồng nhãn. Trong đó, có 4ha trồng nhãn Idor và 1ha trồng thanh nhãn.
Đối với nhãn Idor, ông đã trồng 6 năm và đã "ăn" trái 4 năm. Đối với loại nhãn này, ông Lớn đặc biệt đam mê bởi nó cho lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Với 4ha, ông Lớn dễ dàng kiếm được 800 triệu đồng/năm.
Tuy giá nhãn Idor thấp nhưng theo ông Lớn, bù lại cho năng suất cao (1 công, tức 1.000m2 có thể cho từ 2 tấn trái trở lên). Để đạt lợi nhuận cao nhất có thể, ông chỉ cho nhãn Idor ra trái nghịch vụ và thường bán được với mức giá từ 23.000-25.000 đồng/kg.
Ông Lớn cũng chọn cách làm sản phẩm an toàn nên đã thành lập tổ hợp tác trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông, đây là cách để cây nhãn sống lâu và có trái bán bền theo thời gian.
Đến thời điểm thu hoạch, các thương lái sẽ đến vườn mua trực tiếp cả vườn, ông không cần phải đi bán lẻ.
Đối với 1ha thanh nhãn đã cho trái được 2 vụ (2 năm). Đối với giống nhãn mới này, ông Lớn cho biết, thu nhập không cao bằng nhãn Idor, bởi năng suất thấp và không thể cho trái nghịch vụ.
Do ảnh hưởng bởi thời tiết và một số yếu tố không thích hợp khác, thanh nhãn của ông trồng có tỉ lệ trái rụng rất cao khi vào giai đoạn "tạo cơm". Do đó, 1 công chỉ cho năng suất từ 500-700kg.
"Gần 1 tháng trước khi thu hoạch, thanh nhãn bắt đầu rụng trái. Tình trạng nặng đến mức tôi không dám ra thăm vườn vì sợ nhìn thấy rồi sót" - ông Lớn chia sẻ.
Dù giá thanh nhãn ở mức rất cao (hiện là 40.000 đồng/kg khi thu mua tại vườn), thế nhưng ông Lớn không muốn duy trì loại cây này. Hiện ông đã trồng xen trong vườn thanh nhãn bằng cây sầu riêng Monthong. Sau này khi cây sầu riêng lớn, sẽ đốn bỏ cây nhãn.
Ngoài diện tích trên, ông Lớn còn mua thêm 3.000m2 đất trồng nhãn Idor. Sau 1,5 năm nữa, ông sẽ bắt đầu để trái.
Đến nay đã 65 tuổi, thế nhưng ông Lớn chia sẻ, bản thân rất thích trồng nhãn và cho rằng đây là cách cho thu nhập bền vững. Hơn nữa, trồng nhãn nhẹ công chăm sóc, không yêu cầu kỹ thuật và vốn đầu tư quá cao như các loại cây ăn trái khác, chỉ trồng 1 lần, "ăn" được nhiều năm. Để việc làm vườn đạt hiệu quả cao, ông còn thuê thêm lao động phụ.
Ngoài trồng nhãn, nhiều năm qua, ông Lớn còn trồng lúa ở xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang với tổng diện tích khoảng 13ha. Theo ông tính toán, mỗi năm trồng 2 vụ lúa, ông lời từ 30-40 triệu đồng/ha.
Được biết, trước đây ông Lớn chỉ có 2.500m2 đất trồng lúa do cha mẹ cho. Từ diện tích này, ông phấn đấu làm ăn, tích góp, khi có dư chút ít tiền, ông sẽ mua đất dần. Đây là lý do tại sao ông có hàng chục ha đất trồng nhãn và lúa trong thời điểm này.
Đam mê làm từ thiện giúp người
Từ năm 2002, ông Lớn bắt đầu làm từ thiện bằng cách hỗ trợ gạo cho người dân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài gạo, ông còn hỗ trợ tiền mặt (từ 5-20 triệu đồng/công trình) để ngành chức năng địa phương làm đường giao thông, cầu nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới.
"Năm 2023, con đường bê tông trước nhà (dài khoảng 100m, ngang 3m) là tôi hỗ trợ 100 triệu đồng để làm" - ông Lớn nói.
Thấy nhiều người dân ở địa phương đau yếu không có phương tiện đi chữa bệnh, ông Lớn cũng đã quyết định bỏ ra khoảng 600 triệu đồng mua xe cứu thương.
Thời gian qua, xe cứu thương của ông Lớn hoạt động liên tục. Ngoài chở bệnh nhân đi tuyến ở bênh viện tỉnh, xe của ông cũng hỗ trợ đưa đi tuyến trên ở TP.HCM. Tất cả hoàn toàn miễn phí.
Việc đưa rước bệnh nhân miễn phí của ông được UBND xã và ngành chức năng huyện Lấp Vò rất ủng hộ, cấp thẻ hoạt động.
CLIP: Ông Trần Văn Lớn ở xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp nói về việc trồng nhãn và làm từ thiện. Video: Huỳnh Xây
Ông Lớn nhấn mạnh, ông làm từ thiện từ tiền mà bản thân kiếm được từ việc trồng nhãn và lúa, chứ không phải vận động người ngoài hỗ trợ.
Ông mong muốn, người dân địa phương có sức khoẻ, cùng nhau thi đua sản xuất, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Với các hoạt động trên, thời gian qua, ông Lớn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của huyện Lấp Vò và các đơn vị, sở ngành của tỉnh Đồng Tháp vì đã có thành tích trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Đặc biệt, năm 2022, ông Lớn được Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Năm 2024, ông Lớn được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.
Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.