Một tỷ phú An Giang có 80ha đất trồng lúa theo kiểu "mặt ruộng không dấu chân" là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024

Hồng Cẩm Thứ bảy, ngày 21/09/2024 05:50 AM (GMT+7)
Được mệnh danh là "tỷ phú nông dân" vùng Bảy Núi, với 80ha đất ruộng, nhưng ông Lê Thanh Long (tỉnh An Giang) vẫn bám đất, tự tay trồng lúa suốt 27 năm qua; là một trong những nông dân đầu tiên của tỉnh này sử dụng máy bay không người lái (drone) theo kiểu "mặt ruộng không dấu chân".
Bình luận 0

Tỷ phú nông dân yêu đất, đam mê trồng lúa

Ông Lê Thanh Long, sinh năm 1967, cư ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Lợi, Thị xã Tịnh biên, tỉnh An Giang, vừa được Trung ương hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong số 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ An Giang có 80ha đất trồng lúa, đi đầu trong mô hình "Mặt ruộng không dấu chân" - Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Long, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ ấp Tân Hòa, xã Tân Lợi, Thị xã Tịnh biên, tỉnh An Giang. Ảnh: Hồng Cẩm.

Ông Lê Thanh Long, chia sẻ: Quê gốc của ông ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, tiếp giáp với TP.Long Xuyên là trung tâm tỉnh lị nên gia đình ba mẹ ông sinh sống bằng nghề mua bán. Sau khi lập gia đình, ông được cha mẹ cho đất gần nhà và tiếp tục làm nghề mua bán.

Năm 1997, một lần ông về Tịnh Biên chơi thì nhận thấy vùng đất này đất đai bao la bát ngát nhưng vì phèn úng nên rất ít người canh tác lúa, đa số đất bị bỏ hoang. 

Mặc dù là tiểu thương nhưng ông Long lại có đam mê trồng lúa nên ông đã hỏi thăm bà con xung quanh giá đất ruộng nơi này thì biết 1 công đất ruộng ở đây có giá chỉ vài phân vàng. 

Vừa nghe xong, lòng ông như mở cờ, vì đất đai ở Châu Thành lúc bấy giờ rất có giá, với diện tích đất cha mẹ cho, nếu bán ông có thể mua được diện tích đất ruộng kha khá ở vùng này.

Nghĩ là làm, sau khi về nhà ông bàn với gia đình và quyết định bán một phần đất cha mẹ cho để đầu tư mua 7ha đất ruộng tại xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên. 

Ông Lê Thanh Long nhớ lại: Vùng đất Tân Lợi thuộc khu vực nhóm đất phèn tiềm tàng của vùng Bảy Núi, An Giang, đất kém phát triển nên canh tác lúa không hiệu quả. Chính vì vậy lúc bấy giờ người dân vùng này đa số bất lực, bỏ đất hoang là chính. Khi mua đất, cải tạo ban đầu rất vất vả, phải mất mấy năm tôi mới canh tác được, nhưng năng suất lúa không cao, sản xuất thường là lỗ.

Với quyết tâm cải tạo vùng đất này, tôi quyết tâm dù khó đến mấy cũng không bỏ cuộc. Tận dụng lúc bà con bỏ ruộng, một mặt tôi vừa cải tạo đất canh tác, dù toàn lỗ; một mặt tích cóp vốn từ việc mua bán của vợ tôi mua thêm đất, mở rộng diện tích canh tác.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ An Giang có 80ha đất trồng lúa, đi đầu trong mô hình "Mặt ruộng không dấu chân" - Ảnh 2.

Đại diện Hội Nông dân huyện Tịnh Biên, Hội Nông dân xã Tân Lợi (tỉnh An Giang) đến chúc mừng ông Lê Thanh Long được Trung ương hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong số 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024. Ảnh: Hồng Cẩm

Rất may, trong giai đoạn đó dự án nghiên cứu hệ thống nông nghiệp Đồng Tháp Mười, do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng cũng được triển khai. 

