Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Huế là một tỷ phú nuôi thủy sản kiểu "lung tung", thu 23 tỷ/năm

Trần Hòe Thứ ba, ngày 24/09/2024 18:54 PM (GMT+7)
Mô hình nuôi thủy sản xen ghép (tôm thẻ, tôm sú, cua, cá dìa, cá đối), kinh doanh vật tư nuôi thủy sản, anh Trương Ngọc Nhật, xã Phú Gia, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) là tỷ phú có doanh thu 23 tỷ đồng/năm. Anh Nhật là một trong 63 nông dân trên cả nước được bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".
Bình luận 0

Trở về làm giàu trên mảnh đất quê hương

Đến xã Phú Gia, hỏi về anh Trương Ngọc Nhật, từ người lớn cho đến trẻ nhỏ hầu như ai cũng biết. 

Anh Nhật nổi tiếng ở địa phương không chỉ vì làm kinh tế giỏi mà còn bởi anh có tấm lòng nhân ái, luôn đi đầu trong hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn vươn lên. 

Chính vì vậy mà những câu chuyện về anh được người dân nơi đây kể cho tôi bằng sự ngưỡng mộ, tự hào.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Huế, tay trắng trở thành ông chủ có doanh thu 23 tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Tại xã Phú Gia, anh Trương Ngọc Nhật đã sở hữu đến 30 hồ nuôi thủy sản theo hình thức nuôi xen ghép các loại như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá dìa, cá đối, cua biển cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi xen ghép thủy sản của anh Nhật ở xã Phú Gia (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh: Trần Hòe.

Ngôi nhà khang trang của gia đình anh Nhật nằm ở mặt tiền tuyến đường lớn san sát hàng quán kinh doanh. 

Một phần diện tích mặt tiền của ngôi nhà được gia đình anh làm đại lý vật tư nuôi trồng thủy sản. 

Đối diện nhà là các cơ sở kinh doanh của gia đình anh. Cuộc trò chuyện giữa tôi với anh liên tục gián đoạn bởi nhiều người dân đến mua hàng hoặc nhờ anh tư vấn chuyện nuôi tôm, cua, cá. 

Clip: Mô hình nuôi thủy sản xen ghép (gồm nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi tôm sú, nuôi cá dìa, cá đối, nuôi cua biển) trong cùng một diện tích của anh Trương Ngọc Nhật-Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ xã Phú Gia (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Sau khi xuất ngũ, anh Nhật lập gia đình với hai bàn tay trắng. Với 0,3ha ao hồ nuôi trồng thủy sản thường xuyên xảy ra dịch bệnh, cuộc sống gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. 

Bế tắc trong phát triển kinh tế nên có thời điểm anh lặn lội vào vùng đất Tây Nguyên làm rẫy. Nhưng rồi khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương đã thôi thúc anh trở về khởi nghiệp bằng chính nghề nuôi trồng thủy sản mà anh đã từng thất bại. 

"Ở xã Phú Gia lúc bấy giờ tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản rất lớn, nhưng để thành công phải có hướng đi mới để vừa đạt năng suất cao vừa không bị dịch bệnh. 

Muốn vậy phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng một cách bài bản, chặt chẽ. Xác định như vậy nên tôi tập trung học hỏi các kiến thức khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản từ các mô hình thực tế cũng như qua các tài liệu, sách vở để xây dựng mô hình nuôi hiệu quả", anh Nhật kể.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Huế, tay trắng trở thành ông chủ có doanh thu 23 tỷ đồng/năm - Ảnh 2.

Mỗi năm anh Trương Ngọc Nhật thu hoạch 10 tấn tôm chân trắng, 5 tấn tôm sú, 54 tấn cá dìa, 30 tấn cá đối, chưa kể lượng lớn cua biển nuôi theo hình thức xen ghép. Ở địa phương, nhiều người ví anh Nhật "nuôi lung tung" mà thu tiền tỷ. Ảnh: Trần Hòe.

