Trai Thái Bình trồng hương thảo nấu tinh dầu bán ra nước ngoài là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
Chàng trai Thái Bình trồng loại cây thơm nấu tinh dầu bán ra nước ngoài là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024
Trần Quang
Thứ năm, ngày 26/09/2024 05:41 AM (GMT+7)
Mô hình trồng cây hương thảo, chế biến tinh dầu hương thảo bán ra nước ngoài của anh Nguyễn Văn Thắng, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Thắng là một trong 63 nông dân của cả nước được bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".
Clip: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Nguyễn Văn Thắng đến từ xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình trồng cây hương thảo, chưng cất tinh dầu hương thành công, đưa sản phẩm dược liệu này ra thị trường quốc tế.
Gặp Nông dân Việt Nam xuất sắc sau bão lũ
Đến xã Quỳnh Hồng hỏi thăm nhà anh Thắng ai cũng biết, nhiều người trong địa phương vẫn quen gọi anh là "Thắng dược liệu", bởi lẽ anh là người đầu tiên đưa cây hương thảo (một loại cây dược liệu) về trồng dưới đất lúa và mở ra hướng làm giàu mới cho bà con ở địa phương.
Hôm chúng tôi đến, vợ chồng anh Thắng đang dọn dẹp lại nhà cửa, vườn sau cơn bão số 3. Nói với PV Báo điện tử Dân Việt, anh Thắng cười bảo: "Sau bão nhà cửa bộn bề quá, thấy cái gì cũng muốn dọn, muốn sửa nhà báo ạ!".
Anh Thắng cho biết, dù không nằm trong tâm bão nhưng Thái Bình cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại khá nặng. Riêng, gia đình anh bị gió bão thổi bay nhiều mái chuồng trại, nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng nặng... Ước tính thiệt hại lên đến cả trăm triệu đồng.
Tuy vậy, khi nói chuyện với chúng tôi, anh Thắng vẫn rất lạc quan. "Bão số 3 năm nay lớn khủng khiếp chưa từng có. Dù chưa vào tâm bão nhưng chúng tôi vẫn thấy gió lớn như cuồng phong, mưa xối xả nhiều giờ liên tục gây ngập lụt khắp nơi. Cũng may ở Thái Bình không có thiệt hại về người. Còn người còn của, tài sản, hoa màu mất đi, hỏng rồi mình làm lại được nên vợ chồng tôi không buồn mà chỉ động viên nhau cố gắng hơn".
Anh Nguyễn Văn Thắng bỏ công việc văn phòng lương cao trên thành phố về quê xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình khai hoang trồng cây hương thảo-một loại cây dược liệu có tinh dầu thơm.
Dẫn chúng tôi thăm kho dược liệu nhưng chủ nhà nhắc khéo phóng viên không chụp ảnh vì đồ chạy bão còn bỏ bừa bộn khắp nơi.
Trên tường nhà kho hàng chục giấy, bằng khen, chứng nhận từ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp... vẫn được anh treo rất ngăn ngắn, cẩn thận.
"5 năm khởi nghiệp làm nông, dù lam lũ, vất vả, có khi bị vấp ngã bầm dập nhưng được các cấp chính quyền và khách hàng ghi nhận, động viên kịp thời nên đến giờ vợ chồng tôi vẫn thấy mình chọn đúng hướng, làm đúng nghề", anh Thắng bộc bạch.
Sau khi kết hôn, hai vợ chồng anh Thắng dẫn nhau lên Thủ đô lập nghiệp với công việc văn phòng. Anh Thắng kể, có thời điểm, hai vợ chồng có thu nhập lên đến vài chục triệu đồng/tháng nhưng ở trọ nhà phố chật hẹp, chi phí sinh hoạt lại đắt đỏ. Làm được vài năm, vợ chồng anh đành phải bỏ ngang, khăn gói về quê.
Sau vấp ngã thiệt hại tiền tỷ, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thắng lại khởi nghiệp làm lại và đến giờ đã thành công. Trong ảnh, vợ chồng anh Thắng đang chăm sóc cánh đồng trồng hương thảo-một loại cây dược liệu cho tinh dầu thơm.
Ngày vợ chồng kéo nhau về, bố mẹ và bà con làng trên xóm dưới đều bất ngờ. Vì công việc đang tốt, thu nhập nhiều người mơ ước lại bỏ về làm nông. Nhiều ngày đầu về quê, vợ chồng anh còn bị mọi người mắng vì nghĩ bị điên, dở người.
Ngày đấy, "phong trào" bỏ ruộng ở quê của anh rộ lên khiến nhiều bờ xôi ruộng mật thành hoang phế cỏ mọc um tùm, nhiều người trẻ ở làng đi học đại học nhưng đa phần các học sinh vừa tốt nghiệp cấp 3 hoặc học hết cấp 2 cũng tìm việc ở các công ty, khu công nghiệp hết. Làng quê hoang vắng, chỉ còn toàn người già, trẻ nhỏ.
"Mỗi lần về quê chứng kiến ruộng vườn từng một thời nuôi sống biết bao nhiêu thế hệ nay bị bỏ hoang, chúng tôi rất xót xa và mong muốn, khao khát muốn làm gì đó để thay đổi quê hương", anh Thắng nhớ lại.
Vượt lên sau "vấp ngã" tiền tỷ
Anh Thắng kể. Năm 2021, sau nhiều năm làm việc trong một công ty chuyên về dược phẩm, anh được tiếp xúc và biết đến loài cây hương thảo.
Anh nhận thấy đây là loại cây rất phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, anh đã quyết định từ bỏ công việc lương cao để về quê khởi nghiệp.
Xuất phát điểm với số vốn ít ỏi, để có đất sản xuất, anh Thắng đã nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương thuê gom lại các diện tích đất đang bỏ hoang hoặc sản xuất kém hiệu quả ở địa phương khoảng 10ha, đồng thời nhập giống chất lượng cao về trồng.
Những ngày đầu khai hoang, không thuê được người, hai vợ chồng anh làm cả ngày, đêm. "Từ nhỏ đi học đến khi ra phố đi làm, chúng tôi luôn được bố mẹ cưng chiều nên không phải làm ruộng. Bởi thế nên những ngày đầu bắt tay vào làm nông thấy cực lắm! Trước tính mình cũng nhát, mỗi lần về quê, đêm tối không dám ra ngoài nhưng đến khi vào việc làm cả đêm ngoài đồng gần khu nghĩa địa cũng không biết sợ", anh Thắng nhớ lại.
Khai hoang, làm đất xong, vợ chồng anh xuống giống hương thảo ngay. Ngày đưa giống mới xuống đất lúa, không có kỹ thuật nên anh vừa làm, vừa học khiến việc chăm sóc khó khăn nhưng hai vợ chồng anh vẫn kiên trì.
Nhưng nào ngờ, hương thảo đến đang vào độ xanh tốt lại gặp mưa bão gây ngập úng chết hàng loạt khiến vợ chồng anh "đứt từng khúc ruột".
"Gần 10ha dược liệu sắp đến ngày thu bị úng chết gần hết, hàng tỷ đồng cũng bốc hơi theo. Vừa khởi nghiệp đã thất bại thảm hại quá, vợ khóc lóc suốt ngày, không khí trong nhà khi ấy như có đại tang", anh Thắng kể lại.
Sau vấp ngã tiền tỷ, toàn bộ vốn tích góp và vay mượn mất hết. Nhưng không nản lòng, anh lại động viên vợ, bố mẹ cầm cắm nốt tài sản để vay mượn làm lại từ đầu.
"Ngày ấy trong nhà còn gì đáng giá, vợ chồng tôi vét hết để bán lấy vốn khởi nghiệp lại. Mọi thứ cũng bế tắc nhưng thấy vợ chồng tâm huyết nên mọi người cũng thương nên cũng trợ giúp thêm", anh Thắng nói và cho biết, rút kinh nghiệm từ thất bại, làm lại anh chị chọn chân đất cao để trồng hương thảo.
Sau nhiều tháng cố gắng nỗ lực, đến khoảng năm 2021, vợ chồng anh đã đón tin vui, vườn dược liệu cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Kể từ đó đến nay, diện tích hương thảo của anh Nguyễn Văn Thắng liên tục được nâng lên. Để nâng cao nội lực, phát huy tiềm năng của cây trồng mới, anh Thắng chủ động liên kết với các hộ dân cùng chí hướng, thành lập nên HTX Hoàng Minh. Hiện, vùng sản xuất của HTX đạt trên 10ha dược liệu.
Để đảm bảo chất lượng nguyên liệu, các hộ liên kết đều được HTX hướng dẫn về khoa học kỹ thuật tận tình. Theo anh Thắng, cây hương thảo có hương thơm đặc biệt, phù hợp với đồng đất địa phương, cho năng suất từ 80 - 100kg/sào. Không chỉ chiết xuất tinh dầu, cây hương thảo có thể làm cây cảnh, vừa đẹp vừa mang lại hương thơm tốt cho sức khỏe.
“Về cơ bản, cây hương thảo khá dễ trồng bởi nó có sức sống mãnh liệt, không cần nhiều nước, ít sâu bệnh. Nếu tuân thủ quy trình sản xuất, sau 4 tháng, cây bắt đầu cho thu hoạch, mỗi năm thu hoạch được 8 lứa. Năng suất đạt từ 1,3 - 1,5 tạ lá/sào/lứa, bán với giá 15.000 đồng/kg, mỗi năm cho thu nhập từ 16 - 18 triệu đồng/sào, tương đương giá trị 400 - 480 triệu đồng/ha”, anh Thắng chia sẻ.
Theo anh Thắng, hương thảo là cây ưa sáng, chịu úng kém, các thành viên trong HTX thường lên luống, trồng với mật độ 800 cây/sào, có thể sử dụng nilon phủ mặt luống nhằm hạn chế cỏ dại. Cành hương thảo sau khi thu hoạch được đem chưng cất lấy tinh dầu.
Trung bình 1 tấn hương thảo tươi chưng cất được 6 - 7 lít tinh dầu nguyên chất. Tinh dầu hương thảo có giá trị kinh tế cao trên thị trường thế giới, được dùng trong lĩnh vực y học, hương liệu, thực phẩm và mỹ phẩm.
Bên cạnh hơn 10ha của các hộ thành viên, HTX Hoàng Minh còn liên kết với nhiều nông dân trên địa bàn các huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Thái Thụy, Vũ Thư và tỉnh Thanh Hóa trồng và ký kết hợp đồng bao tiêu với giá ổn định giúp bà con có thu nhập tăng dần qua các năm.
Năm 2023, sản phẩm tinh dầu Hương Thảo của HTX Hoàng Minh được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Các sản phẩm của HTX đều có đầy đủ chứng chỉ, chứng nhận chất lượng, được đăng ký mã số, mã vạch, QR Code để truy xuất nguồn gốc và bảo hộ thương hiệu.
"Đến nay, trung bình mỗi năm HTX sản xuất được từ 50 đến trên dưới 100 tấn hương thảo và chiết suất hàng nghìn lít hương thảo đưa ra thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, HTX cũng luôn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương", anh Thắng Khoe.
Bên cạnh việc trồng, chế biến tinh dầu hương thảo, vợ trồng anh Thắng còn xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, cá và sắp tới anh còn có hướng mở thêm chuồng nuôi dúi.
"Làm nông nghiệp hiện nay rất vất vả, rủi ro cao, thu hồi vốn chậm nên phải đi bằng nhiều chân. Chân nào yếu thì có chân bên cạnh hỗ trợ sẽ an toàn và hiệu quả hơn", anh Thắng chia sẻ thêm.
Đến nay, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Nguyễn Văn Thắng, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình nhận được nhiều giấy khen, Bằng khen, nhiều giải thưởng từ các cấp trao tặng.
Ông Vũ Công Dựng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đánh giá: Anh Nguyễn Văn Thắng không chỉ là hội viên gương mẫu trong các hoạt động, phong trào của địa phương mà anh còn là gương sáng trong phát triển kinh tế với mô hình cây trồng mới mang lại thu nhập cao cho gia đình và tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân ở địa phương.
Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.
Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.