Ký ức Hà Nội: Nhiếp ảnh gia lưu giữ kho tàng ký ức về Thủ đô

Trần Văn Minh (Hà Nội) Chủ nhật, ngày 29/09/2024 14:53 PM (GMT+7)
Trong không gian sống hơn 10 mét vuông của vợ chồng nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng ở xóm Hà Hồi (quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) chứa nhiều bức ảnh quý, những chồng ảnh được ép plastic cẩn thận để gọn gàng trong căn phòng.
Bình luận 0

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng là một người dễ quen, dễ mến và dễ gần. Những người tập thể dục lâu năm ở xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm không lạ gì một cụ già, đầu tóc bạc phơ, khuôn mặt phúc hậu, lúc nào cũng nở một nụ cười thân thiện; một tay chống chiếc gậy, đi những bước già nua, chậm chạp, thi thoảng dừng lại, giơ bằng một tay chiếc máy ảnh nhỏ, tay còn lại giữ thăng bằng để ghi lại những khoảnh khắc mà ông cho là tâm đắc.

Ấy là cách đây hai, ba năm về trước, còn bây giờ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng đã bước sang tuổi 93, sức khỏe yếu, hai chân thường xuyên bị phù nề, ông không thể đi bộ lên bờ hồ Hoàn Kiếm được. Nhưng với niềm say mê với nhiếp ảnh, ông vẫn lững thững đi bộ ra phố Quang Trung, bán kính chưa đầy 1km quanh nhà là không gian để ông tiếp tục sáng tác. 

Lúc là một bức ảnh tĩnh vật về bông hoa hồng được trồng trong chậu cảnh của gia đình hàng xóm, những con ong đang miệt mài hút mật, lúc là những bức ảnh ghi lại nhịp sống đời thường, nhưng trong con mắt tinh tế của người nghệ sĩ tài hoa, bức ảnh thật sống động và chứa đựng cả nhân tình thế thái.

Tôi đến chơi với nghệ sĩ Quang Phùng, ông say sưa kể về những bức ảnh và câu chuyện ra đời của những bức ảnh ấy. Mở đầu là tập ảnh ghi lại khoảnh khắc bộ đội ta tiến vào giải phóng Thủ đô.

Ký ức Hà Nội: Nhiếp ảnh gia lưu giữ kho tàng ký ức về Thủ đô  - Ảnh 1.

Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc trẻ em vui đùa ở Hồ Gươm của nhiếp ảnh gia Quang Phùng. Ảnh tác giả cung cấp.

Ông nói: "Trước ngày tiếp quản, tôi mới là một thanh niên chừng 20 tuổi. Khi ấy, tôi biết đánh máy chữ, thạo cả tiếng Anh, tiếng Pháp, lại biết chụp ảnh nên tình nguyện giúp cách mạng. Tôi mang 10 cuộn phim đi chụp tất cả các địa điểm đồn trú của quân đội Pháp tại Hà Nội, giúp bộ đội xác định được địa điểm, thái độ của địch đã sẵn sàng buông súng, hợp tác với ta hay chưa, để còn có phương sách đối phó khi vào tiếp quản. 

Xong nhiệm vụ, tôi hòa vào dòng người Thủ đô, chờ sẵn ở cửa ô chào đón bộ đội trở về. Tôi đã ghi được những đơn vị bộ đội đầu tiên tiến vào giải phóng Thủ đô, cả những niềm vui của ngày đoàn tụ…". 

Nghệ sĩ Quang Phùng tiếp tục cho tôi xem rất nhiều những bức ảnh Hà Nội thời chống Mỹ, thời kỳ bao cấp, nhất là giai đoạn Đổi mới sau này. Những bức ảnh của ông đa phần gắn với Hồ Gươm, một địa điểm mà ông cho là "linh thiêng", là "hồn cốt" của Hà Nội. 

Trong số hàng ngàn những bức ảnh đó, ông đã chọn lọc ra gần 100 bức ảnh tâm đắc để in vào cuốn sách ảnh "Dạo quanh Hồ Gươm", xuất bản song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Đây là cuốn sách ảnh ghi lại sự thay đổi của Hà Nội qua những cột mốc thời gian. 

Nếu ký ức về Hà Nội có thể bị phai nhạt qua thời gian, qua từng thế hệ, thì việc ghi ký ức Hà Nội bằng ảnh sẽ giúp cho các thế hệ sau này có thể hình dung, hiểu hơn về lịch sử, về văn hóa của Hà Nội qua từng thời kỳ một cách sinh động.

Nghệ sĩ Quang Phùng có một nguyên tắc bấm máy, đó là, ảnh phải kể được câu chuyện mà nó muốn truyền tải. Nếu bộ ảnh "Hoa rơi mặt hồ" mang thông điệp rõ nét về bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan xung quanh Hồ Gươm, thì bộ ảnh "Ma túy lộng hành giữa Thủ đô" lại mang tính cảnh tỉnh trước tệ nạn ma túy đang ngang nhiên tồn tại giữa trung tâm Hà Nội.

Để có những bộ ảnh làm nên tên tuổi của mình, nghệ sĩ Quang Phùng luôn tự nhận là một người yêu Hà Nội một cách "điên rồ". Tôi hiểu, sự "điên rồ" ấy chính là thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, cống hiến hết mình vì một tình yêu lớn lao với Hà Nội. Chỉ có một tình yêu như vậy, ông mới có thể thuộc từng gốc cây, từng mép nước xung quanh Hồ Gươm để nhận biết từng sự thay đổi nhỏ của nó. 

Ký ức Hà Nội: Nhiếp ảnh gia lưu giữ kho tàng ký ức về Thủ đô  - Ảnh 2.

Ảnh tác giả Trần Văn Minh (phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng nhiếp ảnh gia Quang Phùng. Ảnh tác giả cung cấp.

Chỉ có một tình yêu đủ lớn, ông mới đủ kiên nhẫn chờ đợi nhiều ngày, thậm chí là nhiều mùa cây hoa lộc vừng cổ thụ nở, để bắt đúng khoảnh khắc kỳ diệu hội tụ đủ sắc thơm cuốn hút đàn ong hút mật để bấm máy. 

Và cũng chính vì tình yêu với Hà Nội, muốn Hà Nội ngày một tốt hơn, văn minh, hiện đại, nghĩa tình hơn, mà ông đã chụp nhiều bức ảnh phản biện xã hội; trong đó, có những bức ảnh bất chấp nguy hiểm, đi theo những đối tượng nghiện ngập ma túy, để phản ánh thực trạng nhức nhối về ma túy giữa lòng Thủ đô…

Ghi nhận những đóng góp của Nghệ sĩ Quang Phùng với Hà Nội thông qua ảnh, ông đã vinh dự được nhận giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội (2013). Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2022), nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng được UBND thành phố Hà Nội xét tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú.

Dù trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, nhưng niềm đam mê nhiếp ảnh, được thăng hoa cảm xúc bằng tình yêu với Hà Nội trong ông suốt hơn 70 năm qua không hề thuyên giảm. Ông để lại cho những người yêu Hà Nội một bầu trời ký ức bằng ảnh, thì chính ông cũng là một phần ký ức gắn với Hà Nội chẳng thể nào bị lãng quên.

Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem