Nhà tôi ở 23 phố Hàng Bè, nay thuộc phường Hàng Bạc, Quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội. Năm 1945, khi ấy tôi còn bé, nhưng có mảnh ký ức vẫn ghim chặt hơn 80 năm qua.
Một buổi sáng Chủ nhật tháng 7, bố dắt tôi ra bờ hồ hóng mát và sang Vườn hoa Chí Linh (nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ) chơi. Vườn hoa Chí Linh nằm phía bên kia đường của bờ hồ Hoàn Kiếm. Từ nhà tôi ra đó chỉ mất vài phút đi bộ.
Bố tôi vừa dắt tôi đến đầu vườn hoa thì thấy một lính Nhật, đeo chiếc kiếm dài, tay dắt một con chó đen thui, nhẵn bóng, đi từ Nhà Dây thép ra (nay là Bưu điện cũ Hà Nội).
Ở công viên, la liệt người dân ăn mặc rách rưới, có người chỉ quàng bao tải rách, mặt mũi xám đen, chỉ thấy đôi mắt hốc hác. Trong đó, có người nằm im không động đậy, bố tôi bảo họ chết rồi.
Con chó đi qua, bỗng nôn thốc ra một đống lớn, tay lính Nhật dắt chó bỏ đi. Ngay lập tức 3 - 4 người lao đến, nằm bò bên đống nôn để ăn. Tôi sợ quá, không hiểu chuyện gì, ôm chặt lấy chân bố khóc ầm ĩ. Bố bế xốc tôi đưa về nhà. Trên đường về, tôi thấy bố cũng khóc, nước mắt rơi trên má tôi, lạnh buốt.
Cảnh tượng đó, đến bây giờ tôi vẫn sợ. Sao nhiều người khổ sở vậy, câu hỏi đặt ra trong đầu cô bé non nớt.
Vài năm sau, khi tôi lớn hơn một chút, bố tôi nhắc lại cảnh đó và giải thích cho tôi hiểu, đầu năm đó xảy ra nạn đói lớn nhất lịch sử Việt Nam. Người Pháp, người Nhật tranh giành Việt Nam, vơ vét thóc, lương thực, phát xít Nhật bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, ngăn sông cấm chợ.
Đến tháng 8/1945 Cách mạng Tháng Tám thành công, người dân Việt Nam giành lại độc lập, chủ quyền, người dân được tự do và thoát khỏi nạn đói. Nhưng chỉ hơn một năm sau, thực dân Pháp lại quay lại với dã tâm cướp nước ta một lần nữa.
Sau này, tôi được biết, khi đó cả nước đồng lòng, đoàn kết và cùng theo lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong ký ức của một đứa trẻ chưa được 5 tuổi, tôi chỉ nhớ gia đình tôi cùng khuân đồ đạc ra phố Hàng Dầu làm ụ súng. Bọn trẻ con như tôi được mẹ, các chị giữ rịt trong nhà. Kháng chiến kéo dài nhiều năm sau đó.
Trên các tuyến phố Hà Nội những năm đó vẫn còn lính Nhật, lính Pháp đi tuần. Bọn trẻ chúng tôi đứng nhìn chúng quát mắng, đánh người dân mình. Anh chị tôi đứng từ xa la mắng, nhưng không dám lại gần vì chúng có súng, có kiếm.
Cũng trong thời gian này, tôi thấy nhà mình có rất đông người lạ đến ở. Bố mẹ tôi tuyệt không nói hay kể đấy là ai, chúng tôi chỉ biết là "khách". Bố mẹ đưa họ vào một phòng, vốn là kho chứa đồ của gia đình đã được dọn sạch.
Kỳ lạ là, ở cùng một nhà nhưng anh chị em chúng tôi cũng chẳng mấy khi chạm mặt khách. Mãi sau này, sau khi Giải phóng Thủ đô, chúng tôi mới được giải đáp bí mật này.
Khi tôi học cấp 3, có mấy người vị khách quay trở lại thăm bố mẹ tôi.
Lúc này tôi mới biết, những người bí mật sống ở nhà tôi lúc đó có Đại tướng Văn Tiến Dũng; ông Nguyễn Dần; ông Vũ Thơ (sau này làm Bí thư Tỉnh uỷ Hòa Bình những năm 70) và còn có cả anh Nguyễn Việt Dũng (tên thật Nguyễn Tất Đại), con trưởng của bác ruột tôi (sau là Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước)…
Có lần gặp gia đình tôi, ông Vũ Thơ kể, hồi đó bố mẹ cháu giấu các bác cả ngày, các cháu đi học hoặc đến đêm mọi người ngủ say hết mới ra tắm rửa, vệ sinh. Cơm nước hàng ngày đều đưa vào trong phòng, nên không ai bị lộ mặt.
Có lần lính Pháp đến nhà, bố tôi ra nói chuyện bằng tiếng Pháp để thuyết phục chúng đi, không kiểm tra.
Năm 1991, bố mẹ tôi được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ký tặng bằng "Có công với nước" vì đã "tích cực giúp đỡ và bảo vệ Cách mạng ...".
Tôi không bao giờ quên ngày mùa Thu 10/10/1954, ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội. Một ngày trời nắng đẹp, gió nhẹ, bầu trời cao vời vợi, trong xanh, thỉnh thoảng có đám mây trắng nhẹ trôi làm tăng thêm vẻ quyến rũ, mê đắm của bầu trời thu.
Hôm ấy, như mọi ngày, tôi cắp cặp đến trường. Tôi vừa chuyển cấp học ở trường Nguyễn Huệ, phố Trần Nhật Duật - Hà Nội.
Khi chúng tôi đang học giờ Toán, bỗng thầy Hiệu trưởng bước vào lớp, trong tay cầm bó hoa rất to và đẹp, thầy nói rất to: "Hà Nội giải phóng rồi, các trò ơi. Chúng ta sẽ ra bờ Hồ Hoàn Kiếm đón bộ đội về giải phóng Thủ Đô".
Thế là lớp tôi, rồi các lớp xung quanh reo hò vang như sấm. Chúng tôi cùng nhau kéo xuống sân, xếp hàng đôi theo từng lớp, lên đường ra bờ hồ Hoàn Kiếm.
Dẫn đầu đoàn học sinh toàn trường là thầy Nguyễn Văn Quỳ - Giáo viên dậy nhạc. Trong bộ Comple trắng, vai thầy đeo cây đàn guitar, vừa đi vừa hát. Học trò chúng tôi từ lớp đệ thất (đi đầu), đến đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ, xếp hàng thứ tự đi bộ đến chỗ nhà máy Đèn (nay là Công ty điện lực Hà Nội ở Hồ Hoàn Kiếm).
Tất cả chúng tôi đi theo sự bắt nhịp của thầy Quỳ, hát vang bài "Đoàn Vệ Quốc Quân" của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Chúng tôi chờ một lúc, đến khoảng 9h30 - 10h00 sáng, chợt thấy từ phía phố Hàng Gai, nhà Thủy Tạ, mọi người reo hò vang: "Hoan hô bộ đội về giải phóng Hà Nội".
Và rồi từ phía Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào,… lớp lớp các anh bộ đội, vai đeo súng, đầu đội mũ cối có bọc lưới và gắn huy hiệu cờ đỏ sao vàng, xếp hàng rất thẳng, đầu ngẩng cao, bước đi rất oai tiến vào trung tâm thành phố. Chúng tôi reo hò, mừng vui, lạ lẫm xen lẫn cảm phục, tự hào.
Các anh bộ đội đẹp quá! Khuôn mặt rám nắng đều rắn rỏi, oai hùng. Các anh đem về Thủ đô một dáng hình mới, một vóc dáng mới. Sau này, được học bài thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, tôi mới hiểu sâu sắc câu thơ: "Nước Việt Nam từ trong máu lửa. Rũ bùn đứng dậy sáng loà".
Lũ học trò chúng tôi đang đứng chỉ trỏ chú này chú kia đẹp quá, cô giáo lớp tôi đến đặt vào tay tôi một bó hoa lay ơn rất đẹp, cô bảo tôi đem tặng các chú bộ đội.
Tôi vội ôm bó hoa chạy ra giữa đường, chạy theo hàng quân đang chỉnh tề bước đi rồi tặng cho một chú bộ đội ở giữa hàng.
Chú vui mừng nhận hoa rồi, bế tôi lên cảm ơn. Tôi xấu hổ, vội tụt xuống đất và chạy về lớp với các bạn. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác má tôi mát lịm khi chạm vào chiếc Huy hiệu trên ngực chú.
Mỗi lần nhớ về thời điểm đón đoàn quân chiến thắng trở về, chính thức giải phóng Thủ đô, tôi tự hào, xúc động lắm! Sung sướng lắm! Quả thật, làm sao có ngôn từ nào tả hết được cảm xúc vui sướng của người dân đã giành lại độc lập, tự do trên đất nước, trên Thủ đô của mình!
Đối với tôi, 70 năm là cả một đời người. Đến nay, Hà Nội đã 70 năm sống trong độc lập, tự do, dân chủ, hạnh phúc. Đó là cả một chặng đường lịch sử các thế hệ đi trước và chúng ta đã phải giành, giữ, bảo vệ, dựng xây bằng mồ hôi, máu, nước mắt!
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng