Sáng nay 21/9, phòng họp của Bộ NNPTNT chật kín đại biểu và doanh nghiệp đến dự, không còn một chỗ trống. Ngoài ra, còn có hàng chục đại diện doanh nghiệp ở xa tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến, nhằm hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi của Bộ NNPTNT hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản sau bão số 3.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến bày tỏ sự cảm ơn và hoan nghênh các doanh nghiệp dự hội nghị, cùng chung tay chia sẻ những mất mát, thiệt hại của người dân.
Thứ trưởng Tiến cho biết, nông nghiệp là lĩnh vực thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề nhất, tuy nhiên trước đại dịch Covid-19 cũng như sau đó, nông nghiệp vẫn thể hiện là trụ đỡ của nền kinh tế. Năm nay, ngành nông nghiệp dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt từ 54-55 tỷ USD, đến hết tháng 8 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thuỷ sản đã đạt trên 40 tỷ USD, trong đó xuất siêu 11,8 tỷ USD. Thế nhưng thiệt hại do bão số 3 gây ra cho ngành vô cùng khốc liệt.
Tính đến ngày 18/9, tổng số thiệt hại đối với gia súc là hơn 22.800 con, gia cầm hơn 3 triệu con, cùng với nhiều máy móc trang thiết bị hư hỏng do ngập nước... Ước tính tổng thiệt hại cho ngành chăn nuôi khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
Đối với nuôi trồng thuỷ sản, tổng diện tích bị vỡ bờ bao, ngập lụt và ước thiệt hại khoảng 23.595 ha; số lồng bè bị thiệt hại khoảng 4.592 ô lồng... Ước thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão khoảng 2.503,045 tỷ đồng.
"Năm nay lại được xem là năm tăng tốc để chúng ta kịp thời về đích nhiệm kì 2025, do đó toàn ngành nông nghiệp cần tập trung nguồn lực nhằm khôi phục sản xuất nhanh chóng. Đối với rau màu và nhóm cây ngắn ngày thì không đáng lo ngại, bởi chỉ khoảng 20-25 ngày là có thu hoạch; song với cây ăn trái, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản thì cần thời gian để khắc phục, bởi có những nơi bị xoá sổ hết rồi" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Theo ông Tiến, trước mắt Bộ NNPTNT sẽ tổ chức hội nghị về nuôi trồng thuỷ sản tại Quảng Ninh hoặc Hải Phòng, tiếp đó là hội nghị về thúc đẩy chăn nuôi sẽ tổ chức tại Lào Cai.
Thông tin tại hội nghị, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, ngay sau khi bão tan, Cục Chăn nuôi đã lập nhóm Zalo kết nối với các địa phương, doanh nghiệp, trang trại lớn để kịp thời cập nhật tình hình thiệt hại, đồng thời thành lập 7 đoàn công tác tới 7 tỉnh kiểm tra thực tế. Hiện các địa phương vẫn chưa thể đánh giá hết giá trị thiệt hại về cơ sở hạ tầng, chuồng trại…
"Qua trao đổi với người chăn nuôi và địa phương, hầu hết các ý kiến đều mong muốn được hỗ trợ đền bù thiệt hại do thiên tai theo quy định; xem xét hỗ trợ vốn đầu tư, giãn nợ, khoanh nợ vay; hỗ trợ thuốc sát trùng để tổng vệ sinh môi trường; hỗ trợ con giống, thức ăn để nhanh chóng tái sản xuất. Cùng với việc vận dụng các chính sách hỗ trợ, chúng tôi đã kêu gọi các doanh nghiệp giúp đỡ người chăn nuôi bằng nhiều hình thức như tiền mặt, con giống, thức ăn chăn nuôi, trang thiết bị..." - ông Đăng nói.
Chỉ tính riêng kêu gọi từ hội nghị này, Cục Chăn nuôi đã nhận được sự ủng hỗ từ 51 doanh nghiệp. Điển hình, De Heus hỗ trợ 2 tỷ đồng gồm thức ăn chăn nuôi, con giống; Tập đoàn C.P 1,2 tỷ đồng; Công ty Vinamilk 3,5 tỷ đồng; CJ Vina 10 tấn thức ăn; Tập đoàn Dabaco 555 triệu đồng; Amavet 410 triệu đồng; Cargill 300 triệu; Japfa 260; các tập đoàn Masan, TH, Mavin cũng đóng góp hàng tỷ đồng. Tổng hỗ trợ từ các đơn vị doanh nghiệp khoảng 79 tỷ đồng.
Về lĩnh vực thuỷ sản, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thuỷ sản cho biết: Đến nay, các doanh nghiệp đã ủng hộ xấp xỉ 85 tỷ đồng để hỗ trợ các tỉnh phía Bắc khôi phục nuôi trồng thuỷ sản, trong đó ưu tiên hỗ trợ giống, thức ăn, chế phẩm xử lí môi trường, thiết bị lồng nuôi... Điển hình như Tập đoàn Việt Úc hỗ trợ 7,2 tỷ đồng; De Heus hỗ trợ thức ăn nuôi cá nước ngọt, cá biển; Công ty STP hỗ trợ vật liệu để làm lại lồng bè...
"Ngoài hỗ trợ vật chất, vật tư, cũng mong các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm khắc phục thiệt hại với bà con để từ nay tới cuối năm có sản phẩm thu hoạch, phục vụ thị trường. Đồng thời chúng tôi cũng đã đề xuất một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc hoãn, giãn nợ và có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và đặc biệt phải tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản bền vững hơn" - ông Luân nói.
Bà Tô Thị Minh Huyền, đại diện Tập đoàn TH cho biết: "Là tập đoàn chăn nuôi, chúng tôi rất thấu hiểu thiệt hại của bà con do bão số 3, sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức để khôi phục. TH có diện tích sản xuất khoảng 10.000ha, trong đó có nhiều diện tích bị thiệt hại, song chúng tôi vẫn cố gắng đồng hành hỗ trợ bà con cùng khắc phục nhanh nhất".
Trong khi đó, ông Đường Minh, Tổng Giám đốc Haid Group cho biết: "Doanh nghiệp đã chuyển ngay 500 triệu đồng tiền mặt để cùng Bộ NNPTNT hỗ trợ người nông dân miền Bắc khắc phục thiệt hại. Hôm nay, chúng tôi quyết định tặng thêm bà con chăn nuôi 5 triệu con cá rô phi giống; 50.000 con vịt giống Cherry Valley, cùng với thức ăn chăn nuôi, tổng giá trị hơn 13 tỷ đồng".
Chia sẻ tại hội nghị, ông Đỗ Linh Phương, Giám đốc điều hành, nhà sáng lập Công ty DBLP (tỉnh Phú Yên) cho biết, ông đã sẵn sàng hỗ trợ ngư dân 1 triệu cây giống rong biển để giúp bà con nhanh chóng tái sản xuất (tương đương 10 tỷ đồng) và đề nghị các doanh nghiệp khác cùng vào cuộc với DBLP hỗ trợ bà con thêm lưới, dây buộc rong.
Theo ông Phương, trồng rong không tốn nhiều tiền đầu tư như lĩnh vực nuôi trồng khác vì rong không cần ăn gì cả, có thể thu hồi vốn nhanh. Về lâu dài, đây cũng là hướng đi bền vững, vì chúng ta sẽ còn phải đối diện với những cơn bão khác chứ không chỉ Yagi. Thêm vào đó, ngành rong biển là 1 trong 5 ngành mũi nhọn của Indonesia, ngoài ra, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng rất chú trọng sản phẩm rong biển nên có tiềm năng phát triển lớn.
"Hiện tại, nghề trồng rong sụn ở Việt Nam cung không đủ cầu, riêng công ty đang có đơn hàng cung cấp 1.000 tấn rong khô/năm để sản xuất thạch rau câu. Chúng tôi cam kết cùng với Bộ NNPTNT hỗ trợ cây giống rong biển cho ngư dân Quảng Ninh, xây dựng chương trình cung cấp ngư lưới cụ bài bản để đầu tư ít nhất làm sao có 6 tháng có sản phẩm thu hoạch" - ông Phương thông tin.
Hiến kế tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, bà con nuôi biển hiện nay gần như trắng tay sau bão số 3, nhất là các hộ nuôi thuỷ sản ở Vân Đồn (Quảng Ninh), phải làm lại từ đầu. Song đây cũng là dịp Bộ NNPTNT, địa phương tính toán giao mặt biển cho ngư dân lâu dài, theo đó bà con yên tâm đầu tư làm ăn bài bản, áp dụng công nghệ cao để tránh thiệt hại như vừa qua.
"Theo khảo sát của chúng tôi, các lồng nuôi bằng vật liệu mới HDPE thiệt hại không đáng kể, trong khi lồng tre, lồng gỗ bị mất trắng tới gần 90%. Thiệt hại không sao kể xiết, song tôi cho rằng đây cũng là cơ hội để chúng ta xây dựng lại vùng nuôi trồng thuỷ sản bài bản hơn", ông Dũng nói và cho biết, đến thời điểm này, Hiệp hội đã huy động hỗ trợ được gần 249 triệu đồng và số tiền này đã chuyển thẳng vào tài khoản của các doanh nghiệp, hợp tác xã ở Quảng Ninh bị thiệt hại.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến gửi lời cảm ơn chân thành đến các doanh nghiệp, hội, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức, cá nhân đã dành thời gian, công sức, vật phẩm và tiền bạc ủng hộ trong thời gian qua.
Thứ trưởng khẳng định những nguồn lực này sẽ đến tận tay những người cần hỗ trợ, đúng người, đúng việc và đảm bảo công khai, minh bạch. "Điểm tựa của Việt Nam là 100 năm Đảng lãnh đạo, đoàn kết nhất trí toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, lá lành đùm lá rách, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, truyền thống đoàn kết hàng nghìn năm tạo thành sức mạnh. Một lần nữa kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi và thủy sản nói riêng" - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Theo Cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi và Cục Thú y, tính đến thời điểm này, ngành thủy sản đã nhận được gần 85 tỷ đồng, ngành chăn nuôi gần 79 tỷ đồng và ngành thú y gần 2,4 tỷ đồng từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp ủng hộ, hỗ trợ người dân bằng tiền, thức ăn, con giống, chất xử lý cải tạo môi trường… nhằm khôi phục, khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ.