Hơn 2 năm trước, anh Tẩn Kin Vản, người dân tộc Dao ở xã Mường Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai) đi vay mượn, gom góp tiền cùng anh trai và 2 người họ hàng đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng 24 ao nuôi cá tầm. Năm nay, nhiều ao cá đã đạt trọng lượng trên 3kg đến gần 4kg, chuẩn bị được bán lứa đầu tiên.
Thế nhưng, giấc mơ làm ăn lớn, trở thành tỷ phú từ con cá tầm của người đàn ông dân tộc Dao đã phá sản chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Nước lũ đổ về cuồn cuộn, nhấn chìm toàn bộ khu ao nuôi, anh Vản cùng gia đình chỉ kịp chạy thoát thân. Khi lũ rút, anh Vản lặng người nhìn xác cá chết phơi trắng bụng cùng với bùn đất, đá hộc..., thiệt hại lên tới hơn 13 tỷ đồng.
Đầu năm 2024, ông Nguyễn Đức Chí, Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ sản Đức Chí ở thị tứ Hưng Đạo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) thả nuôi lứa cá giống tại khu ao nuôi rộng 85 mẫu nằm ngoài bãi sông Thái Bình, thuộc xã Đại Sơn. 20 triệu con cá giống các loại như chép giòn, rô phi, cá lăng, trắm cỏ, bống tượng, trị giá hàng chục tỷ đồng. Số cá này đang chờ để bán cho khách hàng.
Nhưng nước lũ sầm sập đổ về ngập hết bãi sông, chớp mắt toàn bộ số cá giống hơn 40 tỷ đồng của "tỷ phú cá giống" bị trôi theo biển nước. "Vua" cá giống bây giờ chỉ còn lại những ao nước đục ngầu, thi thoảng nổi lên vài xác cá chết đang thối rữa, bốc mùi hôi thối.
Còn ở thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), nhiều ngày nay gia đình ông Phạm Văn Dương vẫn đang còng lưng thu dọn bãi chiến trường bão lũ để lại: Toàn bộ 260 lồng cá bị bão đánh tan nát; những lứa cá giống mới thả, những con cá song nuôi nhiều năm nặng từ 3-10kg một phần chết, một phần thoát ra biển lớn. "Công sức 40 năm nuôi cá đã bị cơn bão đánh tan trong 4 tiếng. Hơn 25 tỷ đồng giờ không còn gì", ông Dương nói.
Chứng kiến những thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản của bà con những ngày qua, nhiều lần tôi tự hỏi, họ làm thế nào để sống tiếp? Bão lũ đã qua, những món nợ khổng lồ cũng sầm sập tới. Người giàu cũng như người nghèo, người làm ăn lớn cũng như nhỏ lẻ đều bị sốc vì mất mát quá lớn.
Hơn lúc nào hết, điều mà những hộ nông dân, HTX cần nhất bây giờ là sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là các chính sách từ Chính phủ, được ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, tạo điều kiện về vốn vay ưu đãi để họ có cái mà bám víu, làm lại từ đầu.
Nhưng hỗ trợ với mức như thế nào, ưu tiên cái gì, ở đâu?
Để trả lời câu hỏi này, chính quyền địa phương, cơ quan ban ngành phải xác định được người dân cần gì, nếu là cây - con giống thì bà con cần giống gì, chứ không phải chúng ta có gì là đem hỗ trợ bà con thứ đó.
Ông Nguyễn Văn Thìn, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Vân Hải (Vân Đồn, Quảng Ninh) tâm sự với người viết, giờ ai cũng mong ngóng hỗ trợ. Song nếu chiếu theo mức hỗ trợ thiệt hại của nhà nước hiện nay thì rất thấp, như muối bỏ biển.
Cụ thể, theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, đối với lồng, bè nuôi trồng ngoài biển (xa bờ, ven đảo) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 15.500.000 - 20.000.000 đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng/100 m3 lồng. Diện tích nuôi trồng các loại thủy, hải sản khác bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 4.100.000 - 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng/ha.
"Nhiều hộ không thể khôi phục sản xuất, bởi tài sản nhà cửa đều đã thế chấp trong ngân hàng. Họ không còn gì nữa rồi. Để làm lại từ đầu cần rất nhiều thứ, không thể chỉ vài chục triệu mà khôi phục được mà ít cũng phải vài trăm triệu", ông Thìn nói.
Chưa kể, việc tính theo hecta hoặc m3 cũng chưa phù hợp, do mỗi loài thủy sản có hình thức nuôi riêng, chi phí đầu tư/mật độ nuôi khác nhau nên mức độ thiệt hại rất khác nhau. Nghị định 02 cũng chưa có mức hỗ trợ khi sản xuất giống bị thiệt hại do dịch bệnh.