Từ quyết sách đúng đắn, kịp thời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chỉ trong vòng 3 năm (từ năm 1997 - 1999), 3 tuyến Kênh T4, T5, T6 đã hoàn thành, nối liền từ kênh Vĩnh Tế băng qua vùng Tứ giác Long Xuyên, xuyên qua 2 tỉnh là An Giang và Kiên Giang đổ thẳng ra Biển Tây và diện tích đất của tôi như được thay máu. Đồng ruộng được tháo chua, rửa phèn, thoát lũ… nước ngọt, phù sa bắt đầu tràn đồng.

Cứ thế, từ vùng đất phèn hoang hóa gần như bị bỏ hoang, tôi đã có diện tích đất phù sa mà bao người mong ước. Từ đó, hàng năm năng suất lúa tăng lên qua từng mùa vụ. Sản xuất lúa có lời bao nhiêu tôi tích cóp đầu tư mua thêm đất. Đến năm 2017 tôi đã có tổng cộng 80ha đất trồng lúa, hiện nay năng suất trên 6 tấn/ha/vụ.

Cánh đồng lớn, mặt ruộng không dấu chân với máy bay không người lái

Tự nhận mình là người mê đất, đam mê trồng lúa, với diện tích 80ha đất ruộng ông Lê thanh Long vẫn giữ nguyên canh tác lúa không chừa một diện tích đất trống. 

"Trước đây khi chưa có công nghệ, máy móc phục vụ sản xuất, hàng năm bắt đầu vào mùa vụ, tôi thuê khoảng trăm lượt nhân công từ trà Vinh, Sóc Trăng về làm cho mình nên chi phí sản xuất lúa rất cao.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ An Giang có 80ha đất trồng lúa, đi đầu trong mô hình "Mặt ruộng không dấu chân" - Ảnh 3.

Tỷ phú nông dân Lê Thanh Long, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 là một trong những nông dân đầu tiên của tỉnh An Giang ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ và sản xuất lúa, trong đó có áp dụng máy bay không người lái (drone) trong sạ lúa, bón phân, xịt thuốc. Ảnh: Nguyễn Quang.

Từ khoảng những năm 2008, được sự hỗ trợ của địa phương tôi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào trong canh tác lúa. Từ đó tôi bắt đầu áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật với quy trình sản xuất mới, sản xuất theo chương trình "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", với những giống lúa chất lượng cao như: Đài thơm 8, OM18, OM5451… 

Từ đó đã tạo ra được những sản phẩm sạch và an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, đầu ra lúa của tôi cũng được các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Lộc Trời, Vĩnh Bình liên kết hợp tác tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình"- ông Lê Thanh Long nhớ lại.

Khoảng năm 2017, tỉnh An Giang triển khai mô hình ứng dụng công nghệ canh tác lúa an toàn, với mô hình "Mặt ruộng không dấu chân", ông Lê Thanh Long là một trong những nông dân đầu tiên của tỉnh này đi đầu áp dụng. 

Ngoài 2 máy cày, 2 máy gặt đập liên hợp, ông đầu tư mua 2 thiết bị bay không người lái (Drone). Mô hình Drone trong quá trình canh tác, giúp ông Long tiết kiệm lượng giống sử dụng, giảm lượng phân bón và thuốc hóa học, từ đó giảm chi phí sản xuất so với phương pháp truyền thống đáng kể.

"Nếu trước đây với 80ha đất sản xuất lúa, tôi sử dụng gần 100 lượt nhân công cho các giai đoạn từ làm đất đến thu hoạch, thì từ khi áp dụng công nghệ tôi chỉ cần 2 lao động để điều khiển 2 máy cày, 2 máy done và 2 máy gặt đập liên hợp là đủ. Nhờ ứng dụng công nghệ mỗi năm tôi giảm chi phí sản xuất (lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) hàng trăm triệu đồng"- ông Lê Thanh Long chia sẻ.

Hiện nay, với diện tích 80ha đất, ông Lê Thanh Long vừa sản xuất lúa hàng hóa, vừa sản xuất lúa giống. Ngoài ra, ông còn đầu tư diện tích 3,5ha đào ao nuôi cá tra bột và cá tra thương phẩm; xây dựng nhà yến gần 1.000m2. Doanh thu trung bình mỗi năm của ông Lê Thanh Long gần trên 9 tỷ đồng, lợi nhuận trên 4,862 tỷ đồng.

Với các dịch vụ nông nghiệp của gia đình ông Lê Thanh Long đã giải quyết việc làm đáng kể cho lao động tại địa phương. Số lượng lao động ông sử dụng (thường xuyên và mùa vụ) trên 30 lao động, với thu nhập người lao động bình quân trên 500.000 đồng/ngày.

Thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, xã Tân Lợi được giao thực hiện 300ha, ông Lê Thanh Long cũng là người đầu tiên đăng ký tham gia đề án này.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ An Giang có 80ha đất trồng lúa, đi đầu trong mô hình "Mặt ruộng không dấu chân" - Ảnh 4.

Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ và sản xuất lúa mỗi năm ông Lê Thanh Long - Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 giảm hàng trăm triệu đồng chi phí sản xuất. Ảnh: Nguyễn Quang

Sau 27 năm canh tác lúa, từ điều kiện khó khăn nhất đến đi đầu trong ứng dụng công nghệ, ông Lê Thanh Long được ví như 1 "kỹ sư chân đất", hàng ngày thăm đồng nhìn lúa phát triển là ông "bắt được bệnh". Từ kinh nghiệm của mình ông đã giúp đỡ về kỹ thuật cho 25 nông dân trong ấp, trong đó có 1 hộ nghèo, giúp các hộ dân canh tác hiệu quả, tăng thêm nguồn thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Sản xuất kinh doanh giỏi, ông và gia đình ông Lê Thanh Long không quên tri ân lại cho vùng đất đã cho gia đình ông có được như ngày hôm nay. 

Nhiều năm qua ông Lê Thanh Long luôn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội của địa phương. Hàng năm ông đóng góp kinh phí xây dựng cầu giao thông nông thôn, sửa đường, làm đường khu nghĩa địa nhân dân với tổng số tiền trên 470 triệu đồng. 

Bên cạnh, ông còn phối hợp với chính quyền địa phương vận động xây dựng xây cầu tổng giá trị 475 triệu đồng và nhiều quà Tết, quà Trung thu cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, các cháu thiếu nhi tại địa phương…

Bằng sức lao động cùng với những nỗ lực vươn lên không ngừng, trách nhiệm với địa phương, năm 2024 ông Lê Thanh Long vinh dự được địa phương đề xuất giới thiệu ông là Nông Dân Việt Nam xuất sắc 2024.

Ông Phạm Văn Thêm, Chủ tịch Hông dân xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang nhận xét: "Ông Lê Thanh Long là tấm gương hội viên nông dân tiêu biểu của xã cả trong sản xuất kinh doanh cũng như trong cuộc sống. Bản thân ông và gia đình luôn luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Về sản xuất ông là nông dân đi đầu trong ứng khoa học kỹ thuật, nên đầu ra sản phẩm ổn định, kinh tế gia đình phát triển đáng kể, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, ông còn tích cực tham đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội của địa phương, giúp đỡ hội viên nông dân khó khăn về kỹ thuật, cũng như về vốn để phát triển kinh tế gia đình".

Thành tích của ông Lê Thanh Long trong những năm qua:

- Năm 2008, được nhận bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khen, đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.

- Năm 2009, được nhận giấy khen Chủ tịch UBND xã Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.

- Năm 2009 - 2010, được nhận Bằng khen Hội nông dân Việt Nam, danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 2 năm.

- Năm 2012 được giấy khen UBND huyện về đóng góp tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xã Tân Lợi.

- Năm 2011 - 2012, được nhận Bằng khen Ban Chấp Hội nông dân Việt Nam, đã đạt xuất sắc trong phong trào thi đua Sản xuất – Kinh doanh giỏi 2 năm.

- Năm 2015 giấy khen chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên, Đảng ủy xã có đạt thành tích: Gương điển hình tiên tiến huyện Tịnh Biên giai đoạn 2015 – 2020, thực hiện tốt mô hình tổ liên kết sản xuất lúa.

- Năm 2017, Bằng khen chủ tịch UBND Tỉnh An Giang đã tích cực tham gia đóng góp trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

- Năm 2008, 2010, 2021, giấy khen chủ tịch UBND xã về công tác xã hội từ thiện.

- Năm 2021, ông Lê Thanh Long vinh dự đón nhận danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.

Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem