Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cây đổ nhưng cành không gẫy; cây bằng bắp đùi rễ như rễ hành
Thầy tôi, thi sỹ Nguyễn Quang Thiều, đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, có câu thơ ám ảnh: "Em tựa vào anh, anh tựa vào cay đắng". Mỗi lần "đi lạc" trong những cánh rừng tuyệt mỹ nào đó trên thế giới này, tựa vào một gốc cây, nương bóng mát dưới một tán cây, tôi đều nghĩ tới câu thơ tình kia. Chẳng hiểu vì sao nữa! Nhưng giờ, sau siêu bão Yagi, có lẽ tôi không dám "dại dột" tựa vào gốc cây nào nữa...
Tại Hà Nội, đã có những sinh linh chết vì cây đổ trong siêu bão Yagi. Tuy mới là cơn bão số 3 trong năm 2024, nhưng siêu bão đã khiến cho hơn 17.400 cây xanh của Thủ đô phải ngã gục. Cùng với đó, nhiều ô tô và tài sản hư hại do cây xanh đè lên. Có bao nhiêu tàng cây ngã đổ do bão ác? Và bao nhiêu cây đô thị gây hoạ do sự phách lối của con người?
Hẳn rồi, bão dữ, các loài được mệnh danh là cứng như sắt, "ngại gì gió, ngại gì mưa" giữa rừng già như cây nghiến, cây tùng, cây bách còn đổ rạp. Huống hồ sung, si, đa, đề, lộc vừng, xà cừ trên phố xá, "các cụ" đã bao năm ngắc ngoải vì bê tông xâm lấn, vì bị đứt rễ do đào đường, chôn dây cáp, nghĩ cớ lát lại vỉa hè liên hồi kỳ trận; thậm chí các vị ấy còn bị đổ cả dầu luyn, đóng cả cọc sắt vào thân xác vì các ham hố trục lợi của người đời.
Hẳn rồi, cây xanh đô thị sẽ có sức đề kháng kém cỏi trước mưa gió bão bùng hơn cây của đại ngàn. Nhưng cũng đừng vì thế mà đổ cả tội cho trời đất, cho biến đổi khí hậu, cho các điều bất khả kháng khác...
Sáng 8/9/2024, người Hà Nội nín thở nhòm qua ô cửa thăm dò, thận trọng bước ra ngoài đường, ngắm hậu quả của cơn bão khi nó đã đi qua. Theo lời báo chí đăng: Mười mấy nghìn cây xanh ngã đổ, bao nhiêu xe ô tô và tài sản bị đè bẹp...
Tôi đi dò dẫm dọc các con đường trên Quận Cầu Giấy, Hà Nội và rồi bất đồ nhận ra: Ở rừng, ở quê tôi, cây mà đổ do gió bão thì sẽ gẫy cành, gẫy ngọn trước đó. Bung được gốc một cái cây to, khó lắm. Chứ đằng này, 100% cây ở khu tôi khảo sát đều đổ kềnh, bung gốc, trong khi cành lá chẳng việc gì, có chăng thì bật gốc rồi, lúc tán cây đổ ùm nặng nề rồi, cành mới gẫy chút ít (?)
Vì sao các gốc cây bị ngã đổ xếp hàng la liệt như các dũng tướng chết trận kia, chúng không hề có cái rễ nào to to. Rễ lam nham như rễ cây hành cả! Không rễ cái, chẳng rễ chùm, không rễ cọc.
Chưa hết, dừng xe, bới thử trong đám rễ nông choèn bung bửa tan hoang ra vỉa hè, thì ôi thôi: Rất nhiều tán cây to đùng không hề được cắt tỉa trước bão (để tránh tiết diện tán cây quá rộng, sẽ gánh "gió bão" mạnh hơn); trong khi gốc cây được bao bọc bởi tí tẹo đất, pha chạt, vữa, xi măng, gạch đá... tạp nham.
Tất cả đám đất lẫn lộn lổn nhổn ở gốc cây đó, chỉ bé bằng cái miệng thúng, dài hơn một gang tay người trưởng thành, tính từ mặt đất ở gốc cây tới phần sâu nhất mà lớp "rễ hành" lam nham vươn tới nổi. Rễ quá nông, bầu đất quá bé. Có vẻ như họ chỉ đặt bầu cây lên vỉa hè chứ chẳng chôn đào gì cả (?)
Bởi bốn bề là xây gạch, bên dưới cũng là gạch đá, bê tông vụn. Nhiều khu vực, mặt trên còn tráng lớp bê tông vôi vữa như nắp vung đậy kín. Rễ cây không thể nào vươn dài, vươn xa, hay đâm sâu xuống đất, cũng chẳng có dưỡng khí mà "thở" hay nhú lên mặt đất. Nặng ở phần tán lớn, nông ở phần chôn gốc, nông ở rễ, nhẹ bởi mấy thẻo đất bé như lưỡi mèo đổ quanh gốc. Cây ấy, chỉ cần mưa và gió giông lốc lớn chút cũng đủ đổ kềnh chứ đừng nói đến siêu bão kỷ lục mấy chục năm mới có một lần như Yagi.
Tôi moi thử bầu đất của một cây ngã đổ trên phố Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy, Hà Nội). Trừ những cây vẫn chưa hề xé bầu đất khi ươm, di chuyển (thì không còn gì để nói!); vài cây đã xé bầu thì dưới gốc cây toàn gạch đá to đùng, có cả chục viên gạch chỉ vàng ươm. Thêm rất nhiều cục vôi vữa, bê tông.
