Dân Việt

Bình Thuận mở khóa tập huấn Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định quy định chi tiết

Bùi Phụ - Ngọc Thanh 19/09/2024 16:16 GMT+7
Ngày 19/9, UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định quy định chi tiết và có hơn 900 đại biểu từ cấp tỉnh đến cơ sở đã tham dự...

Luật Đất đai năm 2024 có những điểm mới

Tham dự hội nghị có ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Tiêu Hồng Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Bình Thuận.

Bình Thuận mở khóa tập huấn Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định quy định chi tiết - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Hữu Tri

Hội nghị cũng có đại diện lãnh đạo Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Vụ Đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp truyền đạt cụ thể các nội dung quan trọng trong Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định liên quan.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh: Hội nghị tập huấn Luật Đất đai năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt đối với tỉnh, đề nghị các đại biểu cần theo dõi, nghiên cứu với tinh thần tập trung cao nhất, tiếp thu đầy đủ các nội dung tập huấn được lãnh đạo các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường trình bày để làm cơ sở triển khai có hiệu quả, đúng quy định pháp luật tại địa phương trong quá trình thi hành và áp dụng.

Đồng thời, hội nghị cần tích cực trao đổi, thảo luận, nhất là những nội dung mới, quan trọng, những nội dung có thể có nhiều cách hiểu khác nhau để Bộ Tài nguyên và Môi trường giải đáp nhằm hiểu rõ, sâu sắc hơn, qua đó áp dụng hiệu quả, có giải pháp xử lý các vấn đề pháp lý liên quan phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương.

Bình Thuận mở khóa tập huấn Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định quy định chi tiết - Ảnh 2.

Lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh Bình Thuận tham dự hội nghị. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Có 18 điểm mới hỗ trợ người sử dụng đất

Tại hội nghị, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giới thiệu, quán triệt một số nội dung chính và một số điểm mới, nổi bật của Luật Đất đai năm 2024. Đồng thời, giới thiệu một số nội dung của Nghị định số 102 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật này.

Theo bà Mỹ, Luật Đất đai năm 2024 có 18 điểm mới bao gồm: Mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; như hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 176 Luật Đất đai.

Luật cũng quy định bãi bỏ khung giá đất và bảng giá đất được xây dựng hằng năm do UBND cấp tỉnh xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố, áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Và hàng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố, áp dụng từ ngày 1 tháng 1 của năm tiếp theo.

Bình Thuận mở khóa tập huấn Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định quy định chi tiết - Ảnh 3.

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Hữu Tri

Cũng theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Luật Đất đai 2024 quy định 5 phương pháp định giá đất: Phương pháp so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh giá đất.

Sổ đỏ, sổ hồng có tên gọi chính xác là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Điểm mới về giá đất khi tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Luật Đất đai 2024 sửa đổi cách xác định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản. Bổ sung thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Trọng tài thương mại.

Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa và sửa đổi nguyên tắc sử dụng đất, sửa đổi quy định về phân loại đất; bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai.

Công bố công khai tất cả các loại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất.

Cũng tại hội nghị này, các chuyên gia đoàn công tác Bộ TN & MT đã phổ biến 4 nghị định, gồm: Nghị định số 102 quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai; Nghị định 101 quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định số 71 quy định về giá đất; Nghị định số 88 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Trong đó, Nghị định số 102 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Nghị định 101 liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, các đơn vị chuyên môn trong quá trình thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai. Nghị định số 71 quy định về giá đất, liên quan đến nghĩa vụ tài chính, cách thức xây dựng giá đất của các cấp, bao gồm cấp tỉnh và cấp huyện…

Luật Đất đai năm 2024 tạo đà cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

Theo nhiều chuyên gia du lịch, thời gian vừa qua và hiện nay du khách rất thích mô hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt du lịch các nhà vườn. Và tỉnh Bình Thuận cũng xác định tập trung phát triển kinh tế xanh ở 3 trụ cột "Công nghiệp - Du lịch - Nông nghiệp" là đúng thực tế địa phương và xu thế thời đại.

Bình Thuận mở khóa tập huấn Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định quy định chi tiết - Ảnh 4.

Một góc Khu Đô thị kinh tế du lịch biển và giải trí NovaWorld Phan Thiet ở Tiến Thành, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: CTV

Bởi Bình Thuận đang có điều kiện tốt để chuyển hướng sang phát triển nền kinh tế xanh với "thiên thời - địa lợi- nhân hòa". Các mô hình du lịch nông nghiệp với sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch. Đồng thời, đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân, trở thành một phương thức giảm nghèo…

Việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp còn có tác dụng giúp đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch hỗn hợp cho du khách, gia tăng luồng du khách đến các vùng nông thôn. Cũng như kéo dài mùa vụ du lịch trong những thời gian thấp điểm của ngành.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và ngành chức năng, thời gian vừa qua, việc triển khai phát triển du lịch nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại bởi "nút thắt" về pháp lý.

Cụ thể như vùng có tiềm năng phát triển du lịch lại thường nằm ở vị trí rất đặc biệt như rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hoặc cảnh quan thiên nhiên, đất trồng cây lâu năm... Tuy nhiên trong Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai lại không cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc xây dựng công trình để phục vụ cho những dịch vụ tại địa điểm đó.

Bình Thuận mở khóa tập huấn Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định quy định chi tiết - Ảnh 5.

Du khách tham quan vườn thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh nông dân Đinh Xuân Đào ở huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận. Ảnh: CTV

Luật Đất đai năm 2024 sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/8, đã có những hướng mở cho mô hình này phát triển, khi có quy định về sử dụng đất đa mục đích.

Theo đó, người dân ở địa phương có thể sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác như dịch vụ, tạo ra vùng sinh thái, du lịch nông thôn để có thể đầu tư xây dựng những công trình phục vụ cho dịch vụ du lịch nhằm phát huy tiềm năng.

Một điểm nữa, Luật Đất đai năm 2024 cũng sửa Luật Lâm nghiệp cho phép hình thành những dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng ở trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tuy nhiên phải theo quy trình được cấp thẩm quyền phê duyệt và đúng trình tự.

Đây cũng là điểm sáng và hướng mở cho việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực, thi hành...

Theo định hướng, quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận, sẽ hình thành các khu vực du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại một số địa bàn trọng điểm của tỉnh. Phát triển các dự án du lịch nông nghiệp công nghệ cao, trong đó ưu tiên các nguồn lực để triển khai các dự án thành phần của Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng….

Như vậy, Luật Đất đai 2024 đã tạo đà cho những định hướng, quy hoạch phát triển du lịch cụ thể của tỉnh Bình Thuận. Và hy vọng, thời gian tới những vùng đất tiềm năng cho du lịch nông nghiệp sẽ được phát triển một cách hợp pháp.

Hội nghị cũng giới thiệu các nội dung Nghị định số 71 của Chính phủ quy định về giá đất; một số nội dung của Nghị định số 88 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; một số nội dung của Nghị định 101 quy định về điều tra cơ bản đất đai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất…

Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng; theo đó, quyết nghị Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.