Ngoài nỗ lực học hỏi, nắm bắt khoa học kỹ thuật, anh Nhật còn "gặp thời" khi được các cấp Hội Nông dân và cơ quan khuyến nông hỗ trợ phát triển mô hình nuôi thủy sản xen ghép. 

Mô hình nuôi xen ghép tôm, cua, cá được anh chú trọng từ khâu xử lý môi trường, chọn con giống, thức ăn, cho đến hệ thống chứa nước cấp dự trữ nên cho năng suất cao và không xảy ra dịch bệnh.

Từ thành công với mô hình ban đầu, anh Nhật tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô diện tích hồ nuôi xen ghép. Anh hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản để ứng dụng công nghệ tiên tiến vào phát triển nuôi xen ghép. 

Với suy nghĩ muốn phát triển bền vững phải không ngừng học hỏi, nên năm nào anh cũng tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức ở trong và ngoài nước.

Mở rộng diện tích hồ nuôi qua từng năm, đến nay anh Nhật đã sở hữu 35 hồ nuôi thủy sản xen ghép, bình quân mỗi hồ nuôi rộng từ 3.000 đến 5.000m2. 

Trong đó tại địa bàn xã Phú Gia anh sở hữu 30 hồ nuôi, số hồ nuôi còn lại nằm ở ngoài xã. Hàng năm anh thả nuôi khoảng 100 triệu con tôm chân trắng, 10 vạn con tôm sú, 10 vạn con cua, 120 vạn con cá dìa, 10 vạn con cá đối.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Huế, tay trắng trở thành ông chủ có doanh thu 23 tỷ đồng/năm - Ảnh 3.

Doanh thu đạt được từ mô hình nuôi thủy sản xen ghép của anh Trương Ngọc Nhật là 11 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 2 tỷ đồng/năm. Đây chỉ là doanh thu nuôi thủy sản xen ghép, chưa kể tới doanh thu từ kinh doanh vật tư ngành nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trần Hòe.

"Với quy mô diện tích lớn nên hiện mỗi năm tôi thu hoạch 10 tấn tôm chân trắng, 5 tấn tôm sú, 54 tấn cá dìa, 30 tấn cá đối, chưa kể lượng lớn cua. 

Doanh thu đạt được từ mô hình nuôi xen ghép là 11 tỷ đồng, lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm", anh Nhật chia sẻ khi dẫn tôi tham quan các hồ nuôi trải dài hút tầm mắt của gia đình anh nằm bên phá Tam Giang. 

Đưa thương hiệu cá đặc sản xứ Huế vươn xa 

Thành công của mô hình nuôi thủy sản xen ghép của anh Nhật đã mở ra hướng đi mới hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở xã Phú Gia cũng như huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Trước việc mô hình nuôi xen ghép ngày càng lan tỏa, nhu cầu vật tư phục vụ nuôi xen ghép ngày càng lớn, anh Nhật đứng ra mở đại lý cung ứng vật tư, con giống thủy sản cho người dân.

Hiện mỗi năm đại lý cung ứng vật tư, con giống thủy sản của anh Nhật có doanh thu 12 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí đạt lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng. Như vậy tổng doanh thu của gia đình anh hiện mỗi năm đạt 23 tỷ đồng, tổng lợi nhuận mỗi năm đạt 2,35 tỷ đồng.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Huế, tay trắng trở thành ông chủ có doanh thu 23 tỷ đồng/năm - Ảnh 4.

Đại lý cung ứng vật tư, con giống thủy sản của anh Trương Ngọc Nhật có doanh thu 12 tỷ đồng/năm. Ảnh: Trần Hòe.

Trong số các đối tượng thủy sản đang được anh Nhật nuôi hiện nay, cá dìa là loài đặc hữu của vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Cá dìa có giá trị kinh tế cao nhưng để phát triển đầu ra bền vững cần xây dựng và lan tỏa thương hiệu loài cá này đặc sản này. 

Với tầm nhìn xa của mình, anh Nhật chung tay cùng Hội Nghề cá Thừa Thiên Huế xây dựng, phát triển thương hiệu "Cá dìa Tam Giang- Huế- Đặc sản đầm phá". 