Chính vì những bất cập này mà sau 7 năm có Nghị định 02, chưa tỉnh nào triển khai hỗ trợ được cho thiệt hại do dịch bệnh thủy sản, nên có thể nói chính sách này không đến được với người nuôi trồng thủy sản; chưa hỗ trợ được người nuôi khôi phục sản xuất dù khó khăn, thiệt hại lớn.
Theo rà soát của Bộ NNPTNT, Nghị định cũng chưa quy định hỗ trợ đối với một số loại cây trồng như cây dược liệu, hoa, cây cảnh, cây trồng hàng năm như chuối, dứa, sắn... Chưa có quy định về hỗ trợ diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp, sạt lở. Chưa quy định hỗ trợ với nhà kính, nhà lưới... Chưa có quy định hỗ trợ tàu cá bị thiệt hại do thiên tai… Do không thuộc diện chính sách, nên rất nhiều bà con bị thiệt thòi.
Đó là chưa kể, từ chính sách cho tới triển khai thực tế vẫn có khoảng cách "rất xa", ngốn thời gian do nhiều thủ tục giấy tờ và phải qua 6 khâu. Ước tính thời gian thực hiện tất cả các công đoạn có thể lên tới gần 3 tháng hoặc dài hơn.
Điều này đi ngược với mục đích của việc hỗ trợ là giúp cơ sở sản xuất nông nghiệp sớm khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh. Và nông dân, HTX thì không thể ngồi đó chờ nhận tiền.
Tôi được dự một cuộc họp về giải pháp khôi phục thiệt hại sau bão lũ do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, đại diện một doanh nghiệp tâm sự: Nông dân, chủ trang trại, HTX là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất do bão Yagi gây ra, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng thiệt hại không kém, đặc biệt là các đơn vị nuôi trồng, chế biến thủy hải sản.
Một mặt, họ vừa phải hỗ trợ nông ngư dân, một mặt bản thân họ phải gồng gánh, đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, bởi sau họ là miếng cơm manh áo của hàng chục, hàng trăm người lao động đang ngóng vào.
Nhiều người nghĩ rằng doanh nghiệp có nhiều tiền hơn nông dân thì khắc phục thiệt hại sẽ nhanh hơn, có thể điều đó đúng, nhưng cũng cần tính đến các trường hợp bị thiệt hại quá nặng nề nhằm đảm bảo tính công bằng trong xã hội. Đáng nói, thời điểm này là cao điểm sản xuất và xuất khẩu để doanh nghiệp hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế năm. Do vậy, họ cũng cần tiếp thêm "liều thuốc" để công cuộc tái thiết nhanh hơn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trước mắt, Chính phủ có thể ban hành những gói hỗ trợ nhanh nhất như hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng trong khoảng 4 đến 6 tháng; giảm các khoản nộp bảo hiểm xã hội, phí công đoàn nộp lên cấp trên; cắt giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà.
Cũng tại cuộc họp này, đại diện Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, họ đã chuyển "tiền tươi" vào tài khoản của các ngư dân, HTX bị thiệt hại nhằm hỗ trợ bà con nhanh nhất...
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/9/2024 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ cũng như hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho người nông dân trắng tay sau bão lũ; trong đó yêu cầu Bộ NNPTNT khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2017/NĐ-CP; đồng thời kêu gọi người nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp... tiếp tục phát huy tính tự lực, tự cường, sáng tạo chủ động khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức...
Người dân Việt Nam đã nhiều đời quen với lam lũ, trải qua nhiều đau thương mất mát do chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt, dường như họ lại thêm phần lì lợm, kiên cường. Dù "thương tích" đầy mình cả về vật chất, tinh thần, nhưng với bản năng sinh tồn mạnh mẽ, khát khao làm giàu, nông dân vẫn không ngừng nuôi hy vọng về một mùa vụ mới thắng lợi.
Như anh Tẩn Kin Vản, giờ nợ ngập đầu, nhưng hôm trước tôi gọi điện hỏi thăm, thật ngạc nhiên anh nói đã dọn dẹp xong một số bể nuôi cá, chuẩn bị thả nuôi 50.000 con cá tầm giống từ sự hỗ trợ của bạn bè trong hội nuôi cá...
Hay ông Lê Quang Thắng, doanh nhân từng được vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 ở Quảng Ninh, người bị bão Yagi đã "thổi bay" 39ha rau sạch trồng theo công nghệ Nhật Bản, vẫn mạnh mẽ khẳng định với người viết: Mất thì làm lại, tôi sẽ khởi nghiệp lần nữa!