Đến vườn xoài rộng 7ha của gia đình ông Nguyễn Sơn Trung ở thôn Va Ly (xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà), những cây xoài tứ quý xanh tốt, những trái xoài được bao gói cẩn thận, trái nào cũng đều đẹp nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng.
Để phục vụ cho việc chăm sóc xoài, tháng 12 năm ngoái, ông Trung đã đầu tư 370 triệu đồng mua chiếc drone to đùng, có thể "cõng" được 40 lít nước cho mỗi lần cất cánh.
"Chiếc drone có tải trọng 40 lít này cứ 30 phút phun tưới xong 1ha xoài. Nếu tính cả thời gian cho máy nghỉ ngơi, sạc pin, châm nước, pha thuốc, 7ha xoài của gia đình tôi chỉ 1 ngày là xong 1 đợt phun; nếu thuê người phun phải mất ít nhất 7 ngày mới xong.
Chưa kể drone còn xịt đều, hiệu quả hơn so với làm tay. Máy có thể phun tất cả các loại thuốc phòng trừ dịch hại, sâu bệnh, dưỡng chất, phân bón lá…
Việc sử dụng máy cũng không quá phức tạp. Khi mua máy, cán bộ kỹ thuật của hãng đến tận nơi, cầm tay chỉ việc cho mình, vài ngày là nắm bắt được cơ bản. Nhiều công đoạn, nông dân có thể thiết lập cho drone làm việc tự động", ông Trung hồ hởi.
Tại vườn xoài ngút ngàn, xanh tốt ở thôn Xuân Lập (xã Cam Tân, huyện Cam Lâm), chúng tôi lần theo tiếng xè xè của máy phát điện, nơi ông Trần Hoài Nhân đang chăm sóc xoài của gia đình mình.
Chiếc drone được lập trình sẵn, cất cánh bay đi phun thuốc phòng trừ bọ trĩ phá hại rồi lại quay về khi đã hoàn thành một đợt phun.
Trên màn hình tay cầm điều khiển máy bay không người lái là hình ảnh toàn ảnh khu vườn rộng 4ha của nhà ông theo dạng bản đồ, được chia thành nhiều ô nhỏ.
“Tôi chỉ cần châm thuốc, đánh dấu vào ô cần phun, chiếc drone sẽ tự động phun đều đặn trên toàn bộ ô đó” - ông Nhân nói rồi cho biết thêm, do nơi đây điện lưới chưa đảm bảo nên nguồn điện sạc pin cho drone được sử dụng từ máy phát.
Chiếc drone này được gia đình mua cách đây chưa lâu với giá 300 triệu đồng. Nhờ có nó, những đợt phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lá được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.
Chiếc drone (máy bay không người lái) cất cánh, bay đi chăm sóc ruộng vườn tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Trên cánh đồng bạt ngàn cây mía của vùng lõi mía đường xã Ninh Xuân, Ninh Thượng, Ninh Tây… của thị xã Ninh Hòa, từng cánh bay của drone cũng đã vi vu khắp nơi.
Theo ước tính, trong số hơn 4.000ha mía vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu AgriS Ninh Hòa, đến nay đã có khoảng 90% diện tích mía được nông dân áp dụng drone vào việc chăm sóc.
Theo đại diện AgriS Ninh Hòa, mỗi đợt phun phân bón lá, thuốc phòng trừ sâu hại, tổng chi phí là 1,1 triệu đồng/ha. AgriS Ninh Hòa hỗ trợ người trồng mía 600.000 đồng, bao gồm chi phí thuê drone và một phần chi phí phân bón lá.
Để có thể mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân khác cũng đã tìm hiểu, học hỏi và áp dụng drone trong nông nghiệp.
Nhà ông Nguyễn Hữu Nhất (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) có 1ha lúa, 3 sào xoài. Thấy bố mẹ chăm sóc cây trồng quanh năm cực khổ, nhất là tiếp xúc trực tiếp với phân, thuốc hóa học nhiều không tốt cho sức khỏe, ông đã vay mượn, tích cóp được 200 triệu đồng mua một chiếc drone để phục vụ cho nhu cầu của gia đình, giải phóng bớt sức lao động cho bố mẹ.
Ông còn dùng drone bay dịch vụ cho người dân trong vùng. Mỗi năm, có đến hàng trăm héc-ta lúa, bắp, dưa, mía, xoài… sử dụng dịch vụ drone của ông. Chi phí thuê drone tính theo số lượng bình xịt, mỗi bình 20 lít, phun 1 bình hết 120.000 đồng tiền công phun.
Với vườn xoài 800 cây ở thôn Cây Xoài, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, ông Trịnh Vinh phải thường xuyên chăm sóc xoài, nhất là phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.
Ông cho biết, xoài ra đọt, ra bông, đậu quả… đều có những sinh vật gây hại xuất hiện, cần phải phòng trừ. Trong khi đó, việc phun bằng tay, nhất là đối với những cây xoài cao 3 - 4m, cá biệt có cây trên 10m rất khó khăn, lại rất độc hại. Bởi vậy, nghe nói ở xã Cam Tân, Sơn Tân có nông dân mua drone để chăm xoài, ông Vinh và nhiều nông dân khác trong vùng đã nhiều lần đến tìm hiểu, học hỏi.
Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Diên Lộc, huyện Diên Khánh cho biết, hợp tác xã có 287ha lúa, mỗi năm sản xuất được hơn 3.000 tấn lúa giống xác nhận. Hợp tác xã đang lên kế hoạch mùa vụ năm 2025 sẽ áp dụng drone vào một số công đoạn sản xuất lúa, phục vụ các thành viên.
Theo ông Lê Quang Ba - Quản lý đội drone các tỉnh từ Khánh Hòa đến Quảng Trị của Tập đoàn Lộc Trời, năm 2022 và 2023, Lộc Trời triển khai thí điểm việc ứng dụng drone vào chăm sóc lúa.
Cụ thể là gieo sạ, bón phân và thuốc bảo vệ thực vật bằng drone tại xã Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa) và xã Vạn Phú (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).
Kết quả cho thấy chi phí bỏ ra cho mỗi héc-ta lúa áp dụng drone khoảng 26 triệu đồng, tương tự như thông thường nhưng diện tích lúa áp dụng drone cho năng suất cao hơn, từ đó hiệu quả kinh tế cao hơn gần 10 triệu đồng so với thông thường.
Ông Trương Tấn Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu ứng dụng drone vào chăm sóc cây trồng, nhất là trong việc phun phân bón lá, thuốc bảo vệ thực vật.
Drone giúp giải quyết được việc thiếu hụt công lao động nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe cho nông dân. Việc áp dụng drone vào chăm sóc cây trồng ở Khánh Hòa còn nhiều dư địa phát triển, nhưng drone cần áp dụng ở những cánh đồng lớn, rộng hàng chục héc-ta mới phát huy tối đa hiệu quả.
Do đó, cùng với việc đồng hành, khuyến khích, hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh cũng tập trung xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, chi - tổ hội, tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tập hợp nông dân, nâng cao quy mô sản xuất.