Hiện anh đã xây dựng cửa hàng trưng bày, kinh doanh sản phẩm cá dìa tại xã Phú Gia để phục vụ nhu cầu tại địa phương và đang hướng tới phát triển thương hiệu ra thị trường trong nước cũng như quốc tế. 

Sở hữu đến 35 hồ nuôi cùng hệ thống cửa hàng cung ứng vật tư, con giống thủy sản cấp 1, cửa hàng kinh doanh cá dìa, hiện mỗi năm anh Nhật giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người. Ngoài ra, mô hình kinh tế của anh còn tạo việc làm thời vụ cho 40 lao động. 

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Huế, tay trắng trở thành ông chủ có doanh thu 23 tỷ đồng/năm - Ảnh 5.

Hiện mỗi năm có khoảng gần 200 lượt hộ dân được anh Trương Ngọc Nhật cho mua nợ vật tư, con giống với số tiền dao động từ 60- 100 triệu đồng/hộ. Ảnh: Trần Hòe.

Hơn 10 năm nay, mô hình nuôi xen ghép của anh trở thành hình mẫu để hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Phú Gia cũng như huyện Phú Vang học hỏi, áp dụng vào phát triển kinh tế. Anh luôn tích cực chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm nuôi thủy sản xen ghép đã học hỏi, tích lũy được để giúp hội viên nông dân và người dân vươn lên làm giàu. 

Tỷ phú nuôi thủy sản giàu lòng nhân ái

"Trước đây gia đình tôi cũng thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn. Khi xây dựng thành công mô hình kinh tế hiệu quả, tôi luôn suy nghĩ phải giúp đỡ cộng đồng, nhất là những hoàn cảnh kém may mắn. Nếu chỉ làm giàu cho riêng mình thì sự giàu ấy chẳng có ý nghĩa gì", anh Nhật tâm sự.

Cùng với chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, anh còn hỗ trợ người dân bằng việc cho mua nợ vật tư nuôi trồng thủy sản đến cuối kỳ thu hoạch mới thanh toán. 

Hiện mỗi năm có khoảng gần 200 lượt hộ dân được anh cho mua nợ vật tư với số tiền dao động từ 60- 100 triệu đồng/hộ. Sự hỗ trợ thiết thực này đã giúp hàng trăm hộ dân từ hoàn cảnh khó khăn đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Anh cũng là một trong những người luôn đi đầu trong tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện ở xã Phú Gia cũng như huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Năm nào anh cũng trích một phần lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh để tặng quà, hỗ trợ các hộ dân nghèo, cận nghèo và các hoàn cảnh kém may mắn ở trong và ngoài xã. Trong đó có 3 hộ dân hoàn cảnh khó khăn được anh nhận hỗ trợ kinh phí hàng tháng. 

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Huế, tay trắng trở thành ông chủ có doanh thu 23 tỷ đồng/năm - Ảnh 6.

Với tầm nhìn xa của mình, anh Trương Ngọc Nhật chung tay cùng Hội Nghề cá Thừa Thiên Huế xây dựng, phát triển thương hiệu "Cá dìa Tam Giang- Huế- Đặc sản đầm phá". Ảnh: Trần Hòe.

Làm kinh tế giỏi cùng với việc luôn đi đầu trong các hoạt động xã hội, từ thiện, những năm qua anh đã được nhiều cơ quan, ban ngành khen thưởng. Trong đó, anh được Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế khen thưởng danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2016 – 2019", UBND huyện Phú Vang khen thưởng danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2022", cùng nhiều giấy khen của Hội Nông dân huyện và UBND xã. 

Đặc biệt, năm 2024, anh là một trong 63 nông dân trên cả nước được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc".

Ông Đỗ Viết Tư- Chủ tịch UBND xã Phú Gia, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" phát triển mạnh mẽ trên địa bàn xã, trong đó anh Nhật là một trong những hạt nhân giúp lan tỏa phong trào này. Anh Nhật làm kinh tế táo bạo nhưng bài bản và là người rất nhiệt huyết trong các phong trào ở địa phương", ông Đỗ Viết Tư chia sẻ.  

Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.

Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem