Dân Việt

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Thái Bình: Mức hỗ trợ rủi ro sau thiên tai cho nông dân rất thấp

Trần Quang ghi 26/09/2024 09:41 GMT+7
Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, anh Nguyễn Văn Thắng, nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 ở Thái Bình cho biết, hiện nay chính sách hỗ trợ rủi ro, thiệt hại cho nông dân sau thiên tai rất thấp nên cần chỉnh sửa, bổ sung, nâng mức cao hơn để bà con sớm khôi phục lại sản xuất nhanh và hiệu quả hơn.

CLIP: Anh Nguyễn Văn Thắng, nông dân trồng hương thảo, chưng cất tinh dầu hương thảo và là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 ở Thái Bình rất mong nhà nước sớm nâng mức hỗ trợ rủi ro sau thiên tai cho nông dân.

Hôm chúng tôi đến, vợ chồng anh Thắng, Giám đốc HTX Hoàng Minh ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đang dọn dẹp lại nhà cửa, vườn sau cơn bão số 3. 

Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, anh Thắng cười bảo: "Sau bão nhà cửa bộn bề quá, thấy cái gì cũng muốn dọn, muốn sửa nhà báo ạ!".

Anh Thắng cho biết, dù không nằm trong tâm bão nhưng Thái Bình cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại khá nặng. Riêng, gia đình anh bị gió bão thổi bay nhiều mái chuồng trại, nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng nặng... Ước tính thiệt hại lên đến cả trăm triệu đồng.

Tuy vậy, khi nói chuyện với chúng tôi, anh Thắng vẫn rất lạc quan. "Bão số 3 năm nay lớn khủng khiếp chưa từng có. Dù chưa vào tâm bão nhưng chúng tôi vẫn thấy gió lớn như cuồng phong, mưa xối xả nhiều giờ liên tục gây ngập lụt khắp nơi. Cũng may ở Thái Bình không có thiệt hại về người. Còn người còn của, tài sản, hoa màu mất đi, hỏng rồi mình làm lại được nên vợ chồng tôi không buồn mà chỉ động viên nhau cố gắng hơn".

Theo anh Thắng, hiện nay, trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhà nước đã có Nghị định 02/2017/NĐ-CP với những chính sách hỗ trợ người dân, HTX khôi phục sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Sau 6 năm triển khai Nghị định, không ít người dân, HTX đã được hỗ trợ kịp thời để khôi phục sản xuất sau thiên tai. Tuy vậy, trong nghị định trên vẫn tồn tại những bất cập, hạn chế nhất định khiến nhiều HTX vẫn chưa thật sự thuận lợi trong tái thiết sản xuất.

Anh Thắng và các thành viên đã nghiên cứu Nghị định số 02 và được biết Nhà nước có hỗ trợ cho đối tượng rau màu nhưng nhìn chung, chính sách hỗ trợ còn rất thấp.

Cụ thể là diện tích rau màu các loại bị thiệt hại trên 70% thì mức hỗ trợ mới dừng ở 2.000.000 đồng/ha. Còn nếu diện tích rau màu bị thiệt hại từ 30% - 70%, mức hỗ trợ chỉ là 1.000.000 đồng/ha.

Cũng theo anh Thắng, đối với các nhà lưới trồng rau khi bị thiệt hại nhưng khi chiếu theo chính sách hỗ trợ tại Nghị định 02 thì chưa có quy định cụ thể cho diện tích xuất nhà màng, nhà lưới. Trong khi đầu tư nhà màng, nhà lưới cần nguồn vốn rất lớn.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Thái Bình: Cần điều chỉnh mức hỗ trợ rủi ro sau thiên tai cho nông dân - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thắng thành công với mô hình trồng cây hương thảo, chưng cất tinh dầu hương thảo ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Trong ảnh, vợ chồng anh Thắng đang chăm sóc cánh đồng trồng hương thảo-một loại cây dược liệu cho tinh dầu thơm.

Bên cạnh đó, Nghị định này cũng chưa đề cập đến một số đối tượng sản xuất như nghề trồng hoa, cây cảnh… mà chỉ tập trung vào một số đối tượng cây trồng, vật nuôi truyền thống như lúa, rau màu, thủy sản, lâm nghiệp, nghề muối, gia cầm, gia súc.

"Qua đó có thể thấy, ngay trong Nghị định 02 đang tồn tại những bất cập trong thực tiễn triển khai và cần phải có những điều chỉnh, thay thế để phù hợp với thực tiễn sản xuất một cách nhanh chóng hơn nữa", Giám đốc HTX Hoàng Minh kiến nghị.

Theo anh Thắng, sau thiên tai, việc dồn lực để hỗ trợ HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX vượt qua khó khăn, từng bước khôi phục sản xuất là nhiệm vụ rất cấp bách. 

Thực chất, trước đó, Bộ NNPTNT đã có dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 02 nhưng theo không ít HTX, dự thảo này cũng mới chỉ tập trung vào mức hỗ trợ đối với cây trồng là lâm nghiệp, và vật nuôi là thủy hải sản, sản xuất muối. Còn đối với đối tượng là gia súc, gia cầm thì mức hỗ trợ vẫn giữ nguyên. Điều này chưa tạo được sự công bằng và gây ra sự khó khăn cho nhiều HTX chăn nuôi.