Lao động muốn tìm việc lương 20 triệu đồng, nhưng thực nhận chưa tới 10 triệu đồng/tháng vì lý do này!
Lao động muốn tìm việc lương 20 triệu đồng, nhưng thực nhận chưa tới 10 triệu đồng/tháng vì lý do này!
Thùy Anh
Thứ bảy, ngày 28/09/2024 13:00 PM (GMT+7)
Mong muốn tiền lương cao, nhưng thực tế lại rất phũ phàng, có khi chỉ bằng 1 nửa so với kỳ vọng của người lao động. Đó là kết quả điều tra mới đây của một trung tâm dự báo nghiên cứu nguồn nhân lực.
Giật mình vì khoảng cách tiền lương kỳ vọng và thực tế cách nhau quá xa
Khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (thuộc Sở LĐTBXH TP.HCM) với 42.120 người có nhu cầu tìm việc cho thấy, trong quý 3/2024, có 11,14% người lao động tìm việc có mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng; 26,71% tìm việc trên 10 - 15 triệu đồng/tháng; 20,14% tìm việc từ trên 15 - 20 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, có 40,76% tìm việc lương trên 20 triệu đồng/tháng.
Như vậy, kỳ vọng mức lương cao diễn ra ở hầu hết người lao động, tuy nhiên thực tế có tới 70% công việc ở mức dưới 10 triệu đồng/tháng.
Không riêng tại TP Hồ Chí Minh, ở hầu hết các tỉnh thành phố lớn khác cũng diễn ra tình trạng tương tự. Tại Hà Nội, nhiều lao động cho biết để đảm bảo cuộc sống và sinh hoạt, mức lương họ mong muốn phải đạt từ 15-20 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Lan, 32 tuổi (công nhân công ty May khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) cho biết, thu nhập hiện tại của chị chị - thợ may công nghiệp chỉ được 10 triệu đồng/tháng có tăng ca. Chồng chị kỹ sư điện, thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Hiện chồng chị đang có ý định nhảy việc, tìm kiếm công việc với mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng.
"Cân nhắc mãi, tôi cũng động viên chồng tôi nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Chúng tôi từ quê lên Hà Nội lập nghiệp, nhà cửa chưa có, giờ 2 vợ chồng mua nhà trả góp, lại thêm việc nuôi 2 con ăn học, và trợ cấp cho bố mẹ ở quê. Nếu tháng chỉ được 25 triệu thì không thể đủ chi tiêu, vì thế tôi động viên chồng tìm công việc có mức thu nhập cao hơn", chị Lan nói.
Dù rất nỗ lực trong việc gửi hồ sơ tìm kiếm công việc, nhưng thực chất việc tìm việc không đơn giản như vợ chồng chị Lan nghĩ. Có công việc thu nhập tốt hơn thì phải làm xa hơn, vất vả hơn, có công việc thì thu nhập còn thấp hơn cả mức lương cũ.
"Mong là vậy nhưng chắc khó tìm công việc mới có mức lương cao hơn, nên chúng tôi vẫn sẽ làm công việc cũ, có lẽ chỉ còn cách tiết kiệm chi phí ăn uống chi tiêu thôi", chị Lan chia sẻ.
Báo cáo điều tra của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho thấy trong quý 3/2024, khi có hơn 40% lao động mong muốn lương trên 20 triệu đồng/tháng nhưng chỉ 6,78% vị trí tuyển dụng đáp ứng mức này.
Thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng chủ yếu là giới kỹ thuật
Các điều tra trên cho thấy nhu cầu tìm việc ở các mức lương cao trên 20 triệu đồng/tháng, tập trung các vị trí như nhân viên marketing, kế toán, kiểm toán, giám sát công trình, nhân viên chứng từ, nhân viên chăm sóc khách hàng, kỹ sư ô tô, nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu, quản lý nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên lập trình, kỹ thuật viên kỹ thuật cơ khí, nhân viên phân tích tài chính, môi giới bảo hiểm, trợ lý, thư ký, thông dịch viên, nhân viên QA/QC, dược sĩ, bác sĩ đa khoa, nhân viên nhân sự, chuyên viên kế toán, kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư, kỹ sư sinh học, quản trị website, kỹ sư MEP, nhân viên quảng cáo, nhân viên kho.
Trong khi đó, chỉ có 1,25% người lao động có nhu cầu tìm việc dưới 5 triệu đồng/tháng. Nhóm này chủ yếu là các ứng viên ở trình độ lao động phổ thông hoặc tìm việc làm bán thời gian, theo ca, như nhân viên hỗ trợ hành chính, nhân viên bán hàng, tạp vụ, nhân viên bảo vệ, thực tập sinh, nhân viên nhập liệu, nhân viên phục vụ, phụ bếp, cộng tác viên, thu ngân.
Bình luận về mức tiền lương kỳ vọng của người lao động, cách chuyên gia lao động cho rằng điều này khó khả thi, trong bối cảnh thị trường lao động còn nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐTBXH) cho rằng: "Người lao động có quyền kỳ vọng và đặt ra một mức tiền lương theo mong muốn của họ, còn việc doanh nghiệp có chấp nhận hay không lại là việc khác".
Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng khảo sát 19.405 lượt doanh nghiệp với tổng số 71.778 vị trí việc làm đang tuyển (1 vị trí có thể tuyển nhiều người lao động). Kết quả cho thấy ứng viên tuyển dụng có mức lương thấp dưới 5 triệu đồng, đa phần là ứng viên lao động phổ thông; các vị trí có mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng là công việc giành cho lao động có kinh nghiệm làm công việc có kỹ năng nghề.
Đáng chú ý, ở mức lương trên 20 triệu đồng/tháng, chỉ có 4.863 vị trí cần tuyển, chiếm 6,78% tổng nhu cầu. Các công việc ở mức lương này là kiểm tra linh kiện điện tử, kỹ sư phần mềm, kỹ thuật viên công nghệ thông tin, nhân viên sale game, bác sĩ đa khoa, kế toán trưởng, giám đốc quản lý nhân sự, giám đốc kinh doanh.
Theo bà Hương, thị trường lao động của Việt Nam là thị trường mở, có cung - cầu vì thế tiền lương cũng sẽ được điều tiết dựa trên nhiều yếu tố trong đó có cả cung - cầu lao động. Mặt khác, bà Hương cho rằng lý do lao động mong muốn một mức lương cao không hẳn vì họ đánh giá cao kỹ năng, trình độ bản thân mà là bởi cuộc sống của họ khó khăn, họ cần phải có một mức tiền lương bằng khoản đó để đảm bảo nuôi sống bản thân và gia đình.
"Nhìn chung, thị trường cuối năm sẽ có khởi sắc do tăng trưởng sản xuất nhất là ngành dịch vụ tiêu dùng, tuy nhiên nó là chưa đủ để tạo sức bật giúp tăng trưởng tiền lương. Về cơ bản mặt bằng tiền lương vẫn sẽ khó khăn, vì thế mức lương bình quân của lao động làm việc ở khối doanh nghiệp tư nhân vẫn chỉ dao động trong khoảng từ 7-9 triệu đồng, với một số lao động kỹ thuật có thể cao hơn nhưng con số này là không nhiều", bà Hương nói.
Chính bởi lý do đó, bà Hương cảnh báo người lao động nên thận trọng hơn trong việc tìm kiếm công việc và đề xuất mức tiền lương phù hợp. Không nên kỳ vọng lớn để rồi thất vọng cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.