Có thể hình dung thế này mà không sợ sai: Cây xanh đô thị ấy to hơn cả bắp đùi người trưởng thành; tán của nó (tức là phần ngọn) xanh mướt và rộng tới mức đổ một cái là choán hết cả một con phố (không xe cộ nào đi qua nổi nữa).
Nhưng "bầu cây" (tức là phần đế) chỉ là vài lọn đất bé đến mức đặt trên cái ô vuông xây gạch trên vỉa hè cao độ hơn 20cm (hơn một gang tay người trưởng thành chút). Hầu như rễ cây chả vươn đi đâu cả. Bế cái bồn gạch đó đi, là tất cả đi theo. Dưới bồn gạch (chính là bề mặt của vỉa hè) toàn là gạch đá, nilon, chạt vữa.
Tóm lại, cây to đùng mà lớp rễ lam nham, tua rua như tóc bết của một người lâu không gội đầu thôi. Rễ không đâm đi đâu được. Và gốc rễ của cây cũng không hề chạm tới khu vực sâu bằng… mặt đường nhựa của con phố. Nó loanh quanh chỉ trên cái khu vực bê tông hoá của vỉa hè.
Phân tích kỹ như vậy, để nói rằng: Người ta đã trồng cây xanh đô thị và quản lý việc trồng cây xanh này quá hời hợt, vô trách nhiệm. Giờ cơn bão đã vạch ra cái "ổ con chuồn chuồn" ấy, cũng như bao lần đã vạch ra trước đây. Không có gì mới. Câu hỏi mới là: Người ta sẽ chấn chỉnh các bất cập kia thế nào?
Tôi nghĩ ta cần nghiêm khắc trước các dấu hiệu bất thường này. Vụ án liên quan tới cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội mới đây, liên quan đến đơn vị cung ứng chăm sóc cây xanh Thủ đô, với các đồ "cúng" cho nhà quan; rồi bảy trăm tỷ đồng chi ra để tỉa cây, cắt cỏ trên 24km Đại lộ Thăng Long mỗi năm; đặc biệt là món quà cảm ơn 2,6 tỷ đồng từ đơn vị chăm sóc cây xanh với "cán bộ" nọ. Toàn chuyện giờ ai cũng thấy buồn cười.
Nhưng bao năm nó vẫn là sự thật diễn ra hẳn hoi, giờ đi vào bản án. Vậy, ai đã thanh kiểm tra, ai đã không thật sự giám sát để rồi xảy ra chuyện bi hài đó?
Ở quê tôi, ai muốn đến trùng tu đình làng, người dân sẽ kiểm tra ngói, cầm hai viên ngói vả vào nhau mà vỡ đôi, sẽ mắng ngay: "Ngói non thế này, lợp lên mái đình, Thành Hoàng về "xử lý" con dân chúng tôi đó. Thay ngói".
Tôi trồng hàng cây ở đường vào làng. Cây trước miếu ở xóm. Làng yêu cầu tôi "bảo hành" cây phải sống, trồng thế nào dân quê tôi xem kĩ, một mùa cây ra hoa bất thường, các bô lão cũng họp lại tìm nguyên nhân. Họ coi đó là cây xanh của mình và sự an nguy của các công trình, tài sản đó liên quan đến danh dự, tính mạng của họ.
Còn ở Hà Nội, tôi không biết việc trồng cây gì, trồng thế nào ở phố tôi sống và thành phố tôi gắn bó hơn 30 năm. Cho đến khi bão về và sự thật trơ gốc ra. Và nếu không có "bàn tay thép" làm rõ trắng đen, nhứng điều cay đắng này còn tái diễn đến bao giờ?
Quả thật, nếu chỉ nhìn màu xanh, đếm cây xanh mà hài lòng, thì qua thời gian, cây càng to lớn - cái gốc không có rễ "cái", rễ "cọc", không thể đâm qua xi măng, gạch đá, bê tông mặt đường, mặt vỉa hè mà vững chãi thêm – thì cây lại càng "nặng bồng nhẹ tếch", càng dễ đổ hơn khi có tác động từ gió, mưa, giông lốc... Và khi cây càng to bị ngã đổ thì hậu quả cho cộng đồng càng lớn.
Thế nên, tăng cường giám sát và tăng cường "hậu kiểm", truy cứu trách nhiệm (kể cả hình sự) các đơn vị làm ăn tắc trách để "noi gương", là điều cấp thiết lúc này. Đây không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là bài toán bảo vệ tính mạng và tài sản của cả cộng đồng - như những gì cơn bão Yagi vừa mới góp phần "vạch mặt"!
Tôi và chắc là cả bạn nữa, dường như tất cả chúng ta, vẫn quen với việc trước phố mọc lên hàng cây nào đó xanh mướt. Chẳng biết chúng được trồng lúc nào, trồng theo cách nào, có an toàn, đúng quy cách hay không...? Bởi ta cứ nghĩ đó là việc nhà nước đã "phân công" cho ai đó rồi và ta cứ thụ hưởng khi nó tươi tốt, hoặc chịu trận khi nó ngã đổ mà thôi.
Siêu bão Yagi đổ bộ vào Thủ đô làm chúng ta "mất" đi hơn 17.400 cây xanh. Nhưng cái chúng ta sẽ "được" chính là cách nhìn nhận nghiêm túc hơn, chặt chẽ và chuyên nghiệp hơn về quy trình trồng và chăm sóc cây xanh đô thị, quy trình giám sát bài bản hơn và minh bạch hơn bằng sự tham gia của cộng đồng đối với hàng vạn "lá phổi" của thành phố - nơi đem lại cho chúng ta không chỉ bóng mát mà cả sự thanh bình trong tâm hồn mỗi người, chứ không phải là nỗi bất an mỗi khi trái gió trở trời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.