Khát nước liên tục, gầy sút cân vì bệnh mà 7 triệu người Việt đang mắc

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 29/09/2024 06:33 AM (GMT+7)
Khát nước liên tục, 1 tuần sút hơn 2kg, khi đi khám, bệnh nhân không ngờ mình mắc bệnh đái tháo đường.
Bình luận 0

Tin từ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết, trung tâm vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường. Khi được chẩn đoán mắc bệnh, bệnh nhân rất sốc vì bản thân ông rất khỏe mạnh, 66 tuổi vẫn còn cơ bắp săn chắc. 

Bệnh nhân là ông C (66 tuổi, trú tại Cẩm Khê). Ông nặng 66kg, cơ thể săn chắc, khỏe mạnh nhưng chỉ trong vòng hơn 1 tuần lễ ông C đã giảm hơn 2kg, cảm giác háo nước khiến ông phải uống nước liên tục. 

Nhận thấy sự bất thường nên ông C quyết định đi khám bệnh. Nhưng khi được chẩn đoán đái tháo đường, ông vẫn cảm thấy khó tin. 

Kết quả xét nghiệm của ông C cho thấy, chỉ số đường máu tăng gấp 5 lần so với bình thường, HbA1c lên đến 14.6% (bình thường 4.2%-6.8%). 

Các bác sĩ đã đã dò liều để đưa chỉ số đường máu trở về mục tiêu. Bệnh nhân cũng được duy trì phác đồ điều trị đái tháo đường và được các bác sĩ tư vấn chế độ dùng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt sau khi ra viện nhằm kiểm soát đường huyết và hạn chế biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra.

Khát nước liên tục, gầy sút cân vì bệnh mà 7 triệu người Việt đang mắc- Ảnh 1.

Ông C khó tin khi bỗng nhiên mình bị đái tháo đường. Ảnh TTYT Cẩm Khê

Theo bác sĩ Vi Thị Thùy Dung (Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê), bệnh nhân mắc đái tháo đường dù ăn nhiều, uống nhiều nhưng vẫn sụt cân nhanh là do cơ thể thiếu insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả khiến đường trong máu tăng cao, lượng đường này lại không được vận chuyển đến tế bào để duy trì hoạt động. 

Do đó, cơ thể sẽ lấy năng lượng từ mô mỡ đã tích lũy từ trước. Việc thiếu năng lượng khiến người bị tiểu đường luôn cảm thấy đói và thèm ăn, trong khi cân nặng bị sụt giảm.

Bệnh nhân luôn cảm thấy khát do đường trong máu tăng cao sẽ khiến thận tăng cường hoạt động để thải đường ra ngoài kèm lượng nước tiểu đáng kể. Việc tiểu nhiều lần và mất nhiều nước khiến cơ thể luôn cảm thấy khát và uống nhiều hơn.

"Vì vậy, khi có dấu hiệu "ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều", người bệnh cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời", bác sĩ Dung nhấn mạnh. 

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng.

Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng chú ý, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.

Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem