Triển vọng từ mô hình trồng cây dược liệu dây thìa canh

Chủ nhật, ngày 15/09/2024 19:52 PM (GMT+7)
Từ nhu cầu sử dụng cây dây thìa canh hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường tăng cao trong thời gian qua, Cơ sở sản xuất và kinh doanh cao dược liệu Minh Nhi, thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, đưa vào trồng thử nghiệm cây dây thìa canh ở vùng Cùa.
Bình luận 0

Loại cây dược liệu này mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng phát triển thêm loại cây dược liệu mới, góp phần xây dựng Cam Lộ trở thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh.

img

Mô hình trồng cây dây thìa canh của Cơ sở sản xuất và kinh doanh cao dược liệu Minh Nhi mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân - Ảnh: N.T.H

Chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh cao dược liệu Minh Nhi Trương Công Minh cho biết: “Cây dây thìa canh có tên khoa học Gymnema sylvestre, là loại cây dây leo, thân gỗ, được sử dụng làm thuốc trị bệnh “nước tiểu ngọt” trong nền y học cổ truyền Ấn Độ từ 2.000 năm trước.

Ở nước ta, dây thìa canh chủ yếu được khai thác tự nhiên, việc trồng cây dây thìa canh chưa được chú trọng. Năm 2003, Công ty TNHH Nam Dược phối hợp với Trường Đại học Dược Hà Nội mang giống cây dây thìa canh về trồng thử nghiệm ở xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, cho thấy khả năng sinh trưởng và phát triển tốt. Từ đó, mô hình trồng cây dây thìa canh làm vị thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường được chú ý nhiều hơn”.

Theo anh Minh, cơ sở sản xuất và kinh doanh dược liệu Minh Nhi đang trồng 2 mô hình dược liệu, gồm 7 sào cây cà gai leo và 4 sào cây dây thìa canh (1 sào bằng 500 m2 ). Quá trình trồng cho thấy, cây dây thìa canh ít bị sâu bệnh, thu hoạch bán ra hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Theo tính toán, trên diện tích 4 sào đất vườn nhà, mỗi năm cây dây thìa canh của gia đình anh cho thu hoạch 4 lần, sản lượng khoảng 10 tấn khô, trị giá khoảng 80 triệu đồng.

Trong khi đó, 7 sào cà gai leo của gia đình anh trồng từ trước đến nay thu hoạch cũng chỉ bán được khoảng 80 triệu đồng/năm.

Hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích của cây dây thìa canh cao gần gấp đôi so với trồng cây cà gai leo. Cây dây thìa canh đầu tư ban đầu tuy chi phí lớn nhưng là loại cây thân gỗ nên thu hoạch cắt lá và đọt được nhiều lần, lại dễ chăm sóc.

Nếu có nguồn lực lớn để đầu tư ban đầu, khoảng 15 triệu đồng/sào, người dân có thể phát triển tốt mô hình trồng cây dây thìa canh ở vùng Cùa, huyện Cam Lộ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

Hiện nay, Cơ sở sản xuất và kinh doanh cao dược liệu Minh Nhi là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đưa vào trồng thử nghiệm thành công mô hình cây dây thìa canh, lấy nguồn giống từ Viện Dược liệu.

Về kỹ thuật trồng và chăm sóc dây thìa canh, đây là loại cây dễ trồng, nhanh thu hoạch. Trồng cây dây thìa canh cần chọn vùng đất cao, thoát nước tốt, mùn và tơi xốp, độ pH từ 5-6,5. Sau khi làm đất, diệt trừ sâu bệnh hại, lên luống trồng và làm giàn treo cho dây thìa canh leo, khoảng 6-8 tháng thì cho thu hoạch, trồng một lần có thể cho thu hoạch trên 10 năm.

Nguồn nguyên liệu trồng cây dây thìa canh được Cơ sở sản xuất và kinh doanh cao dược liệu Minh Nhi đưa vào chế biến thành sản phẩm Cao dược liệu dây thìa canh Minh Nhi được công nhận đạt OCOP 3 sao, là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Trị. Nhờ đó, lợi nhuận thu được từ mô hình trồng và chế biến cao dược liệu dây thìa canh càng cao hơn.

Đến nay, có hàng nghìn công trình nghiên cứu về tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, làm giảm và ổn định lượng đường huyết của cây dây thìa canh. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về công dụng dây thìa canh kích thích tuyến tụy sản xuất ra nhiều insulin, giảm nguy cơ gia tăng cholesterol trong máu và giảm cân.

Qua tìm hiểu về công dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường của dây thìa canh, ngày càng có nhiều người bệnh tiểu đường tìm mua sản phẩm cao dược liệu dây thìa canh để sử dụng hoặc tự mua dây thìa canh khô về đun nước uống.

Trên địa bàn vùng Cùa nói riêng và huyện Cam Lộ nói chung có nhiều cơ sở chế biến cao dược liệu dây thìa canh, thu mua nguyên liệu từ các tỉnh, thành phố trên cả nước để chế biến, cung cấp sản phẩm dược liệu dây thìa canh cạnh tranh trên thị trường.

Việc đưa vào trồng thử nghiệm thành công mô hình này của Cơ sở sản xuất và kinh doanh cao dược liệu Minh Nhi mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân học tập và làm theo, tạo vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo phát triển bền vững nghề chế biến cao dược liệu trên địa bàn huyện Cam Lộ trong thời gian tới.

Thanh Hải (Báo Quảng Trị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem