Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Clip: Nông dân Bắc Hà (Lào Cai) thu hoạch lúa sau cơn bão số 3. Nguồn: Seo Súng.
Ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ trên các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Lào Cai, khiến nhiều tài sản, lúa, hoa màu, vật nuôi... của người dân bị thiệt hại nặng nề.
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Lào Cai, tính đến hết ngày 19/9, mưa bão đã khiến hơn 568,5ha diện tích ruộng lúa bị sạt lở mất đất, trong đó có gần 57ha không có khả năng khôi phục lại để sản xuất và 511ha ruộng bị sạt hoàn toàn, phải cải tạo để gieo cấy trở lại hơn.
Đối với diện tích lúa bị thiệt hại hơn 2.513ha, hơn 1.483ha ngô, hoa màu bị thiệt hại; hơn 387 ha cây trồng hàng năm khác (sắn, đao, dứa…); hơn 192ha cây ăn quả, cây lâu năm; hơn 873ha cây lâm nghiệp; hơn 706ha cây công nghiệp, dược liệu bị thiệt hại.
Về cây giống nông nghiệp có 45.000 cây chuối, 400.000 cây quế, 40.000 cây ăn quả ôn đới... bị thiệt hại.
Diện tích thuỷ sản bị thiệt hại là gần 400ha và 1.863m3cá nước ngọt; sản lượng cá thương phẩm bị chết, lũ cuốn trôi do vỡ ao, bể hơn 3.000 tấn và 123.200 con cá giống tại thị xã Sa Pa; gần 60.000 con gia súc, hơn 58.600 con gia cầm bị chết...
Ông Chảo Duần Mình, thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai chia sẻ: Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, mưa lũ đã cuốn trôi nhiều bể nuôi cá nước lạnh của gia đình tôi. Theo thống kê khoảng 40.000 cá tầm giống và 17 tấn cá tầm, cá hồi nuôi thương phẩm đã bị nước lũ cuốn trôi. Tổng ước tính thiệt hại khoảng 3,8 tỷ đồng.
Theo ông Mình, bây giờ mọi gia sản của gia đình gây dựng bấy lâu nay bỗng chốc bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Ông Mình mong muốn được Nhà nước hỗ trợ để khôi phục lại sản xuất, đồng thời tạo điều kiện cho gia đình vay vốn ưu đãi, giảm lãi suất để tái đàn, sớm ổn định cuộc sống.
Còn ông Lục Văn Đô, tổ dân phố số 1, thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên (Lào Cai) buồn rầu: Vừa qua, mưa lũ khiến mực nước sông Chảy dâng cao đã cuốn trôi khoảng 2 tấn cá trắm thương phẩm mà gia đình tôi đang nuôi trong 6 lồng cá. Những cái thùng phuy cũng bị cuốn trôi theo dòng nước lũ, những thanh thép để làm khung cho lồng cá bị uốn cong...
Để đầu tư nuôi cá lồng, tôi đã vay vốn 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Yên cùng số vốn vay từ anh em họ hàng để đầu tư lồng nuôi cá trắm cỏ.
Bây giờ mọi thứ đã bị dòng nước lũ cuốn trôi, gia đình tôi chỉ mong Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kéo dài thêm thời gian việc thu hồi vốn đã vay để nuôi cá. Đồng thời, mong muốn các cấp, các ngành, huyện hỗ trợ giống cá để tiếp tục chăn nuôi cá trên sông Chảy.
Ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết: Trước những thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp, để hỗ trợ hộ dân bị thiệt hại sau bão lũ, tổ chức lại sản xuất kịp thời vụ, hiệu quả, có thu nhập, sớm ổn định cuộc sống; Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình hội viên, nông dân bị thiệt hại về nhà cửa, tài sản, sản xuất khắc phục thiệt hại để đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống.
Chỉ đạo các địa phương, cơ quan chuyên môn rà soát, thống kê chính xác diện tích cây trồng, thủy sản; số lượng gia súc, gia cầm; hệ thống kênh mương, hồ đập chứa nước; chuồng trại chăn nuôi, nhà kính, nhà lưới… bị thiệt hại. Từ đó, đề xuất các biện pháp, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, tổ nhóm nông dân và nhân dân cải tạo, phục hồi, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại.
Hướng dẫn biện pháp phục hồi đất sản xuất bị bồi lấp do mưa lũ; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ lao động để nông dân nhanh chóng phục hồi sản xuất để đảm bảo sớm có sản phẩm phục vụ cuộc sống vào các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai thông tin: Hiện nay, giải pháp ưu tiên trước mắt của huyện là tập trung sửa chữa, xây dựng lại nhà mới để ổn định nơi ở cho những hộ dân có nhà cửa bị sập, bị vùi lấp do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3.
Cùng với đó, huyện Si Ma Cai đã thành lập các tổ công tác xuống các xã để tập trung thống kê, rà soát kỹ lưỡng đối với các hộ dân bị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp. Chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động nhân dân thu hoạch lúa vụ mùa, cải tạo đất, diện tích ruộng lúa bị thiệt hại.
Sau khi thống kê thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, huyện sẽ có văn bản đề nghị các cấp có thẩm quyền hỗ trợ cây con giống cho bà con nhân dân khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
Đối với huyện Bảo Thắng, ngay sau khi nước rút, lãnh đạo huyện Bảo Thắng đã trực tiếp xuống các địa phương bị ảnh hưởng, chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân.
Huyện Bảo Thắng đã thành lập quỹ hỗ trợ khôi phục sản xuất sau mưa lũ, trọng tâm là hỗ trợ khôi phục sản xuất tại các vùng trồng rau trọng điểm trên địa bàn huyện, với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ha để các hộ mua giống rau khôi phục sản xuất. Do vậy, huyện đã hỗ trợ các hộ dân trồng rau an toàn tại xã Thái Niên 87 triệu đồng và xã Gia Phú 23 triệu đồng để mua giống.
Chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương hướng dẫn nông dân khẩn trương triển khai các biện pháp tiêu úng, phục hồi diện tích rau, màu một cách nhanh nhất có thể.
Ngay sau khi nước rút, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọ và 32 hộ dân bị ảnh hưởng tại thôn Soi Cờ, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã nhanh chóng ra đồng dọn dẹp, cày xới đất và lên luống chuẩn bị trồng lại vụ rau khác để tăng thu nhập, ổn định đời sống sau lũ.
Sau khi nhận được giống, chị Ngọ đã chủ động gieo khay và xuống giống trên 5000 cây giống su hào, 50kg su su giống và nhiều loại cây giống khác…
Hiện nay, tỉnh Lào Cai bước sang giai đoạn chỉ đạo, thực hiện việc chuyển trạng thái từ phòng, chống sang khắc phục, phục hồi và tái thiết trên tất cả các lĩnh vực với điều kiện và tình hình mới.
Chỉ đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị, các địa phương, huy động tối đa các lực lượng, các trang thiết bị ưu tiên tập trung khẩn trương khắc phục các tuyến đường giao thông bị sạt sở để sớm kết nối giao thông nhanh nhất đến các khu vực vực bị cô lập; khẩn trương khắc phục nhanh nhất cơ sở vật chất về nước, điện, viễn thông tại những vị trí bị ảnh hưởng; đảm bảo an toàn hạn chế ảnh hưởng đến các công trình: Bệnh viện, các Trung tâm y tế; trường học, trụ sở điều hành của các địa phương... với mục tiêu hạn chế lớn nhất ảnh hưởng của thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân; hướng dẫn và cùng Nhân dân sớm tái đàn, tái vụ, tái sản xuất.
Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân của doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng.
UBND tỉnh Lào Cai cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan trực thuộc cử cán bộ khẩn trương xuống địa phương rà soát thiệt hại, hướng dẫn nhân dân vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương tiêu thoát lũ, tăng cường các biện pháp chăm sóc, trồng, cấy lại. Hướng dẫn nhân dân tiêu độc, khử trùng, ngăn chặn mầm bệnh cho người và vật nuôi,... chuẩn bị các điều kiện để tái sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.