Trồng cây đặc sản ra quả ngon, nông dân thu hàng tỷ đồng mỗi năm
Những năm qua, tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn phong trào "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" luôn thu hút nhiều nông dân tham gia và tạo được sức lan tỏa cho nhiều hội viên tham gia học tập, chia sẻ kinh nghiệm.
Nông dân Cao Đảm, hội viên nông dân tiêu biểu của xã Sơn Bình chịu khó làm ăn và học tập làm theo lời bác. Ảnh: Công Tâm.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Sơn Bình, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, dạy nghề, phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ cho nông dân về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo điều kiện để các hộ nông dân sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, hướng dẫn chuyển từ những cây trồng kém hiệu quả sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Hội viên nông dân Đào Văn Thực (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) cho biết, năm nay gia đình thu hoạch gần 4ha sầu riêng và thu hoạch được trên 50 tấn, với giá bán ra thị trường 80.000 đồng/kg, doanh thu đạt 4 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 3 tỷ đồng.
Anh Thực cho biết thêm, năm ngoái với diện tích trên gia đình thu hoạch 50 tấn, nhưng chỉ bán giá 60.000 đồng/kg, doanh thu 2,8 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 2 tỷ đồng.
Ngoài trồng sầu riêng, gia đình anh còn làm mô hình nuôi chim yến để tăng thêm thu nhập. Với diện tích trên 300m2 nhà yến, sau khi được nghiên cứu đầu tư bài bản, năm trước đã cho thu nhập trên 150 triệu đồng và được xem là mô hình có nhiều triển vọng ở địa phương.
Anh Thực cũng thường xuyên tham gia vào các phong trào do hội phát động và chia sẻ các kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng cho bà con nông dân.
Hội viên nông dân Cao Đảm (70 tuổi, xã Sơn Bình, Khánh Sơn) được xem là tấm gương tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và học tập làm theo tư tưởng của Bác Hồ.
Mô hình làm yếu của xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa hiện đang được xem là triển vọng.
Ông Cao Đảm nói, muốn chỉ dạy con cháu trong gia đình hay hướng dẫn các nông dân phát triển kinh tế trước tiên mình phải là người gương mẫu, người có uy tín thì người khác mới thấy được và học tập làm theo.
Trước đây, gia đình ông trồng cà phê, nhưng không hiệu quả nên gia đình chuyển sang trồng sầu riêng, với diện tích gần 3ha, ông thu 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí lãi gần 800 triệu đồng.
Với mô hình này đã giúp kinh tế gia đình ổn định. Thấy được mô hình làm sầu riêng của ông hiệu quả nhiều hộ đồng bào Raglai đã theo học tập kinh nghiệm làm kinh tế.
Nông dân sản xuất giỏi ngày càng tăng
Theo chính quyền địa phương xã Sơn Bình, giai đoạn 2018 - 2023, toàn xã có 2.800 lượt nông dân đăng ký, 2.100 lượt nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Năm 2018, toàn xã có 365 nông dân đạt danh hiệu, đến năm 2023 có hơn 600 hộ nông dân đạt danh hiệu này.
Bên cạnh nông dân người Kinh đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có thu nhập mỗi năm hàng chục tỷ đồng, ngày càng có nhiều nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như các ông: Cao Nâng, Cao Dũng, Cao Thái Quân…
Theo lãnh đạo Hội Nông dân huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa), qua phát động của các cấp hội trong toàn huyện, hàng năm, số hộ nông dân đăng ký tham gia phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đều tăng, năm sau cao hơn năm trước 10%, số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm sau cao hơn năm trước 5%; bình quân mỗi năm trên địa bàn có gần 3.000 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Năm nay nhiều bà con nông dân xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa trúng mùa sầu riêng. Vùng đất này lại xuất hiện thêm các tỷ phú nông dân với các loại cây trồng mới giá trị kinh tế cao.