Trong không gian tĩnh lặng, anh Bùi Ngô Quyền (Long Biên, Hà Nội) chăm chú quan sát từng cử động nhẹ nhàng của những con sứa đang lơ lửng trong làn nước. Anh giới thiệu với phóng viên Dân Việt: “Quy mô trại sứa của tôi khoảng 120m2 với 40.000 con sứa. Trong đó, khoảng 80m2 được dùng làm nơi để cho sinh sản, nhân giống những con sứa nhỏ. Diện tích còn lại chứa 30 bể dùng để nuôi nhốt sứa đã trưởng thành. Ở đây có 18 giống sứa nước mặn và đều là sứa nhân tạo”.
Đến giờ cho ăn, anh Quyền dùng một chiếc ống hút nhỏ để nhẹ nhàng thả thức ăn vào bể. Có những lúc, anh dừng lại thật lâu chỉ để ngắm nhìn cách sứa vươn những chiếc tua mềm mại bắt lấy thức ăn. “Có hai dòng sứa chính, dòng thứ nhất là loại mini, thức ăn thông thường của chúng là artemia - loài giáp xác nhỏ sống ở nước lợ, mặn. Dòng thứ hai là loại sứa dây, sứa lớn, chúng ăn các loại động vật giáp xác nhỏ”, anh Quyền chia sẻ.
Thấy phóng viên đứng hồi lâu để quan sát một loài sứa có màu hồng đào đậm, anh Quyền liền cho biết: “Đây là loài sứa đặc biệt nhất mà bên tôi đang nuôi để bán, tên của chúng là 'tiểu hồng đào'. Nguồn gốc loài sứa này ở dưới đáy biển, môi trường sống có phần khắc nghiệt hơn, cụ thể là chúng sống trong nhiệt độ từ 10 - 13 độ C. Giá bán của những con sứa nước lạnh đó dao động từ 3 - 10 triệu đồng/con”.
Theo anh Quyền, những dòng sứa cơ bản cho người mới chơi sẽ rơi vào khoảng 65.000 đồng đến 300.000 đồng/con. “Mỗi năm, thu nhập của trung bình của tôi là khoảng 2 đến 3 tỷ đồng từ việc nuôi sứa. Tuy nhiên, số tiền tôi bỏ ra cũng không ít. Tính đến hiện tại, sau khoảng 5 năm bắt đầu nuôi sứa, tôi đã chi khoảng hơn 5 tỷ đồng cho công việc này. Trong đó, số tiền 2 tỷ đồng được sử dụng cho sứa và các thiết bị duy trì để chúng sinh trưởng và phát triển, còn lại hơn ba tỷ đồng được tôi sử dụng để phục vụ quá trình sinh sản, nhân giống sứa”.
Là một người nuôi sứa cảnh làm “thú cưng” được 4 năm nay, anh Vũ Tuấn Minh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Mình bắt đầu chơi sứa kể từ khi phải ở nhà nhiều do dịch Covid-19, lúc ấy mình không có nhiều hiểu biết về loài sinh vật này. Lần đầu tiên, mình nuôi được vài tháng tới mùa hè thì thấy sứa cứ "teo" dần đi, về sau tìm hiểu thì mới biết là trời nóng khiến nhiệt độ trong bể cũng cao theo, làm cho sứa bị yếu nên ăn ít rồi teo lại. Một lần khác, mình phải bỏ cả bể do sứa do vớt mạnh tay, khiến chúng bị thương”.
Anh Minh cho biết thêm: “Ở Việt Nam không có nhiều tài liệu nuôi sứa, anh phải tự tìm hiểu qua các website nước ngoài, dịch từng chữ từng câu ra một để tự tích lũy kinh nghiệm nuôi trong thời gian đầu. Dần dần, ngày càng có nhiều người mua loài sinh vật này về và xem như những "thú cưng" tại gia, do đó có nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội xuất hiện, nơi mà mọi người có thể chia sẻ kinh nghiệm nuôi và cho sứa sinh sản”.
Mong muốn cháu trai có thể thư giãn, giải tỏa căng thẳng sau thời gian học tập mệt mỏi, bà Nguyễn Thị Mai (60 tuổi, Đống Đa) đã quyết định tới trại sứa để tìm mua về làm cảnh. Bà Mai tâm sự: “Ngay từ khi xem được các video về sứa trên mạng xã hội, cả tôi và cháu tôi đều rất thích. Điều khiến tôi cảm thấy ấn tượng nhất là đây là một sinh vật không xương sống nhưng lại có khả năng di chuyển rất bắt mắt dưới nước, đặc biệt là một số con còn có khả năng phát sáng”.
“Tôi đã chuẩn bị một chiếc bể ở nhà và các dụng cụ nuôi đầy đủ, chỉ chờ mua sứa về nữa là có thể chơi được rồi. Dù đã tham khảo trước kinh nghiệm từ nhiều người nuôi sứa trên mạng xã hội, nhưng khi đến mua, tôi vẫn phải hỏi kỹ người bán để yên tâm hơn. Tôi sẽ mua vài con có giá thành rẻ trước rồi sau này khi đã quen cách nuôi thì sẽ chọn loại đắt tiền hơn”, bà Mai cho hay.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Bùi Ngô Quyền - người kinh doanh sứa cảnh tại Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm về một số điểm cần lưu ý khi nuôi sứa: “Trung bình tuổi thọ của sứa là 2 đến 3 năm. Để nuôi được một bể sứa thành công, theo tôi thấy có ba yếu tố quan trọng nhất. Thứ nhất là nhiệt độ, thứ hai là việc cho ăn thường xuyên. Thứ ba là người nuôi cần thay nước định kỳ. Bản thân con sứa ít gặp bệnh như cá, chỉ cần đáp ứng ba điều kiện trên là người nuôi có thể yên tâm”.
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, anh Quyền bộc bạch: “Thời gian tới, tôi muốn nuôi và cho sinh sản thêm nhiều dòng sứa khác, đặc biệt là những con có khả năng phát sáng được. Hiện tại, tôi đã có một trang trại ở Hà Nội và một trang trại ở TP.Hồ Chí Minh. Tôi hy vọng sẽ có một chuỗi trang trại nuôi sứa ở tất cả những tình thành của Việt Nam”.