Dân Việt

Nông dân gượng dậy thế nào sau bão Yagi: Vựa trồng cây cảnh lớn nhất Nam Định chết dần, nông dân xót xa (Bài 7)

Mai Chiến 24/09/2024 05:40 GMT+7
Sau mưa lũ, ngập lụt kéo dài, hàng chục hecta trồng đào-loại cây cảnh chơi tết ở xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định bị chết dần, chết mòn. Vựa đào lớn nhất tỉnh Nam Định có nguy cơ bị "xóa sổ" tạm thời.

CLIP: Người trồng đào-loại cây cảnh chơi tết đang hot ở xóm Tiền Phong 2, xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định chia sẻ về những thiệt hại ban đầu do mưa lũ gây ra. Thực hiện: Mai Chiến.

Đào đổi màu lá, chết dần chết mòn

Xã Nam Mỹ (cũ), sau khi sáp nhập đổi tên thành xã Nam Điền - được coi là "vựa" đào tết lớn nhất ở Nam Định. Nghề trồng cây cảnh nói chung, trồng cây đào nói riêng ở Nam Mỹ đã có từ lâu. Nhờ bám vào cây đào, nhiều gia đình ở đây có "của ăn, của để".

Anh Nguyễn Văn Mạnh (xóm Tiền Phong 2, xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) gắn bó với nghề trồng đào tết gần 30 năm nay. Mỗi năm, vườn đào đem lại thu nhập cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng.

Vựa đào lớn nhất tỉnh Nam Định có nguy cơ bị "xóa sổ" tạm thời - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Mạnh (xóm Tiền Phong 2, xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) bên cây đào rừng đang bị thối rễ, rũ lá và sẽ chết trong thời gian tới. Ảnh: Mai Chiến.

Thế nhưng, năm nay sẽ là 1 năm thật buồn đối với gia đình anh. Trận lụt lịch sử kéo dài vừa qua đã gây ngập úng nhiều diện tích vườn đào của gia đình anh. Những cây đào đang ở độ tuổi cho "thu hoạch tiền" bị thối rễ, héo lá và chết dần. Nắng lên, đào thối bốc mùi tanh nồng.

Thời điểm khi nước sông lên nhanh, có dấu hiệu tràn nước vào vườn đào, anh Mạnh và người thân làm đủ cách như đắp bờ chống tràn, bơm nước…, nhưng sức người không thể chống trọi được với nước lũ. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, nước lũ đục ngầu màu phù sa đã "tấn công" vườn đào.

Những ngày sau, trời tạnh mưa, nước rút, để lộ ra lớp bùn nhão nhoét, phủ kín các gốc đào. "Nhiều gốc đào của nhà tôi đã và đang có dấu hiệu chết rồi", anh Mạnh vừa nói với chúng tôi vừa chỉ tay về phía những gốc đào đang chết dần, chết mòn.

Vựa đào lớn nhất tỉnh Nam Định có nguy cơ bị "xóa sổ" tạm thời - Ảnh 2.

Trong vườn đào của gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh (xóm Tiền Phong 2, xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) có nhiều cây đào rừng gốc to bị ảnh hưởng do mưa lũ. Ảnh: Mai Chiến.

Theo anh Mạnh, gia đình anh canh tác hơn 1 mẫu đào, với số lượng lên đến hơn 2.000 cây, phục vụ thị trường tết. Trong đó, chủ yếu là đào nuôi gốc bán cành; còn lại là đào rừng gốc to, anh chỉ cho thuê, chứ không bán.

Qua thống kê, nhà anh Mạnh có khoảng 1.000 cây đào gần 3 năm tuổi đã chết, không thể phục hồi lại được, số đào còn lại cũng đang sống trong tình trạng "ngắc ngoải" chưa rõ sống chết ra sao, vì vậy số lượng đào chết vẫn tiếp tục tăng.

Ngoài ra, trong vườn của gia đình anh Mạnh còn có gần 10 cây đào rừng nhiều năm tuổi, gốc to, bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, anh khẳng định không thể cứu chữa được nữa. Anh đang chờ nắng lên, cây héo hẳn rồi cưa bỏ cành, đào đất, đánh gốc vứt bỏ đi.

Vựa đào lớn nhất tỉnh Nam Định có nguy cơ bị "xóa sổ" tạm thời - Ảnh 3.

Nhiều diện tích đào ở Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định bị chết do ngập úng. Ảnh: Mai Chiến.

Với kinh nghiệm trồng đào lâu năm, anh Mạnh cho rằng, nếu đào bị ngập úng từ 1 - 2 ngày thì còn có cơ hội khắc phục, chứ ngập nhiều ngày liên tiếp thì chắc chắn đào sẽ thối rễ và chết, kể cả cây đào lâu năm cũng không ngoại lệ. Hiện, những cây đào trong vườn đang đổi màu lá và rụng đầy dưới gốc.

"Mỗi gốc đào gần 3 năm tuổi có giá bán dao động từ 300.000 - 400.000 đồng. Với số lượng khoảng 1.000 cây đào đã chết, thì gia đình tôi tạm tính mất trắng trên dưới 300 triệu đồng.

Còn những cây đào rừng, gốc to, nhiều năm tuổi, có giá dao động từ 10 - 15 triệu đồng/cây, ước tính thiệt hại trên 100 triệu đồng. Tính tổng thiệt hại, số tiền lên đến gần nửa tỷ đồng", anh Mạnh nhẩm tính thiệt hại sau mưa lũ.

Vựa đào tan hoang, có nguy cơ "xóa sổ" tạm thời

Đã hơn 10 ngày nay, 4 máy bơm công suất lớn, đặt ở các con mương, cạnh vườn đào xóm Tiền Phong 2 (xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, mỗi ngày tiêu tốn gần 2 triệu đồng tiền dầu.

Vựa đào lớn nhất tỉnh Nam Định có nguy cơ bị "xóa sổ" tạm thời - Ảnh 4.

Người trồng đào ở xóm Tiền Phong 2 (xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) tự bỏ tiền túi mua 4 máy bơm cỡ lớn để bơm nước, cứu đào. Ảnh: Mai Chiến.

Bốn máy bơm này được những người trồng đào ở đây đóng góp kinh phí, mua để bơm nước, cứu đào. Số tiền đóng góp được bổ theo diện tích canh tác, hộ nào diện tích vườn nhiều thì đóng nhiều, hộ nào diện tích vườn ít thì đóng ít. Chia đều bình quân 100.000 đồng/sào.

Mặc dù nhiều vườn đào bị ngập úng, có dấu hiệu thối rễ, héo lá và chết dần, song những ông chủ vườn đào ở làng trồng đào lớn nhất Nam Định vẫn hy vọng nước rút nhanh, cứu được cây đào nào hay cây đó. Còn nước, còn tát.

Ông Nguyễn Văn Liên (xóm Tiền Phong 2, xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) chia sẻ, sau khi bão Yagi tan, nước lũ chảy về sông dâng lên nhanh, chúng tôi đã cố gắng đắp bờ, chống nước tràn vào vườn, song nước lũ chảy về quá lớn nên mọi người không xử lý kịp.

Trước tình hình đó, bà con nông dân đã họp, kêu gọi đóng góp kinh phí mua 4 máy bơm và dầu, để bơm nước, cứu đào. Bốn máy bơm bắt đầu hoạt động, bơm nước ra sông lớn từ ngày mồng 9/9 cho đến nay.

Máy bơm hoạt động liên tục, 24/24h. Rất may, từ khi máy chạy chưa xảy ra sự cố hỏng hóc nào. Để trông coi máy, người dân còn dựng lán tạm, để thanh niên có chỗ ngủ, nghỉ trực máy vào ban đêm.

Vựa đào lớn nhất tỉnh Nam Định có nguy cơ bị "xóa sổ" tạm thời - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Liên (xóm Tiền Phong 2, xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) bần thần bên vườn đào đang rũ lá, héo chết. Ảnh: Mai Chiến.

Theo ông Liên, do mưa lũ kéo dài, toàn bộ vườn đào tết ở Nam Mỹ đều bị ảnh hưởng. Vườn nào ngập úng nhẹ thì thiệt hại khoảng 50%, còn vườn nào ngập úng nặng thì thiệt hại trên 80%, thậm chí có nhà vườn thiệt hại 100%.

Nhà ông Liên trồng gần 1.000 cây đào. Đến nay, các gốc đào ở độ tuổi từ 3 - 4 năm, thế nhưng trận lũ lụt xảy ra vừa qua đã "biến" vườn đào của nhà ông thành đống củi khô. Ông kiểm kê, toàn vườn có khoảng 150 cây là có cơ hội sống sót, còn lại đã thối rễ, héo lá và đang chết dần.

"Ước tính gia đình tôi thiệt hại khoảng 300 triệu đồng, một số tiền quá lớn đối với những người lớn tuổi đang làm nghề như tôi; từ giờ đến cuối năm, gia đình chưa biết lấy tiền ở đâu ra để trả nợ tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… ", ông Liên buồn bã nói.

Vựa đào lớn nhất tỉnh Nam Định có nguy cơ bị "xóa sổ" tạm thời - Ảnh 6.

Ông Hạ Văn Tạo (xóm Tiền Phong 2, xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) bẻ cành, đào gốc vứt bỏ, thu dọn vườn tược. Ảnh: Mai Chiến.

Cách đó không xa, gia đình ông Hạ Văn Tạo (xóm Tiền Phong 2, xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) cũng bị thiệt hại 400 gốc đào 3 năm tuổi. Ước tính thiệt hại gần 150 triệu đồng.

Những ngày qua, ông Tạo lủi thủi một mình ở ngoài vườn để bẻ cành, đào bỏ gốc chết, rồi thu dọn lại vườn tược. Ông dự tính, thời gian tới sẽ trồng ngô hoặc trồng rau ngắn ngày, nhằm kiếm thu nhập tạm thời.

Hiện, vườn đào giống của gia đình ông Tạo cũng đã chết sạch, ông chưa biết tìm kiếm nguồn cây giống ở đâu để ươm trồng, khôi phục lại vườn đào vào năm sau.

"Năm ngoái, thời tiết ấm, đào nở sớm, gia đình đã thất thu dịp cuối năm. Đến năm nay, do ngập úng, vườn đào chết hết sạch, gia đình lại mất trắng, buồn thật sự", ông Tạo buồn rầu chia sẻ.

Theo những người trồng đào nơi đây, do diện tích đào thương phẩm, đào giống bị chết nhiều nên sẽ phải mất thời gian rất dài mới khôi phục lại được những vườn đào tiền tỷ. Bởi thế, vựa đào lớn nhất tỉnh Nam Định có nguy cơ bị "xóa sổ" tạm thời, vườn tược trống hoắc.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND xã Nam Điền cho hay, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ, toàn xã có khoảng 75 ha trồng đào, quất bị ảnh hưởng, chết, trong đó diện tích đào bị chết chiếm phần lớn.